Điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển

Với phương châm “tận tâm tận lực, hết lòng hết sức vì người bệnh”, hằng năm, các thầy thuốc quân y hải quân đã cứu chữa cho hàng trăm ngư dân gặp bạo bệnh và tai nạn trong lao động trên biển… góp phần giúp họ yên tâm vươn khơi bám biển. Qua đó, cũng đặt ra những vấn đề cần quan tâm về công tác khám sức khỏe, sàng lọc bệnh trước những chuyến đi biển dài ngày của ngư dân.

Trong hoạn nạn có thầy thuốc quân y hải quân
 
“Không có các y sĩ, bác sĩ Bộ đội Hải quân và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tôi không thể sống được đến bây giờ”. Đó là tâm sự của ngư dân Nguyễn Văn Tâm (tỉnh Kiên Giang). Qua câu chuyện chúng tôi được biết, vào trung tuần tháng 10-2019, khi theo tàu KG-91781.TS đánh cá ngoài khơi thì tai họa ập đến với anh. Trong một đêm sóng to, gió lớn, khi đang thu lưới, anh bị ngã va đập mạnh vào thành tàu dẫn đến chấn động não, chấn thương hàm mặt, gãy xương hàm trên, đòn trái, tổn thương mắt… Gần hai ngày sau, tàu KG-91781.TS mới đưa được anh đến đảo Trường Sa lớn chữa trị.
 
20200708-l9.jpg
 
Quân y Vùng 5 Hải quân khám chữa bệnh cho trẻ em huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
 
Để tìm hiểu sâu hơn phương pháp điều trị ban đầu của các y sĩ, bác sĩ huyện đảo Trường Sa, chúng tôi đã kết nối điện thoại với Đại úy Bùi Văn Phúc, Bệnh xá trưởng Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được biết, khi tiếp nhận, bệnh nhân Nguyễn Văn Tâm trong tình trạng bị sốt nhiễm trùng toàn thân, mắt đã chuyển sang trạng thái đục vì hoại tử. Ngay lập tức, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của trung tâm tổ chức cấp cứu hồi sức, duy trì dấu hiệu sinh tồn mạch, huyết áp, tim, phổi, dùng kháng sinh nâng đỡ-chống nhiễm khuẩn; đồng thời đề nghị cấp trên chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Quân y 175 để cứu chữa. Hiện giờ, anh Tâm đã khỏe mạnh, tiếp tục theo tàu ra khơi đánh bắt hải sản.

Cứu người là trên hếtCũng chung tấm lòng biết ơn đội ngũ y sĩ, bác sĩ Bộ đội Hải quân, ông Lê Văn Nô, thuyền trưởng tàu KG-94130.TS, tâm sự: “Ngày trước, trong tâm trí của chúng tôi, các chuyến đi đánh cá giữa mênh mông biển nước thì việc chẳng may bị bệnh, hay gặp tai nạn đồng nghĩa nắm chắc cái chết. Nhưng hiện nay, chúng tôi rất yên tâm làm nghề cá ngoài biển vì luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ đội Hải quân". 

Cứu người là trên hết
 
Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm; có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích hơn một triệu km2... Mỗi con tàu là một cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, là mắt xích quan trọng để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Thế nên, ngành quân y hải quân rất chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y sĩ, bác sĩ theo phương châm “giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về y đức”, tận tâm, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, ngành cũng từng bước củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Nhờ vậy, từ năm 2013 đến nay, quân y các đơn vị tại Trường Sa, nhà giàn DK1 của Quân chủng Hải quân đã khám bệnh, cấp thuốc cho gần 28.000 lượt người, cấp cứu hơn 350 lượt ngư dân…
 
Theo Thượng tá Dương Văn Thiện, Phó chủ nhiệm quân y, Cục Hậu Cần, Quân chủng Hải quân: Ngành Quân y Hải quân luôn xác định cứu người là trên hết. Tất cả ngư dân nếu bị bệnh hoặc tai nạn lao động đều được chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, nguồn kinh phí bảo đảm cho nhiệm vụ này chưa tách bạch ra được với nguồn bảo đảm do ngư dân có thẻ bảo hiểm y tế trong quá trình hoạt động trên biển nên phần nào cũng gây khó khăn cho công tác bảo đảm chung. Do đó, kinh phí khám chữa bệnh cho ngư dân gặp tai nạn, bệnh tật trên biển đa số đều do Quân chủng Hải quân bảo đảm.
 
Những năm qua, các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị của quân y các đảo, nhà giàn, cần điều trị chuyên khoa sâu đều được vận chuyển vào bờ bằng tàu hải quân hoặc máy bay quân sự. Các trường hợp vận chuyển đều đúng chỉ định và đúng quy định theo Thông tư số 193/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, kịp thời cứu sống bệnh nhân và hạn chế các biến chứng. Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, 27/128 trường hợp được vận chuyển vào bờ là bệnh nhân có tiền sử bệnh tật từ trước, quá trình đi biển lao động nặng nhọc nên bệnh tái phát. Trong khi đó, chi phí vận chuyển thường rất lớn, vậy nên, người lao động, nhất là ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ nên được khám sức khỏe, sàng lọc bệnh trước những chuyến đi biển dài ngày để vừa hạn chế tai nạn rủi ro, vừa giảm chi phí cứu chữa.