Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
img
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
img
Số: /BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
 
Hà Nội, ngày       tháng 3 năm 2020
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định
 
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020, nội dung kiến nghị như sau:
 
Cử tri phản ánh:Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; kiểm soát an ninh, an toàn hệ thống camera giám sát. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực thông tin, tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin xã hội; kịp thời phản bác thông tin xấu, độc, sai sự thật..
 
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xin trả lời như sau:
 
* Đối với nội dung tiếp tục tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; kiểm soát an ninh, an toàn hệ thống camera giám sát.
 
Năm 2019, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố khoảng 5,2 nghìn cuộc, giảm 50% so với năm 2018. Số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma là 6,5 triệu địa chỉ, giảm 9% so với năm 2018.
 
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia hoạt động tích cực, kết nối đến 39 bộ, ngành địa phương trong cả nước; cung cấp Hệ thống phòng chống mã độc tập trung hỗ trợ giám sát cho khoảng 68 nghìn máy tính tại các cơ quan này;thực hiện giám sát từ xa cho 85 cơ quan, tổ chức gồm 14 bộ, ngành, 63 địa phương và 8 tổ chức khác trên toàn quốc.
 
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục tăng cường các công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Tiếp tục tổ chức các Chiến dịch rà quét, xử lý mã độc trên diện rộng; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đẩy mạnh kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin về tấn công mạng, mã độc giữa Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Hình thành mạng lưới quốc gia về giám sát, cảnh báo sớm, hỗ trợ xử lý mã độc và tấn công mạng.
 
Để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với các thiết bị, máy móc sử dụng trong các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử trong đó bao gồm cả hệ thống camera giám sát, Bộ TTTT hiện đang xây dựng và xin ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc lựa chọn, sử dụng máy móc, thiết bị, sản phẩm, giải pháp trong các hệ thống thông tin để đảm bảo an toàn thông tin mạng. Trong đó, quy định rõ các máy móc, thiết bị, sản phẩm, giải pháp trước khi đưa vào sử dụng phải đáp ứng các yêu cầu an toàn thông tin mạng; ưu tiên sử dụng máy móc, thiết bị, sản phẩm, giải pháp được sản xuất trong nước theo quy định; đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin mạng trong quá trình sử dụng và khi không còn sử dụng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
 
* Đối với nội dung chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực thông tin, tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin xã hội; kịp thời phản bác thông tin xấu, độc, sai sự thật.
 
Vấn đề cử tri quan tâm cũng là vấn đề Bộ TTTT đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý.
 
Những năm qua, hệ thống các cơ quan báo chí trong toàn quốc có sự phát triển nhanh cả về số lượng lẫn nội dung, chất lượng chương trình. Các cơ quan báo chí thực sự là phương tiện thông tin tuyên truyền nhanh, nhạy của Đảng và Nhà nước, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương tích cực tuyên truyền, phản ánh nhiều chiều, phong phú, đa dạng mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời cũng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí của người dân.
 
Bộ TTTT thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong nước tăng cường thông tin những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống người dân, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tình hình an ninh trật tự xã hội… nhằm góp phần tăng niềm tin của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân với các chủ trương, chính sách và công tác điều hành đất nước, cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin để đánh giá đúng tình hình, không bị các thế lực thù địch lợi dụng.  
 
Song song với đó, Bộ TTTT cũng thường xuyên đề nghị các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện đúng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin; đồng thời, Bộ TTTT thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động mời đại diện các bộ, ban ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến giao ban báo chí hàng tuần để cung cấp thông tin kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách, văn bản mới được ban hành, những vấn đề mà dư luận quan tâm để lãnh đạo các cơ quan báo chí nắm rõ, tổ chức thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ đến nhân dân nhằm cảnh báo và định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là các thông tin liên quan an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng.
 
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời cử tri./.
 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
-Vụ QHĐP (VPCP);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
các Cục: BC, PTTH; ATTT;
Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, VP.
BỘ TRƯỞNG
 
 
 
 
 
 
Nguyễn Mạnh Hùng