PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Một bác sĩ đang có hai tay, sẽ có thêm cánh tay thứ ba là Telehealth

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn, tuyến huyện, xã sẽ được nâng lên tương đương với tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Trong 3 năm đầu tư triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa cho vùng sâu vùng xa, khó khăn lớn nhất mà Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gặp phải là gì thưa ông?

Có hai khó khăn lớn nhất. Thứ nhất là hạ tầng cơ sở. Các bệnh viện hiện nay khả năng đầu tư về công nghệ thông tin còn hạn chế, vì nguồn lực không có nhiều. Nguồn thu chỉ đến từ việc khám chữa cho bệnh nhân.
 
Khó khăn thứ hai là chưa có một thông tư rõ ràng nào để có thể triển khai rộng rãi được.
 
20200421-pg18.jpg
 
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y đã triển khai nền tảng Telehealth, việc khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ thay đổi ra sao?
 
Thay đổi tốt nhất sẽ được thể hiện ở các bệnh viện vệ tinh. Với sự hỗ trợ của Viettel về phần cứng, các công nghệ nâng cấp cho bệnh viện vệ tinh và đặc biệt là chính ở bệnh viện chúng tôi thì việc hội chẩn trực tuyến sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Các hình ảnh, các buổi truyền hình và các phương tiện phân tích hình ảnh trong chẩn đoán hình ảnh: CT, MRI và siêu âm sẽ rõ ràng và có chất lượng tốt hơn.
 
Nếu phần mềm của Viettel thực sự tốt – chúng tôi cũng chưa thể khẳng định có tốt hay không vì mới ở giai đoạn đầu – thì chúng tôi có thể triển khai trên diện rộng tất cả các bệnh nhân tái khám ở bệnh viện. Họ có thể cài đặt ứng dụng này trong điện thoại thông minh để sử dụng trong việc hẹn tái khám, theo dõi trong quá trình điều trị và đặc biệt sẽ có một hồ sơ bệnh án riêng cho mỗi bệnh nhân. Như vậy khi tái khám sẽ rất thuận lợi cho việc khám chữa bệnh của bác sĩ.
 
Trong tương lai gần, những thay đổi tiếp theo mà hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có thể làm được với nền tảng Telehealth dự kiến là những gì?
 
Trong tương lai, việc thiết thực nhất là chúng tôi sẽ nâng cấp hệ thống bệnh viện vệ tinh đến tận xã. Các bác sĩ ở bệnh viện huyện sẽ quản lý các trạm y tế xã, với các kết nối thông minh, đặc biệt là các thiết bị. Nếu phía Viettel có thể đưa ra chính sách giá hợp lý cho các bộ dụng cụ thăm khám, theo dõi từ xa cho người dân, tôi hi vọng gần 700 xã nằm trong hệ thống bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ được trang bị hệ thống theo dõi khám sức khỏe từ xa như vậy.
 
Nhân rộng hơn nữa, nếu mô hình này thành công thì sẽ có nhiều bệnh viện tuyến trung ương có thể triển khai mạng lưới giống như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 
 
Đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã sẵn sàng với hệ thống khám chữa bệnh từ xa có nền tảng mới hay chưa?
Tôi nghĩ là chưa sẵn sàng 100%, vì chúng tôi cũng mới bắt đầu triển khai, bắt đầu học hỏi. Chính vì thế giai đoạn đầu tiên sẽ là giai đoạn khó khăn nhất. Đội ngũ y bác sĩ chúng tôi sẽ cập nhật thông tin qua các buổi huấn luyện, học tập cách sử dụng cũng như làm quen với việc không khám trực tiếp cho người bệnh mà phải sử dụng các công cụ hỗ trợ.
 
