Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
img
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
img
Số: /BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
 
Hà Nội, ngày       tháng 3 năm 2020
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình
 
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020, nội dung kiến nghị như sau:
 
Cử tri phản ánh:Đề nghị Nhà nước có biện pháp quản lý nội dung trên các mạng xã hội để học sinh, sinh viên có môi trường nghiên cứu, học tập được trong sạch, lành mạnh, bổ ích.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xin trả lời như sau:
 
Hiện nay, Luật Trẻ em 2016 và các văn bản hướng dẫn Luật Trẻ em như: Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 đã có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng:
 
+ Trách nhiệm cơ quan quản lý, bảo vệ trẻ em, cơ quan truyền thông về tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ năng và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng;
 
+ Trách nhiệm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng phải xây dựng và phổ biến công cụ, phần mềm, tiếp nhận thông tin, cảnh báo thông tin không phù hợp trẻ em;
 
+Trách nhiệm cơ quan truyền thông cung cấp thông tin phải bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật;
 
+Trách nhiệm cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan bảo vệ trẻ em, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xâm hại trẻ em.
 
- Điều 73 Luật Công nghệ thông tin quy định Nhà nước, xã hội và nhà trường có trách nhiệm bảo vệ trẻ em chống lại những tác động tiêu cực của thông tin trên môi trường mạng và có biện pháp ngăn ngừa và xử lý các ứng dụng công nghệ thông tin với nội dung gây hại trẻ em; xây dựng và phổ biến bộ công cụ (phần mềm) để lọc nội dung gây hại trẻ em; nhà cung cấp dịch vụ có biện pháp ngăn ngừa trẻ em truy nhập vào nội dung không có lợi cho trẻ em.
 
- Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 5 Luật Xuất bản, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 đều có các quy định về nghiêm cấm cung cấp, trao đổi, truyền bá, tàng trữ hoặc sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của các tổ chức, hay danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
 
- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 đã có quy định về quản lý trò chơi trực tuyến bảo vệ trẻ em khỏi các ảnh hưởng tiêu cực như: hạn chế giờ chơi, đăng ký thông tin cá nhân, dán nhãn trên màn hình phân loại độ tuổi, thẩm định nội dung trò chơi điện tử(G1) trước khi phát hành, quy định khoảng cách của điểm cung cấp trò chơi công cộng đến cổng trường học.
 
* Để ngăn chặn việc phát tán, chia sẻ các trang web, tài khoản, nội dung thông tin xấu, độc nói trên, thời gian qua, Bộ TTTT đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp như:
 
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm.
 
- Vừa qua, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
 
- Đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp trong nước cung cấp, các quy định của pháp luật hiện hành (cụ thể Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT) đã quy định bắt buộc tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ thông tin xấu độc. Qua theo dõi, Bộ TTTT nhận thấy vi phạm trên các mạng xã hội này là không phổ biến.
 
- Đối với mạng xã hội nước ngoài được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là Facebook và Youtube, Bộ TTTT đã và đang tích cực đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới với Việt Nam, yêu cầu họ gỡ bỏ những nội dung không phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, yêu cầu có giải pháp quản lý các nội dung dành cho trẻ em, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những tác động tiêu cực của mạng xã hội nói riêng và của Internet nói chung để trẻ em và đặc biệt là các bậc phụ huynh biết, hướng dẫn con em mình lựa chọn những chương trình, nội dung phù hợp, bổ ích và biết tự bảo vệ thông tin bí mật riêng tư của mình và của con em mình khi tham gia mạng xã hội.
 
* Trong thời gian tới, Bộ TTTT tiếp tục nghiên cứu và tập trung triển khai một số giải pháp, cụ thể:
 
- Xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý giúp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, hoạt động quảng cáo, hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội để bổ sung quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng:
 
- Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng theo hướng:
 
+ Bổ sung trách nhiệm của các trang tin, mạng xã hội (bao gồm cả các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam) bổ sung điều kiện kỹ thuật, đảm bảo có giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, cảnh báo và tiếp nhận cảnh báo đối với các nội dung không phù hợp với trẻ em, có các hình thức báo vi phạm dễ nhận biết; bổ sung quy định về thu thập thông tin cá nhân liên quan đến trẻ em (phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ);
 
+ Khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất, phổ biến các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em sử dụng máy tính truy cập các trang web đen độc hại;
 
- Xây dựng đề án bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác trên không gian mạng;
 
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, nhà trường, gia đình để giúp trẻ em nhận biết, cảnh báo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về các nội dung không phù hợp với trẻ em;
 
- Xây dựng chính sách nhằm khuyến khích việc phát triển các dịch vụ nội dung phù hợp với trẻ em;
 
- Xây dựng chính sách nhằm khuyến khích việc phát triển các trò chơi điện tử có nội dung giáo dục về văn hóa, lịch sử, kiến thức phù hợp với trẻ em.
 
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình để trả lời cử tri./.
 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
-Vụ QHĐP (VPCP);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
                    Cục PTTH; Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, VP.
BỘ TRƯỞNG
 
 
 
 
 
 
Nguyễn Mạnh Hùng