Những điểm sáng và hạn chế trong công tác cải cách hành chính ở cấp xã

Cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp tạo sự chuyển biến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Bên cạnh những địa phương đã đáp ứng được tiêu chí hướng tới nền hành chính công phục vụ thì không ít địa phương cấp xã còn bộc lộ bất cập, hạn chế.

 Những bất cập từ bộ máy hành chính cũ và từ chính người dân

Bộ phận một cửa của UBND xã Kim Chân, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 - 50 lượt người dân tới đăng ký giải quyết các thủ tục như: Chứng thực, khai sinh, kết hôn, chuyển nhượng đất... Với hệ thống hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ và kết nối liên thông hệ thống trục văn bản hành chính Quốc gia; cán bộ có thể nhập dữ liệu, tra cứu thông tin và xử lý văn bản kịp thời, giải quyết công việc nhanh. Tuy nhiên, để hoàn thành khối lượng công việc và trả kết quả trong ngày có những cán bộ gặp khó khăn trong khi tác nghiệp.
 
Ông Hoàng Văn Hùng - Cán bộ Tư pháp bộ phận một cửa xã Kim Chân, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: "Lớn tuổi như tôi bây giờ xử lý mọi văn bản giấy tờ trên hệ thống mạng cũng khá vất vả vì phần mềm CCHC mỗi ngày một cải tiến mà chúng tôi cập nhật thông tin chậm đôi khi cũng khó xử lý nhanh công việc".
 
20200618-pg10.jpg
 
Được biết những trường hợp cán bộ lớn tuổi như ông Hùng hiện được giữ lại làm việc ở bộ phận một cửa cấp xã không ít. Để cử nguồn cán bộ này đi đào tạo học nâng cao kiến thức sẽ không hợp lý, vì sau khi hoàn thành các khóa học những cán bộ này sẽ đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên để sắp xếp công việc phù hợp cho đội ngũ này cũng rất khó nên cấp ủy, chính quyền địa phương đành bổ túc kiến thức thường xuyên liên tục cho những cán bộ như ông Hùng.
 
Không giống tỉnh Bắc Ninh gặp phải khó khăn về trình độ năng lực chuyên môn còn hạn chế của cán bộ cấp xã. Tại tỉnh Bắc Giang, khi cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và cán bộ đã dần đi vào hoàn thiện để đáp ứng các tiêu chí về CCHC cấp độ 3 tiến dần đến cấp độ 4 thì chính người dân lại thích làm việc theo lối cũ, tức là làm việc trên giấy tờ sổ sách.
 
Chị Vi Thị Mai, giáo viên Trường THCS Giáp Sơn, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang là người trẻ tuổi và sử dụng thành thạo máy tính, smartphone và cũng biết được thông tin có thể giải quyết một số thủ tục hành chính (TTHC) ngay tại nhà hoặc tại trường nhưng chị Mai vẫn tới bộ phận một cửa của xã vì lý do tới làm trực tiếp cho chắc.
 
"Tôi vẫn thích làm việc trực tiếp trên giấy tờ vì như vậy tôi thấy yên tâm hơn, tránh nhầm lẫn. Mặc dù tôi cũng biết có thể giải quyết TTHC trên điện thoại hoặc máy tính nhưng bản thân tôi vẫn muốn đến xã để làm việc" – chị Vi Thị Mai chia sẻ.
 
Trong khi cả nước, các Bộ, ban ngành và các địa phương đang nỗ lực CCHC từng ngày, Nhà nước đang ưu tiên giành nhiều sự đầu tư nguồn vốn và con người để nâng cao hiệu quả CCHC thì người dân lại không nhiệt tình hưởng ứng nền hành chính thông minh này. Theo ông Vi Văn Tư - Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, người dân đến giao dịch cũng ít khi cập nhật, tìm hiểu thêm về sự thay đổi của các TTHC, họ chỉ mang giấy tờ đến để có gì thì hỏi luôn cán bộ hướng dẫn. 
 
