Nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới

Tại Báo cáo kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử 6 tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã nêu rõ kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế cần khắc phục Về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử. Trên cơ sở đó, bên cạnh các nhiệm vụ đã nêu trong các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới.

Về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh: Các Bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và các Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ; kiên định mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; cải cách thực chất hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Cùng với đó, các Bộ, ngành tiếp tục tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, bãi bỏ, chấm dứt ngay việc quy định thủ tục hành chính trong văn bản hành chính của Bộ, ngành, nhất là các thủ tục nhập khẩu nguyên liệu sản xuất (thức ăn chăn nuôi, dệt may...), các thủ tục xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, các thủ tục về giải ngân vốn đầu tư công. Song song với việc cắt giảm thủ tục hành chính, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị cố ý làm trái các quy định pháp luật gây khó khăn cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; xử lý triệt để các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, cần duy trì tốt việc đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp đều đặn, có hiệu quả và thực chất để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và cải thiện môi trường kinh doanh; xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Công tác truyền thông cần được đẩy mạnh cùng với việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính và vận hành các hệ thống trực tuyến để thực sự tạo bước chuyển của các cơ quan hành chính nhà nước trong mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp.
 
Về xây dựng Chính phủ điện tử: Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện thể chế về xây dựng Chính phủ điện tử; khẩn trương xây dựng, trình ban hành các Nghị định về định danh và xác thực điện tử; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế; các Đề án triển khai các hệ thống bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước dùng mật mã và Đề án bảo đảm an ninh mạng trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Điện tử hóa các biểu mẫu báo cáo liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2020; rà soát, lựa chọn danh mục thông tin, tần suất báo cáo phục vụ chỉ đạo, điều hành hàng ngày, hàng tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ hoặc kết nối Hệ thống báo cáo, Hệ thống thông tin chuyên ngành của bộ, cơ quan với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, bảo đảm đưa Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vận hành vào tháng 8/2020. Đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó tiếp tục triển khai việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trên cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy tốt vai trò hạt nhân trong triển khai Chính phủ điện tử; Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND cấp tỉnh đóng vai trò hạt nhân trong triển khai Chính quyền điện tử tại địa phương, xây dựng bộ chỉ số đánh giá, đo lường hiệu quả triển khai Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện triệt để việc ký số kết quả giải quyết thủ tục hành chính và công nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký số, tạo điều kiện thực hiện liên thông thủ tục hành chính và giao dịch thương mại có sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính có ký số; kịp thời xem xét, giải quyết để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; phát huy hiệu quả kênh tương tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.