Các giải pháp dự kiến để thực hiện chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025

Từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, Chính phủ đã triển khai xây dựng Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với phạm vi thực hiện là các quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực gồm: văn bản hành chính, thông tư, thông tư liên tịch của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định, nghị quyết của Chính phủ; luật của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Song song với đó các quy định hành chính dự kiến ban hành tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Để thực hiện Chương trình, Chính phủ dự kiến các bộ, ngành, địa phương cần triển khai các giải pháp như:
 
- Tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lý của mình; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình.
 
- Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kiện toàn theo Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu của Chương trình này và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được giao.
 
- Thực hiện nhất quán nguyên tắc giảm tối đa số lượng văn bản, rút ngắn thời gian ban hành và tiết kiệm chi phí, cụ thể: Khi ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định hiện hành thì ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ; riêng thông tư, một thông tư ban hành phải bãi bỏ ít nhất hai thông tư cũ; áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản. Khi ban hành văn bản mới thì với nội dung được giao hướng dẫn hoặc quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến nhiều vấn đề thuộc phạm vi quản lý của một bộ, cơ quan ngang bộ chỉ ban hành tối đa hai văn bản; liên quan đến một vấn đề thuộc phạm vị quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ chỉ ban hành một văn bản.
 
- Tăng cường đối thoại giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; huy động sự tham gia tích cực của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, các hiệp hội ngành hàng tích cực phản ánh kiến nghị về các dự thảo văn bản và văn bản hiện hành có vướng mắc bất cập lên Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng tính phản biện, nâng cao chất lượng rà soát, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
 
- Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ và chất lượng yêu cầu. Tổ chức đánh giá, xếp hạng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về kết quả cải cách, cắt giảm quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh không còn phù hợp.
 
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nhất là quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy trình tham vấn chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng phối hợp giữa các cơ quan trong việc thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành. Phát triển đồng bộ và song hành, tương hỗ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thống kê, rà soát quy định hành chính có liên quan đến hoạt động kinh doanh và tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.
 
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cơ quan hành chính nhà nước, của tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình. Bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện Chương trình.
 
* Để thực hiện tốt nhiệm vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần:
 
a) Chủ động triển khai thực hiện Chương trình theo nhiệm vụ được phân công, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025. Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải quyết chồng chéo, bất cập, cắt giảm những quy định là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng mục tiêu, yêu cầu; quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh đến từng cán bộ, công chức, viên chức.
 
b) Căn cứ Chương trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 của Chính phủ và Danh mục quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng năm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng năm của Bộ, cơ quan ngang bộ để triển khai thực hiện trước ngày 31 tháng 01 hằng năm (năm 2020, ban hành trước ngày 29 tháng 02).
 
c) Hoàn thành cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ vào phần mềm thống kê theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 2020.
 
d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình; xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng cuối quý. Các phương án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua phải gửi lấy ý kiến của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
 
đ) Phối hợp với Tổ công tác trong việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh liên quan đến hai bộ, ngành trở lên.
 
e) Thường xuyên đối thoại, tham vấn các tổ chức, hiệp hội, ngành hàng, tiếp nhận, thu thập ý kiến của người dân, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia; thực hiện có hiệu quả việc tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật qua Hệ thống tham vấn chính sách và văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Chính phủ xây dựng khi Hệ thống đi vào hoạt động trong năm 2020.
 
g) Thường xuyên cập nhật các quy định được sửa đổi, thay thế, bổ sung và biến động chi phí tuân thủ trên phần mềm thống kê quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
 
h) Tổ chức thực thi các phương án đơn giản hóa được Thủ tướng Chính phủ thông qua thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
 
i) Trong quá trình ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, kiên quyết trả lại hồ sơ thẩm định, thẩm tra trước khi ban hành đối với những văn bản không bảo đảm nguyên tắc.
 
k) Định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.