Hội nghị toàn thể Ủy ban Tần số Vô tuyến điện lần thứ 32

Chiều ngày 8/5/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã chủ trì Hội nghị toàn thể Ủy ban Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) lần thứ 32 để đánh giá hoạt động năm 2018 - 2019 và triển khai công tác năm 2020.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên TƯ Đảng: Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban; Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó chủ tịch Ủy ban.
 
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban; đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Tư lệnh phòng không không quân, Tập đoàn VNPT…
 
20200508-HUY01.JPG
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Tần số Vô tuyến điện phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, giai đoạn 2018-2019 được đánh dấu bởi những biến động căn bản trong lĩnh vực thông tin vô tuyến. Ở quy mô quốc tế là sự ra đời của phiên bản tiêu chuẩn 5G đầu tiên vào tháng 6/2018; Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới 2019 diễn ra ở Ai Cập với nhiều quyết định quan trọng về tần số cho 5G, thông tin vệ tinh, hàng không, hàng hải. Ở trong nước, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/09/2019 về Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc.
 
Đồng hành cùng thế giới, đầu năm 2019 các nhà mạng Việt được cấp phép triển khai thử nghiệm mạng 5G, và tháng 5/2019 đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam,...
 
Công nghệ 5G xuất hiện với sứ mệnh tạo dựng nền tảng phục vụ sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số - xã hội số, tiến nhanh vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và kết nối vạn vật IoT. Cùng với đó, 5G cũng yêu cầu nhiều phổ tần khác nhau với băng thông lớn để đáp ứng những kịch bản ứng dụng đa dạng từ di động băng rộng tốc độ cực cao (eMBB) đến kết nối vô tuyến có độ tin cậy cực cao và độ trễ thấp (uRLLC), truyền thông máy với máy số lượng cực lớn (mMTC).
 
Đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 126 triệu thuê bao di động (có phát sinh lưu lượng), trong đó khoảng 62,5 triệu thuê bao có sử dụng dữ liệu (data) 3G, 4G và khoảng 63,5 triệu thuê bao chỉ sử dụng thoại, tin nhắn (dịch vụ cơ bản). Lượng người dùng data 3G, 4G tại Việt Nam đã tăng mạnh so với cuối năm 2018, với 55,8 triệu thuê bao data 3G, 4G và 75,2 triệu thuê bao cơ bản. Tỉ lệ dân số được phủ sóng di động 4G năm 2019 đạt trên 95,3%. Đây là những cơ sở để Việt Nam sớm thực hiện lộ trình tắt sóng dịch vụ 2G/3G để 100% người dân có thể sử dụng dịch vụ băng rộng trên điện thoại thông minh, sẵn sàng cho triển khai chính phủ điện tử.
 
Năm 2019, chúng ta đã ban hành quy hoạch băng tần 700 MHz cho thông tin di động IMT, và đang gấp rút xây dựng quy hoạch băng tần trong dải tần số trung bình (3,5 GHz, 4,9 GHz) và cao (26 GHz) cho 5G để có thể cấp phép triển khai thương mại trong năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sớm triển khai 5G trên thế giới.
 
Về hàng không, hàng hải: tần số cho các hệ thống thông tin phục vụ dẫn đường, liên lạc điều hành, an toàn - tìm kiếm - cứu nạn trong hoạt động hàng không, hàng hải được đảm bảo, giúp cho các tầu bay, tầu biển vận hành an toàn, thông suốt. Hiện cả nước có 22 cảng hàng không dân dụng có trang bị Hệ thống hạ cánh tự động (ILS) và 200 đài vô tuyến dẫn đường hàng không; 1.880 tàu biển đạt chuẩn SOLAS với các thiết bị GMDSS, gần 11 nghìn tàu cá được trang bị thiết bị liên lạc và giám sát hành trình trên băng tần HF.
 
Về phát thanh truyền hình: Đến nay, Việt Nam đã thực hiện số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất tại 48/63 tỉnh, thành phố. Trong đó 27 tỉnh, thành phố đã hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất; 21 tỉnh, thành phố đã số hóa đối với trạm phát sóng chính. Đặc biệt, việc hoàn thành số hóa truyền hình tại hai khu vực đồng bằng đông dân nhất cả nước (Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ) là tiền đề rất quan trọng để Việt Nam sớm đưa băng tần 700 MHz vào phát triển thông tin di động băng rộng.
  
Sự phát triển sôi động của thông tin vô tuyến trong thời gian vừa qua đã đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với công tác quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, trong 2 năm vừa qua, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các thành viên Ủy ban Tần số vô tuyến điện, của các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là sự hợp tác, phối hợp hiệu quả của Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong hoạt động quản lý phổ tần số quốc gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn vướng mắc có liên quan đến việc phối hợp giữa 3 khối: Dân sự - Quốc phòng - An ninh cần được bàn bạc, tháo gỡ kịp thời.
 
Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng tần số làm nền tảng nền kinh tế trở thành hạ tầng nền tảng quốc gia quan trọng. Chúng ta phát triển kinh tế xã hội vẫn đảm bảo an ninh – quốc phòng. Hiện nay có thuận lợi khi có các doanh nghiệp điện tử viễn thông sản xuất nhiều thiết bị thông tin, radar, tác chiến điện tử, hạ tầng viễn thông sử dụng linh hoạt tần số. Trước đây đi mua phải phụ thuộc vào các nhà sản xuất về tần số.
 
5G là nền tảng viễn thông mới hỗ trợ kết nối không chỉ người với người, mà người với máy, máy với máy và sẽ là hạ tầng quan trọng nhất. Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh 5G rất khốc liệt. Việt Nam phải giải bài toán hài hoà tần số để phát triển 5G cho đất nước. Việt Nam cũng lần đầu tiên đi cùng nhịp với thế giới về 5G. Bên cạnh đó, có rất nhiều khái niệm, nội dung về tần số vô tuyến điện nhiều năm chưa thay đổi, Ủy ban cũng như các tiểu ban phải thay đổi để phù hợp diễn biến mới./.