Kết quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2019 tại các bộ, ngành, địa phương

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 24/24 bộ, cơ quan; 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tại các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019.

Các nội dung được đánh giá cụ thể như:
 
1. Việc kiểm soát quy định TTHC tại dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
 
Về đánh giá tác động quy định TTHC, nhằm kiểm soát chặt chẽ quy định TTHC ngay từ khâu dự thảo cho đến tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động 660 TTHC quy định tại 121 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Việc thực hiện đánh giá tác động TTHC được quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã góp phần nâng cao chất lượng quy định TTHC, bảo đảm chỉ ban hành những TTHC thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất.
 
Về thẩm định, thẩm tra TTHC trong lập đề nghị xây dựng và trình dự án, dự thảo văn bản QPPL, năm 2019, các đơn vị chức năng của các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện thẩm định, thẩm tra về TTHC quy định tại các dự thảo văn bản QPPL, cụ thể: Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 324 TTHC quy định tại 45 văn bản. Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra đối với 280 TTHC quy định tại 52 dự thảo văn bản QPPL có quy định TTHC, trong đó, đề nghị không quy định 42 TTHC, sửa đổi, bổ sung 161 TTHC không cần thiết, không hợp lý, chiếm 72,5% tổng số TTHC quy định trong dự thảo. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện thẩm định đối với 384 TTHC quy định tại 44 Thông tư, 35 Quyết định của Ủy ban nhân dân và 12 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Qua ý kiến thẩm định, thẩm tra đã hỗ trợ cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo kịp thời phát hiện, chỉnh sửa nhiều bất cập về quy định TTHC trong dự thảo văn bản QPPL; giúp cơ quan/cấp có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL có thêm thông tin để quyết định ký ban hành hoặc thông qua văn bản QPPL.
 
2. Về công bố, công khai TTHC, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 2.167 quyết định công bố 47.843 TTHC tại 1.982 văn bản QPPL để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Đã thực hiện rà soát, chuẩn hóa 7.517 dữ liệu TTHC làm cơ sở nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Qua rà soát, chuẩn hóa đã cắt giảm, bãi bỏ 584 thủ tục hết hiệu lực, trùng lặp, số lượng còn lại là 6.933 TTHC.
 
3. Về tình hình, kết quả giải quyết TTHC, các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 261.860.415 hồ sơ, trong đó, có 2.175.824 lượt hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích; đã giải quyết 257.661.527 hồ sơ, đạt 98,4%; số hồ sơ đang xem xét, giải quyết 3.424.588 hồ sơ, trong đó hồ sơ quá hạn là 784.078 hồ sơ, chiếm 22,9% trong số hồ sơ đang giải quyết. Nguyên nhân của việc chậm (quá hạn) giải quyết hồ sơ TTHC theo quy định được các bộ, ngành, địa phương chỉ ra chủ yếu là do thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết TTHC chưa tốt, thiếu biên chế, công chức trực tiếp giải quyết TTHC và một số nguyên nhân khách quan khác.
 
4. Về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, các bộ, ngành, địa phương đã tích triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đến nay, 100% các Văn phòng các bộ, UBND cấp tỉnh đã tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo đúng chỉ đạo; 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận và giải quyết TTHC. Các địa phương chưa tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh cũng đã kiện toàn các Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cơ quan chuyên môn. Hầu hết các Bộ đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, trong đó có 5 Bộ thực hiện tập trung tại Văn phòng Bộ, còn lại tổ chức tại Tổng cục và cục. Nhiều địa phương đã tổ chức tốt các giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa như: Quảng Ninh, Bến Tre,… Đa số các địa phương đã nâng cấp Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, một số địa phương đã có đầy đủ cả 02 cấu phần như Đồng Nai, Tây Ninh… Tuy nhiên, một số mô hình một cửa đang triển khai áp dụng chưa thực sự phù hợp với Nghị định số 61/2018/NĐ-CP như việc ban hành quy trình nội bộ giải quyết từng TTHC còn chậm; vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC, chưa phát huy tốt vai trò của công chức được bố trí ra làm việc tại Bộ phận Một cửa; Cổng dịch vụ công của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
 
Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan lựa chọn các TTHC của cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương triển khai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành danh mục này và các địa phương đang tổ chức triển khai thực hiện.
 