Chúng tôi sẽ xây dựng những quy trình chặt chẽ về chuyên môn, tránh trường hợp bỏ sót chẩn đoán khi chúng ta không trực tiếp thăm khám được. Chúng ta sẽ có những giới hạn nhất định của Telehealth và lường trước các sự cố có thể xảy ra khi người dân không thăm khám trực tiếp. Đây là quá trình cần đầu tư rất nhiều thời gian và công sức.
 
Người bệnh đã sẵn sàng với hệ thống này chưa?
Theo tôi là chưa. Đây là một việc rất mới. Người bệnh đã quen với việc phải đến tận nơi gặp bác sĩ. Giờ họ cần làm quen với việc sử dụng công nghệ để có thể theo dõi sức khỏe của mình. Nên tôi nghĩ rất cần có sự tham gia của truyền thông, cùng với hệ thống y tế, các bác sĩ và bệnh viện phải vào cuộc để thúc đẩy người dân sử dụng công cụ này.
 
Và một việc đặc biệt quan trọng chính là hành lang pháp lý. Bệnh nhân, các cơ quan quản lý nhà nước phải ra những thông tư, chỉ định, chỉ đạo hướng dẫn rõ ràng hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Đặc biệt là bên Bảo hiểm Y tế, tìm ra phương hướng để chi trả cho việc khám chữa bệnh từ xa bằng Quỹ Bảo hiểm Y tế. Vì sử dụng hệ thống này sẽ làm giảm tốn kém cho cả người dân đến bệnh viện và chính Quỹ Bảo hiểm Y tế. Vì mỗi lần người bệnh đến khám không cần thiết là một lần Quỹ bị tiêu tốn nguồn lực.
 
Theo tôi, trong thời gian ngắn, Bộ Y tế sẽ phải tiên phong đưa ra thông tư, quy định hướng dẫn cho việc khám chữa bệnh từ xa và Bảo hiểm Y tế cần vào cuộc càng sớm càng tốt.

Với những người bệnh, họ sẽ có được điều gì với hệ thống khám chữa bệnh mới?
Với Telehealth, chúng ta có thể đặt lịch khám, tổ chức khám bệnh hết sức khoa học. Bác sĩ có thể theo dõi bệnh nhân sau khi khám bệnh xong, đánh giá tiến triển người bệnh.
 
“Những gì mà chúng ta chứng kiến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho thấy lợi ích rõ ràng của hoạt động khám chữa bệnh từ xa. Người bệnh vẫn được khám bệnh nhưng không phải tới bệnh viện; bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới hết sức nhanh chóng và thuận lợi” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
 
Hơn hết, chúng ta có thể gắn kết hệ thống y tế thành một khối, xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn. Như tuyến huyện, tuyến xã sẽ được nâng lên tương đương với tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Lúc đó, người hưởng lợi không còn chỉ là bệnh nhân mà chính là nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng cũng dễ dàng hoạt động y nghiệp hơn.

Khả năng khám chữa bệnh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ được hỗ trợ ra sao trong thời gian ngắn và trong tương lai với hệ thống Telehealth này?
Hiện chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy. Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ. Một bác sĩ đang có hai tay, sẽ có thêm cánh tay thứ ba là Telehealth. Nó không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế.
 
Trong dịch Covid-19, hệ thống Telehealth này đem lại hiệu quả gì?
Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở. Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện trung ương. Đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh.
 
Hiện tại, nhóm bệnh cụ thể nào có thể khám chữa bệnh qua Telehealth?
Tất cả các bệnh lý không lây nhiễm chúng ta đều có thể khám được. Nhưng để bệnh nhân có thể không cần đến gặp bác sĩ thì cần có những trường hợp cụ thể. Nếu như bệnh nhân đang điều trị ổn định, chẩn đoán rõ ràng và có những thông số theo dõi bằng Telehealth ổn định thì có thể được nghe tư vấn và tiếp tục điều trị từ xa. Còn những trường hợp chẩn đoán khó, thì hiện nay bệnh nhân vẫn cần phải đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác.
 
Cám ơn ông!

 

Nguồn: theo ictvietnam.vn