Hiệu quả rõ rệt trong CCHC khi có sự thay đổi từ cả hai phía
Cách đây một vài năm, tỉnh Tuyên Quang cũng gặp phải những trở ngại như tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang nhưng nhờ có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân nên CCHC tại tỉnh Tuyên Quang đã có những bước khởi sắc, năm 2017 tỉnh xếp thứ 22 Chỉ số CCHC Par Index, đến năm 2018, Chỉ số CCHC của tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc thứ hạng so với năm 2017. Tuyên Quang có được kết quả này một phần không thể thiếu của việc nâng cao chất lượng CCHC cấp xã.
 
Cách làm của tỉnh Tuyên Quang là để cán bộ tiếp xúc, hỗ trợ dân từ những việc nhỏ nhất. Đối với cán bộ cấp xã, cán bộ gần cơ sở thì mọi việc vui hay buồn trong dân đều cử đại diện đến thăm hỏi động viên hoặc chúc mừng.
 
Không chỉ vậy, mỗi khi có chủ trương, chính sách mới về CCHC, ngoài những buổi tập huấn chuyên đề, tập huấn lồng ghép với các chương trình khác, cán bộ còn đến tận nhà để vận động người dân ủng hộ cơ chế, chính sách mới, cách tiếp cận CNTT mới vào giải quyết TTHC.
 
Qua công tác tuyên truyền và tiếp xúc trực tiếp với người dân, cán bộ đã sàng lọc và phân loại đối tượng người dân có khả năng thực hiện đăng ký giải quyết TTHC trên máy tính và điện thoại có kết nối Internet và những đối tượng vẫn giải quyết công việc trực tiếp với cán bộ để từ đó có giải pháp phủ sóng toàn dân sử dụng tiện ích của CNTT trong CCHC.
 
Huyện Hàm Yên là một trong những huyện đầu tiên trên địa bàn xã được UBND tỉnh Tuyên Quang lựa chọn chuyển bộ phận một cửa sáp nhập vào bưu điện huyện, để tận dụng sự linh hoạt đa chức năng trong công tác phục vụ nhân dân của hệ thống bưu điện như: phát lương, nhận đóng bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa, tiền… tạo thuận lợi cho người dân khi đến bưu điện có thể giải quyết luôn TTHC, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả CCHC cấp xã phường và thị trấn. 
 
Chị Hoàng Thị Như Liễu - Cán bộ một cửa huyện huyện Hàm Yên chia sẻ: "Khi thực hiện giải quyết TTHC, người dân có thể đến tham khảo các dịch vụ khác bên bưu điện và ngược lại nếu như người dân có thể đến bưu điện lĩnh lương hoặc đóng bảo hiểm thì nhân tiện có thể sang giải quyết TTHC".
 
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thông qua việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ và ký hợp đồng với các công ty được Nhà nước cho phép hoạt động tư vấn CCHC. Kết quả là sau những buổi tập huấn cầm tay chỉ việc, tất cả các bộ phận tham gia tập huấn đều thạo việc ngay sau khi kết thúc khóa đào tạo.
 
Như vậy, để tạo bước tiến rõ rệt trong công tác CCHC cấp xã, với những bất cập về trang thiết bị, về trình độ dân trí tại một số địa phương thì nhân lực có trình độ và công tác cán bộ phải được đặt lên hàng đầu, phải thường xuyên thanh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ. 
 
Song song với đó là đẩy mạnh phân cấp quản lý hành chính; đổi mới phương thức làm việc, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tăng hiệu quả giải quyết TTHC có tính chất liên ngành; triển khai thực hiện có hiệu quả bộ phận một cửa điện tử hiện đại để rút ngắn thời gian giải quyết. 
 
Kiên quyết không để cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm làm việc tại bộ phận một cửa. Đây là những cách làm cần phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa tại các địa phương mới tạo được sự chuyển biến trong CCHC ở cấp xã.
Nguồn: theo ictvietnam.vn