Về thực hiện tổ chức giải quyết TTHC trên môi trường mạng: Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan, xây dựng và đưa Cổng dịch vụ công chính thức vận hành với 8 nhóm dịch vụ công được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua tính toán sơ bộ chi phí thực hiện TTHC, tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện 08 nhóm dịch vụ công này khoảng 4.222 tỷ đồng/năm, trong đó, tổng chi phí tiết kiệm được do lợi ích từ vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng Dịch vụ công quốc gia là đầu mối hỗ trợ, cung cấp thông tin và dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi một cách liên tục, hiệu quả. Tính đến ngày 19 tháng 01 năm 2020, chỉ hơn 01 tháng triển khai, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã thực hiện cấp 28.663 tài khoản; có 10,32 triệu lượt truy cập vào hệ thống; đã có 529.315 hồ sơ TTHC trên toàn quốc được đồng bộ trạng thái lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đã có 5.214 hồ sơ được nộp trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được xử lý thành công; đã tiếp nhận 2.907 cuộc gọi tới tổng đài hỗ trợ thực hiện TTHC.
 
5. Về tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận 8.039 phản ánh, kiến nghị (PAKN) của cá nhân, tổ chức về hành vi hành chính và quy định hành chính; đã xem xét, xử lý và trả lời 7.475 PAKN (đạt 92,98%), còn 564 PAKN đang được nghiên cứu xem xét, xử lý.
 
Riêng đối với Hệ thống tiếp nhận, trả lời PAKN của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trong năm 2019 đã tiếp nhận tổng số 6.766 PAKN. Văn phòng Chính phủ đã phân loại, chuyển 1.166 PAKN tới các bộ, cơ quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Các bộ, ngành, địa phương đã xử lý, trả lời được 974/1.526 PAKN, đạt 67,68% và đều được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Còn 552 PAKN đang được các Bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Về cơ bản người dân và doanh nghiệp đồng tình với kết quả giải quyết của cơ quan nhà nước. Qua kết quả tiếp nhận, xử lý các PAKN của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC đã giúp các cơ quan hành chính nhà nước có thêm thông tin về những vướng mắc khó khăn của các cá nhân, tổ chức; bảo đảm việc kiểm soát việc thực thi các quy định này trên thực tế; kịp thời sửa đổi các TTHC không còn phù hợp và chấn chỉnh hành vi của cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước trong phục vụ nhân dân.
 
6. Về rà soát, đơn giản hóa TTHC, các bộ, ngành đã tích cực rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định TTHC, nhất là các ngành, lĩnh vực có nhiều TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Cụ thể như: Bộ Tài chính đã ban hành 18 quyết định công bố bãi bỏ 49 TTHC, sửa đổi, bổ sung 23 TTHC và ban hành mới 38 TTHC quy định tại các văn bản QPPL do Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, thuộc các lĩnh vực: Thuế, hải quan, chứng khoán, quản lý công sản, ngân hàng và bảo hiểm; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành 02 nghị định, theo đó cắt giảm 28 điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành 01 nghị định, ban hành một số thông tư để cắt giảm, đơn giản hóa 108 TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ (sửa đổi, bổ sung đối với 97 TTHC, bãi bỏ 11 TTHC); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bãi bỏ, đơn giản hóa 251 điều kiện đầu tư, kinh doanh (bãi bỏ115 điều kiện, đơn giản hóa 136 điều kiện) trên cơ sở các quy định mới tại 06 luật và 07 nghị định thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
 
