Cắt giảm gánh nặng hành chính, tạo quy định tốt hơn trong bối cảnh đại dịch covid 19

Ngày 11/8/2020, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cùng một số cơ quan, tổ chức quốc tế tổ chức phiên họp lần thứ nhất Hội nghị trực tuyến Mạng lưới thực hành quy định tốt ASEAN-OECD (GRPN) lần thứ 6 năm 2020 với chủ đề Quy định tốt hơn để khôi phục sau đại dịch Covid-19, qua đó trao đổi, thảo luận về việc cắt giảm gánh nặng hành chính, tạo ra các quy định tốt hơn để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ xã hội.

20200812-Nam-2.jpg
Trước đại dịch Covid-19, Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã tập trung giải quyết gánh nặng hành chính như một biện pháp để thúc đẩy đầu tư, thương mại và tăng trưởng. Tuy nhiên, các giải pháp được đưa ra chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) phức tạp, quan liêu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 đã đặt ra vấn đề làm thế nào để cơ chế, chính sách, quy định hành chính nặng nề không còn là rào cản đối với nỗ lực của Chính phủ. Phiên họp lần thứ nhất Hội nghị ASEAN-OECD GRPN lần thứ 6 là cơ hội để các quốc gia Đông Nam Á tìm hiểu về các quan điểm cắt giảm gánh nặng, hướng tới các quy định tốt hơn, cũng như thảo luận để tìm ra giải pháp cải thiện cơ chế, chính sách, quy định hành chính, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội vừa chống dịch, bảo vệ xã hội.
 
Tại hội nghị, đại diện Việt Nam đã có bài giới thiệu kinh nghiệm cải cách quy định và TTHC trước và trong quá trình phòng chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Theo đó, cải cách và cắt giảm gánh nặng quy định và TTHC là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Trong đại dịch Covid-19, Chính phủ càng khẳng định tầm quan trọng của cải cách này; chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, tạo nền tảng lâu dài, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn chia sẻ cách tiếp cận, các kết quả đạt được và kế hoạch tiếp theo với GRPN, nhận góp ý và học hỏi kinh nghiệm.
 
Việt Nam đã và đang thực hiện 3 làn sóng cải cách: Trước năm 2010, Việt Nam thực hiện Đề án 30, qua đó đã thống kê, công khai 6.000 TTHC; tiết giảm 1,6 tỷ USD/năm chi phí tuân thủ TTHC. Giai đoạn 2, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 3.893 điều kiện kinh doanh; cải cách 6.776 quy định kiểm tra chuyên ngành; tiết kiệm 260 triệu USD/năm; đồng thời mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ công 1 cửa. Hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai giai đoạn 3 với việc ban hành Nghị quyết số 68/NĐ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu cắt giảm 20% quy định kinh doanh, đồng thời thúc đẩy triển khai công cụ công nghệ thông tin trong giai đoạn 2020-2025. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 1.000 dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
 
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân, điều chỉnh quy định kinh doanh. Do yêu cầu giãn cách xã hội, Chính phủ đã nhanh chóng đưa các TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Một số TTHC hỗ trợ chống dịch Covid-19 như: Đăng ký vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đất cho doanh nghiệp, thuế và tiền thuê đất cho cá nhân... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giảm thuế, phí theo quy định hiện hành; giãn thời gian nộp thuế; giảm giá điện sản xuất và tiêu dùng; các ngân hàng thương mại tạm thời giãn nợ, không phân loại tín dụng vào nhóm nợ xấu, hạ lãi suất tín dụng; giảm 2% lãi suất cho vay từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Về việc kiểm soát, cải cách TTHC trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã và đang triển khai thí điểm tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ (mobile money); gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia, nhà quản lý, lao động kĩ thuật là người nước ngoài; các đóng góp ủng hộ chống dịch Covid-19 được coi là chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; đẩy nhanh cấp phép đầu tư dự án, thực hiện sớm một số quy định miễn giấy phép xây dựng; hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh.
 
Một số bài học rút ra trong quá trình triển khai là: Sự ủng hộ và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao là điều kiện tiên quyết; sự điều phối, thúc đẩy từ trung tâm của Chính phủ; áp dụng các phương pháp định lượng rõ ràng và các thông lệ quốc tế tốt; sự hợp tác, đồng hành của Chính phủ và các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia độc lập; bám sát nhu cầu thực tiễn, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp.