Phát triển văn hóa đọc: Tìm cơ hội giữa thách thức của dịch COVID-19

Sự “lên ngôi” của việc bán sách online trong thời gian qua buộc các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách nhìn nhận lại phương thức, mô hình kinh doanh.

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách bị sụt giảm doanh thu. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội trong thời gian dịch bệnh cũng làm thay đổi thói quen đọc, mua sách của độc giả.

Đây cũng cơ hội lớn đối với việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, mở ra hướng đi mới cho lĩnh vực này trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
“Làn gió mới” từ hội sách quốc gia trực tuyến
 
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam với mục đích tôn vinh giá trị của sách, khuyến khích người Việt Nam đọc sách, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
 
Ngoài ra, tháng Tư có Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4). Do đó, theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam còn thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với thế giới trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản…
 
202004210l12.jpg
 
Nhiều chuyên gia cho rằng để nâng cao văn hóa đọc, trước hết, cần tập trung vào nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. (Ảnh minh họa: TTXVN)
 
Từ đó đến nay, Ngày Sách đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân cả nước. Nhiều hoạt động hưởng ứng được tổ chức ở các địa phương trên toàn quốc, trong đó, điểm nhấn là hội sách tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) vào nửa cuối tháng Tư.
 
Tuy nhiên, năm nay, Ngày Sách Việt Nam diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg (ngày 31/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh.”
 
Đây là lần đầu tiên hội sách quốc gia chào mừng Ngày Sách Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Chương trình đang diễn ra tại địa chỉ website http://book365.vn, dự kiến kéo dài đến 20/5.
 
Hội sách có sự tham gia của gần 50 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trong cả nước, giới thiệu tới độc giả khoảng 10.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau (sách kinh tế, sách lịch sử, sách văn học, sách hướng dẫn kỹ năng sống…).
 
Ban tổ chức áp dụng chương trình giảm 25% giá bìa cho tất cả xuất bản. Bưu điện Việt Nam sẽ miễn phí cước vận chuyển cho 20.000 đơn hàng đầu tiên đăng ký trên sàn Book365.vn. Các đơn hàng tiếp theo sẽ được hỗ trợ 30% phí vận chuyển.
 
Ngoài ra, có khoảng 40 chương trình tọa đàm (về các vấn đề của lĩnh vực xuất bản, phát triển văn hóa đọc), giao lưu trực tuyến tác giả-bạn đọc sẽ được tổ chức trong khuôn khổ hội sách với sự tham gia của nhà thơ Phong Việt, nhà văn Dương Thụy…
 
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định việc tổ chức hội sách trực tuyến lần này là hoạt động phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
 
Có cùng quan điểm trên, tiến sỹ Nguyễn Văn Nam (nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng hội sách trực tuyến lần này sẽ mở rộng, thu hút đông đảo độc giả tham gia hơn so với việc tổ chức hội sách trên thực địa tại Hà Nội và một số thành phố lớn (như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…), góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong cộng đồng.
 
Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, từ năm sau, các cơ quan chức năng nên tổ chức song song cả hội sách online và hội sách offline để đưa sách tiếp cận với nhiều đối tượng bạn đọc, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua sách.
 
Cơ hội từ thách thức
 
Tại lễ khai mạc hội sách trực tuyến (diễn ra sáng 19/4), ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ kỳ vọng phương thức tổ chức này mở ra hướng đi mới, mang tính đột phá cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trong việc mở rộng lượng độc giả, phát triển thị trường. Đây sẽ là nền tảng cho việc hiện đại hóa ngành xuất bản, giúp lĩnh vực này bước vào nền kinh tế số.
 
Mức tăng trưởng của phát hành sách online trong thời gian gần đây cho thấy xu hướng mua của độc giả và cơ hội mới đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách.
 
Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, thời gian qua, do tác động từ dịch COVID-19, thị trường phát hành sách truyền thống dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết quý 1, doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh (giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm trước).
 
Trong khi đó, theo ghi nhận của một số đơn vị như Fahasa, Thái Hà Books, Nhã Nam... doanh thu bán sách online tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước.
 
Sự “lên ngôi” của việc phát hành sách online khiến các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách nhìn nhận lại phương thức, mô hình kinh doanh. Đại diện Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng phát hành sách online là xu hướng phổ biến từ lâu trên thế giới.
 
Trong những năm gần đây, hình thức này cũng khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành cần “bắt tay,” liên kết chặt chẽ hơn với nhau và với các sàn thương mại điện tử để cung cấp sản phẩm, tránh việc người đọc mua phải sách giả.
 
Việc giúp độc giả dễ tìm, tiếp cận và mua sách sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.
 
“Ngoài ra, để phát triển phong trào đọc sách, chúng ta cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của sách và của thói quen đọc sách. Việc này cần triển khai đồng bộ, liên tục, không nên chỉ đẩy mạnh tuyên truyền trong tháng Tư hàng năm, tập trung vào những hoạt động hướng đến chào mừng Ngày Sách Việt Nam,” tiến sỹ Nam bày tỏ.
 
Cụ thể, ông Nam cho rằng các gia đình, nhà trường cần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ, mỗi gia đình nên có một tủ sách. Hệ thống thư viện trường học cần sự thay đổi mang tính đột phá, thay vì mỗi trường chỉ có một thư viện thì mỗi lớp học nên có một tủ sách. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi cũng cần chú trọng hơn./.