Kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử 6 tháng đầu năm 2020

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các bộ, cơ quan đã kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý vận hành các hệ thống thông tin nền tảng chính phủ điện tử và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, như Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 thực hiện thủtục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Nghị quyết số 71/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 03/4/2020 phê duyệt Đề án Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020; Quyết định số749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...
 
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/5/2020; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đã tạo dấu ấn quan trọng trong hiện thực hóa phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp của Chính phủ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19 và hơn nữa là hướng tới một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, cùng với việc chú trọng hoàn thiện thể chế để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc từ xử lý văn bản, hồ sơ, giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang xử lý văn bản, hồ sơ, giải quyết công việc trên môi trường điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được một số kết quả cụ thể như:
 
Việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia ngày càng phát huy hiệu quả. Đến ngày 22 tháng 6 năm 2020, đã có gần 2,1 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, góp phần giảm thời gian, chi phí xã hội (ước tính cắt giảm trên 1.200 tỷđồng/năm từ chi phí sao chụp, bưu chính...).
 
Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) sau 01 năm khai trương đã phục vụ 16 Hội nghị, phiên họp của Chính phủ (thay thế việc in ấn, sao chụp hơn 52.000 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý 385 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế việc phát hành 61.600 phiếu giấy, hồ sơ, tài liệu kèm theo). Hệ thống cũng đã tích hợp, hỗ trợ theo dõi tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các văn bản chỉ đạo, điều hành để chủ động trong quản lý điều hành, tăng cường giám sát việc thực thi.
 
Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đã được khai trương tháng 3/2020 kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Đến nay, đã kết nối với 12 Bộ, cơ quan và được tích hợp 20 chế độ báo cáo, 32/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ước tính sơ bộ khi điện tử hóa tất cả các báo cáo định kỳ gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kết nối Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ sẽ tiết kiệm khoảng 460 tỷ đồng/năm. Văn phòng Chính phủ đang tập trung triển khai xây dựng Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các Trung tâm điều hành của các bộ, ngành, địa phương để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu số; dự kiến sẽ khai trương trong tháng 8/2020.
 
Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành từ tháng 12/2019, từ 8 nhóm dịch vụ, đến ngày 22/6/2020 đã tích hợp, cung cấp 613 dịch vụ công trực tuyến, với gần 45 triệu lượt truy cập, 173 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 10 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 135 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 14 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Hiện đã kết nối tích hợp với Cổng Dịch vụ công của 17 bộ, cơ quan; Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đã kết nối với nền tảng thanh toán phục vụ việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử còn một số tồn tại: Việc tổ chức triển khai chưa được đồng bộ tại một số bộ, ngành, địa phương, dẫn đến kết quả thực hiện chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Tư tưởng, thói quen của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn làm việc dựa trên giấy tờ, ngại dùng công nghệ do sợ bị giám sát, mất quyền kiểm soát, vai trò. Một số bộ, ngành chậm trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, như Nghị định về định danh và xác thực điện tử, về bảo vệ dữ liệu cá nhân... Cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn thiện và một số ứng dụng Chính phủ điện tử chưa thật sựt hân thiện với người dùng. Trình độ công nghệ, hạ tầng kỹ thuật ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Vấn đề về bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn tiềm ẩn nguy cơ tấn công, khai thác các lỗ hổng bảo mật. Việc tham gia sử dụng dịch vụ Chính phủ điện tử của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao, một phần do công tác truyền thông, tuyên truyền còn hạn chế, chưa hiệu quả.