Tại các địa phương, nhiều nơi đã tích cực rà soát, áp dụng các giải pháp cụ thể để đổi mới phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian giải quyết của nhiều TTHC, giúp cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, như: Tỉnh Long An đã rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 23 TTHC trên 12 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 09 sở, ngành của tỉnh (Ước tính tiết kiệm chi phí sau đơn giản hóa: 1.756,7 tr.đồng/năm); Tỉnh Cà Mau, qua rà soát, đã ban hành quyết định rút ngắn ít nhất 10% thời gian giải quyết so với quy định đối với 172 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện; Tỉnh Đồng Tháp đã rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền đơn giản hóa 421/1.801 TTHC (dự kiến tiết kiệm chi phí 52.856 tr.đồng/năm, nếu phương án đơn giản hóa được phê duyệt). Các địa phương khác có nhiều kết quả tích cực trong rà soát, đơn giản hóa TTHC là: Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Quảng Nam, Bến Tre,...
 
6. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiểm soát TTHC tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương tăng cường. Riêng Văn phòng Chính phủ, trong năm 2019 đã thực hiện kiểm tra công tác kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và việc triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử tại 08 địa phương. Nhiều địa phương đã tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, có lồng ghép với kiểm tra công tác cải cách hành chính nhằm tiết kiệm thời gian cho các cơ quan, đơn vị nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu, yêu cầu quản lý nhà nước. Qua kết quả kiểm tra, đã kịp thời phát hiện và chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát TTHC để các cơ quan nhà nước các cấp kịp thời chấn chỉnh làm tốt công tác này.
 
7. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch truyền thông hỗ trợ công tác cải cách, kiểm soát TTHC. Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Hàng nghìn lượt tin, bài, phóng sự về công tác cải cách TTHC đã được các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải, đặc biệt là các tin, bài liên quan đến việc triển khai xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia; Trục liên thông văn bản quốc gia; các kết quả nổi bật trong rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số bộ, địa phương làm tốt công tác truyền thông hỗ trợ hoạt động kiểm soát TTHC như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bắc Giang, Bình Dương, Quảng Bình, Đồng Nai, …
 
Trang tin điện tử tổng hợp thutuchanhchinh.vn được duy trì, cập nhật thường xuyên các văn bản QPPL, văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, tài liệu hướng dẫn về công tác kiểm soát TTHC. Năm 2019, có 612 lượt tin, bài, ảnh về hoạt động kiểm soát TTHC của các bộ, ngành, địa phương cùng với hàng trăm bài báo về công tác cải cách TTHC của các cơ quan báo chí được sưu tầm, đăng tải lên trang tin.
 
8. Bên cạnh đó, đối với công tác triển khai Đề án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), các bộ, cơ quan đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo, như: Bộ Công an ban hành Quy chế quản lý, vận hành khai thác Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng quy trình quản lý, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận thông tin cấp số định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh, đồng thời nâng cấp, hoàn thiện hệ thống và tổ chức cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh, mở rộng phạm vi các địa phương trên toàn quốc, chính thức triển khai hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp từ 38 tỉnh lên 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 22 địa phương so với năm 2018). Bộ Tư pháp triển khai hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch tại các địa phương thực hiện cấp số định danh cá nhân cho hơn 1.391.018 trường hợp đăng ký khai sinh. Đến nay, đã tổ chức cấp hơn 3 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh tại 60 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Công an tiếp tục tiến hành cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân (từ đủ 14 tuổi trở lên) tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ năm 2012 đến nay đã cấp được gần 15 triệu trường hợp…
 
Trong năm 2019, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã có những đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đã tổ chức 08 phiên làm việc và hội nghị đối thoại để cùng các bộ, ngành tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam; đã thành lập 05 Tổ công tác của Hội đồng để triển khai các hoạt động cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh; tổ chức triển khai xây dựng Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2019. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế ghi nhận những nỗ lực của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
 
Có thể nói, năm 2019, công tác cải cách, kiểm soát TTHC trong toàn hệ thống hành chính nhà nước có bước tiến bộ đáng kể, hiệu lực của công tác cải cách TTHC được nâng cao hơn, tạo đà để công tác kiểm soát TTHC năm 2020 tiếp tục được thực hiện tốt hơn, góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, qua đó chung tay đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong nền kinh tế số.