Sức sống và triển vọng phát triển của mạng xã hội “make in Việt Nam”

Mới đây, chỉ sau hơn 10 tháng kể từ ngày khai trương (11-6-2019), mạng xã hội VCNet đã đạt con số 1 triệu tài khoản đăng ký và hoạt động. Nhận định về dấu mốc đáng nhớ này, Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Phó Trưởng Ban chỉ đạo VCNet cho rằng trong bối cảnh phải cạnh tranh với những “gã khổng lồ” như Facebook, Twitter, Instagram… thì việc cán mốc 1 triệu người dùng khẳng định vai trò, sức sống và triển vọng phát triển của mạng VCNet trong hệ thống các mạng xã hội “make in Việt Nam”.

20200427-m01.jpg
 
Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Phó Trưởng Ban chỉ đạo mạng xã hội VCNet
 
Tuần qua, theo thông tin từ Ban Quản trị Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo VCNet, tính đến 10 giờ 22 phút ngày 17-4, số tài khoản đăng ký và hoạt động trên hệ thống đã đạt con số 1 triệu tài khoản. Số lượng bài, ảnh, video clip do người dùng đăng lên mạng đạt hơn 140 nghìn, cùng với hơn 80 nghìn lượt bình luận (comment). Trong thời gian gần đây, số người dùng mạng xã hội này tăng mạnh, có nhiều ngày đạt hơn 20 nghìn tài khoản đăng ký mới và hiện tại vẫn không ngừng tăng lên.
 
Năm 2019, hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo VCNet do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Tập đoàn Viettel xây dựng và đưa vào hoạt động với phương châm "Tuyên giáo đi trước, đi cùng", "Hướng mạnh về cơ sở". Việc xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo đã đáp ứng nhu cầu mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, nắm bắt dư luận nhanh nhạy, kịp thời định hướng dư luận xã hội. Đồng thời cũng tạo ra bước đột phá trong công tác tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu của ngành trong ứng dụng công nghệ để đổi mới công tác điều hành, cũng như tăng cường tính tương tác của ngành Tuyên giáo và cộng đồng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
 
Vậy là, chỉ sau hơn 10 tháng kể từ khi ra mắt, mạng VCNet (khai trương ngày 11-6-2019) với hơn 1 triệu người dùng đã trở thành diễn đàn để cán bộ, đảng viên và nhân dân chia sẻ ý kiến, trao đổi thông tin tích cực; góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
 
Nhận định về dấu mốc đáng nhớ này, Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Phó Trưởng Ban chỉ đạo VCNet cho rằng:Trong bối cảnh phải song hành với những “gã khổng lồ” về công nghệ, tài chính và có bề dày nhiều năm hoạt động như Facebook, Twitter, Instagram…, và các mạng xã hội trong nước, việc cán mốc 1.000.000 người dùng của mạng xã hội VCNet đã khẳng định vai trò, sức sống, triển vọng phát triển trong hệ thống các mạng xã hội “make in Việt Nam”, đồng thời khẳng định sự tác động, sức lan toả của các thông tin trên mạng VCNet trong thời gian qua.
 
Đặc biệt, dù mới ra đời và đi vào hoạt động chưa lâu, mới được hơn 10 tháng, nhưng mạng VCNet đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động của ngành Tuyên giáo. Điển hình như từ tháng 8 đến tháng 12-2019, thông qua mạng VCNet, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều cơ quan thông tin đại chúng tổ chức thành công Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
 
Tiếp nối thành công đó, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” cũng được tổ chức thông qua mạng VCNet, hiện đang thu hút hàng trăm nghìn người dự thi mỗi tuần. Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” hiện đang ở tuần thi thứ năm, dự kiến diễn ra trong 16 tuần, bắt đầu từ 10 giờ ngày 23-3-2020, kết thúc vào 9 giờ ngày 13-7-2020. Với sự phối hợp của nhiều đơn vị, địa phương và cơ quan báo chí, trong những tuần thi vừa qua Cuộc thi đã thu hút đông đảo người dùng VCNet tham gia dự thi, tạo được hiệu ứng tích cực.
 
Tiến sĩ Trần Doãn Tiến cũng cho biết, hiện nay, cùng với các cơ quan thông tấn, báo chí và mạng xã hội trong nước, mạng VCNet đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 
Tuy nhiên, điều đáng nói là để có được những thành tựu bước đầu đó, Ban quản trị mạng VCNet đã phải nỗ lực và sáng tạo khi hoạt động trong điều kiện nguồn lực đầu tư cho công tác quản trị, vận hành còn hạn chế, các thành viên Ban Quản trị cũng như đội ngũ cán bộ quản trị nội dung đều làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm.
 
Về phương hướng phát triển mạng VCNet trong thời gian tới, Tiến sĩ Trần Doãn Tiến cho biết Ban Quản trị VCNet đang xây dựng đề án đổi mới nội dung và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng VCNet. Trong đó, về hạ tầng công nghệ, Ban Quản trị mạng VCNet sẽ tiếp tục phối hợp Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và các đơn vị liên quan tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện các tính năng hiện có và bổ sung các tính năng mới, qua đó nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dùng, phát huy vai trò của VCNet là mạng xã hội phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân trao đổi thông tin tích cực.
 
“Tôi cho rằng áp lực phát triển mạng VCNet trong thời gian tới là không nhỏ khi phải cạnh tranh với không chỉ các mạng xã hội lớn trên thế giới, mà còn phải song hành với những mạng xã hội trong nước. Tuy nhiên, mạng VCNet sẽ tiếp tục kiên trì tôn chỉ, mục tiêu và chiến lược phát triển của mình. Trong lộ trình phát triển và tầm nhìn đến năm 2030, mạng VCNet sẽ tập trung để duy trì ổn định số tài khoản người dùng hiện có, đồng thời phát triển thêm số lượng người dùng mới”, Tiến sĩ Trần Doãn Tiến chia sẻ.