Kỳ công món quà 'ngoại giao', bí mật trong tranh ghép Bác Hồ

Với hàng nghìn con tem, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn miệt mài ghép thành nhiều bức tranh về Bác như: “Hồ Chủ tịch quan sát trận địa”, “Hồ Chủ tịch làm việc ở vườn Chủ tịch phủ”, “Bác Hồ đọc báo”…

20200515-l21.jpg

Họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn 

Nằm sâu bên trong con ngõ Quỳnh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn tấp nập người qua lại là nhà của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn - người được mệnh danh là "ông hoàng" tranh tem.

Ở tuổi 65, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đã có gần 30 năm làm nghề, chế tác hàng nghìn tác phẩm tranh ghép tem về Bác với nhiều chủ đề khác nhau.
 
Trong cái nắng đầu hạ, ông Tuấn mồ hôi nhễ nhại, mời khách uống nước rồi lên tầng 3 tham quan xưởng sáng tác. Rộng vỏn vẹn 15m2 nhưng căn phòng đầy ắp các tác phẩm  tranh ghép cùng đồ nghề lỉnh kỉnh và hàng trăm nghìn con tem các loại. Ngoài những con tem mới, còn có cả những con tem có tuổi đời gần nửa thế kỉ. Nổi bật ở giữa căn phòng là bức tranh "Bác Hồ nói chuyện điện thoại trên chiến khu" đang được ông gấp rút hoàn thiện.
 
20200515-l11.jpg
 
Những con tem cổ xưa
 
Phòng nhỏ, chiếc quạt cũ không đủ sức làm mát, ông Tuấn cho biết, với đặc thù công việc, ông không thể lắp điều hòa, cũng không mở quạt to mà chỉ được để cho thoang thoảng gió, tránh ảnh hưởng đến tem.
 
Là người gốc Hà Nội, năm 1981, họa sĩ Tuấn tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội nhưng vì nhiều lý do, ông đã định bỏ nghề. Trong lúc chưa có hướng đi rõ nét, ông được nhận vào làm mảng vẽ, thiết kế tại công ty Tem (nay là Ban Tem bưu chính thuộc Tổng công ty Bưu điện VN). 
 
20200515-l17.jpg
 
Tác phẩm "Bác Hồ nói chuyện điện thoại ở chiến khu" sau khi được hoàn thiện
 
20200515-l10.jpg
 
Họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn ghép bức tranh "Bác Hồ cầm ống nói" từ ảnh chụp của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định
 
Vào thời điểm đó, tem thư được in với số lượng rất lớn để đáp ứng nhu cầu trao đổi thư từ của người dân. Tuy nhiên, những con tem đã hết kỳ hạn cung ứng tại các bưu điện, nhà in sẽ bị đem đi tiêu hủy, rất lãng phí. Năm 1990, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn nảy ra ý tưởng ghép tranh từ những con tem này.
 
Nếu như với tranh vẽ, việc phối màu đậm nhạt, tạo hình có thể tùy chỉnh thì tranh ghép tem lại hoàn toàn khác. "Tem sản xuất ra nó chỉ có như thế, màu sắc giới hạn nên trước khi làm tôi phải tính toán kỹ sao cho màu sắc, bố cục đường nét được hài hòa. Qua mấy chục năm tôi cũng cũng đúc rút được kinh nghiệm cho việc này", họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn chia sẻ.
 
Theo ông, ban đầu phải cắt gọt từng chi tiết, có những con tem phải cắt rất nhỏ, rồi lắp ghép sao cho hợp lý. Trong đó, khâu cắt tem là phức tạp, tốn nhiều thời gian nhất vì độ lớn, nhỏ của các mảnh ghép phụ thuộc vào kích thước tranh. Sau đó, xếp lớp từng chi tiết.
 
