Tiếp tục hoàn thiện Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”

Chiều ngày 23/6, tại trụ sở Bộ TT&TT, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025 đã tổ chức phiên họp lần thứ 2. Tới dự và chủ trì phiên họp có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban Soạn thảo; tham dự có các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập và đại diện các Bộ, Ban, ngành có liên quan.

20200623-l20.jpg

Toàn cảnh phiên họp

Theo báo cáo, sau phiên họp lần thứ nhất, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã triển khai nhiều cuộc họp với Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), Cục A05 (Bộ CA) và các chuyên gia, tổ chức quốc tế: UNICEF Việt Nam, ChildFund, MSD, Microsoft Việt Nam, World Vision,   Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam… để xin ý kiến về Đề án và gửi lấy ý kiến của bộ, ngành, địa phương về Đề án. Tới thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đã nhận được ý kiến bằng văn bản của 21 cơ quan, tổ chức; trong đó có các cơ quan: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước…

Ngày 27/5/2020, tại phiên họp của Quốc hội nghe báo cáo kết quả Đoàn giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đã có gần 10 ý kiến (trong tổng số hơn 50 ý kiến phát biểu) đề cập trực tiếp đến thực trạng, sự cần thiết của vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó Cục ATTT – cơ quan thường trực Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ TT&TT có văn bản gửi Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo hướng giao nhiệm vụ cho Chính phủ phê duyệt Đề án này và coi đây là một trong ba nhiệm vụ/chương trình quan trọng về phòng, chống xâm hại trẻ em ở cấp quốc gia bên cạnh Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em ở môi trường gia đình và Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em ở môi trường giáo dục.
 
Đồng thời, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo xin ý kiến rộng rãi về Đề án. Tham dự Hội thảo có hơn 150 đại biểu từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế; trong đó, có một đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tham dự. Trong đầu tháng 6/2020, Cục Trẻ em đã chủ trì, phối hợp với Cục ATTT cùng một số tổ chức trong nước và quốc tế (MSD, ChildFund, World Vision) tổ chức khảo sát, lấy ý kiên của 1.025 trẻ em tại 20 tỉnh, thành phố về các nội dung liên quan của Đề án…
 
Cũng theo Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, về cơ bản, các ý kiến góp ý đều nhất trí với sự cần thiết của việc ban hành Đề án. Cục ATTT đã tiếp thu hầu hết các ý kiến góp ý, hoàn thiện nội dung Tờ trình và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án;
 
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban Soạn thảo đề nghị Tổ Biên tập cần tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành có liên quan; cân nhắc tính khả thi; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương triển khai các chương trình giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… để hoàn thiện Đề án theo tiến độ đã đề ra.