20200515-l19.jpg
 
Tác phẩm "Bác Hồ làm việc trong vườn hoa"
 
Làm tranh ghép tem như một cuộc chơi thách thức sự kiên trì của ông Tuấn. Thời gian đầu, ông phải bóc ra, dán vào nhiều lần, thậm chí phải phải dỡ bỏ đi làm lại. Ấy vậy mà họa sĩ Tuấn vẫn thích “tự làm khó mình”. Ông cho biết đã có nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều tác phẩm khắc họa chân dung Bác Hồ nhưng tranh được ghép bằng tem về Bác thì chưa có, nên nhiều năm nay ông đã dày công nghiên cứu, tạo hình để mang đến một góc nhìn mới về vị lãnh tụ dân tộc. 
 
Đề tài về Bác Hồ cũng khiến ông trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất. Chưa một lần được gặp trực tiếp Người, những cảm xúc của ông về Bác đến từ những ca khúc thiếu nhi mà ông hay hát khi còn nhỏ. Năm 1969, Bác mất, ông được đi viếng. Sau này, khi trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, ông có dịp gặp những người đã từng tiếp xúc với Bác. Tất cả đã giúp hình thành trong tâm trí ông hình tượng về Bác.
 
20200515-l20.jpg
 
"Bác đang cùng chúng cháu hành quân" 
 
20200515-l12.jpg
 
Chân dung Bác Hồ 
 
20200515-l15.jpg
 
20200515-l14.jpg
Tác phẩm "Bác Hồ vẫy tay chào" 
 
Để hoàn thành một bức tranh tem về Bác Hồ, họa sĩ thường phải sử dụng khoảng 1.000-3.000 con tem, và mất khoảng một tuần, thậm chí cả tháng trời để ghép.
 
Ông Tuấn chia sẻ: "Làm sao để bức tranh khiến ai nhìn vào cũng thấy đó là Bác gần gũi, chân thật nhất. Khó nhất có lẽ đôi mắt của Bác, phải thật có hồn, trông y như thật, rồi từng nếp nhăn, đường gân, sống mũi, chòm râu... làm toát lên phong thái, cốt cách giản dị, thanh cao của Người". 
 
Trong số các tác phẩm về Bác, ông Tuấn tâm đắc nhất bức tranh ghép lấy mẫu từ bức vẽ chân dung Bác được treo trong các hội trường. Theo ông, đó là bức khó ghép nhất, nhưng cũng ưng ý nhất. Ngoài ra, ông còn ghép nhiều bức tranh khác như: “Hồ Chủ tịch quan sát trận địa”, “Hồ Chủ tịch làm việc ở vườn Chủ tịch phủ”, “Bác Hồ đọc báo”, “Cờ đỏ búa liềm”, “Bác cùng chúng cháu hành quân”, “Chiến thắng Điện Biên”… 
 
20200515-l22.jpg
 
"Bác Hồ và Bác Tôn"
 
Năm 2015, ông nghỉ hưu, do số người làm tranh ghép tem rất hiếm nên ông vẫn làm thêm cho công ty tem. 
 
"Trung bình tôi làm 150-200 tranh ghép/năm, nhiệt huyết, say mê như thuở còn trong nghề", ông chia sẻ. Dịp kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác năm nay, ông càng bận rộn hơn, tay đã yếu và mắt không còn tinh anh như trước, nhưng ông vẫn thức trắng nhiều đêm cho những tác phẩm của mình.
 
20200515-l16.jpg
 
Tác phẩm "Bác Hồ đọc báo Nhân Dân" 
 
Giờ đây, tem thư ít được sử dụng bởi sự phát triển của thư điện tử và các loại hình chuyển phát khác. Ông Tuấn bồi hồi: "So với email, khi ai đó nhận được bản thư viết tay sẽ cảm thấy gần gũi, tình cảm hơn, tranh của tôi cũng thế, chứa đựng trong đó cả tâm huyết của người làm và người được nhận".
 
Bây giờ nhiều hàng đặt vì người ta thấy được giá trị của bức tranh. Ccác chương trình, lễ kỷ niệm, buổi gặp mặt... công ty tem đều đặt họa sĩ Tuấn làm. Đặc biệt, ông từng được Bộ Ngoại giao đặt hàng làm các tác phẩm để tặng các đoàn khách nước ngoài.
 
Hiện tại, “gia tài” của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đã lên tới hàng nghìn bức tranh.
 
Một số tác phẩm tranh ghép tem của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn và cộng sự: