Hiện 90% người mắc bệnh COPD là do khói thuốc lá.

Người hút thuốc lá thường nói với nhau: "Bỏ thuốc lá uổng lắm vì hồi xưa tập hút cực khổ quá mà". Còn chuyên gia thì nói: "Mỗi ngày hút 1 gói trong 10 năm đã quá đủ để sinh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thậm chí là ung thư". Vì vậy, “cân đo đong đếm” giữa hấp lực khói thuốc lá và rủi ro hủy hoại mái ấm ngọt ngào bởi làn khói trắng là chuyện muôn thuở của những người hút thuốc…

tải-xuống--2-_1.jpg

“Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”
Cách đây nhiều năm, tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) xảy ra vụ việc khá đau lòng. Một bệnh nhân nam lớn tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) do hút thuốc lá quá nhiều phải nhập viện điều trị lên cơn cấp tính không thở được. Trong quá trình nằm viện, khi bệnh nhân này nhờ con ra ngoài mua thức ăn nhằm lúc người con đang thiu thiu chợp mắt nên có lời càu nhàu và thái độ dùng dằng. Nào ngờ chỉ vì điều đó mà bệnh nhân không nói thêm lời nào, đi thẳng ra lan can lao mình từ lầu cao xuống đất tử vong tại chỗ.
Câu chuyện đau lòng trên được BS Nguyễn Thanh Vân Tuyên, chuyên gia về COPD tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thuật lại hôm 29/5. Theo lý giải của chuyên gia này, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây thiếu oxy thường xuyên, khi não thường xuyên thiếu oxy sẽ gây ra vấn đề trầm cảm. Người mắc chứng trầm cảm cộng với bệnh lý COPD giai đoạn nặng mà người thân chỉ cần thiếu khéo léo một chút là đã xảy ra chuyện. “Y văn nêu rất rõ vấn đề trầm cảm ở bệnh nhân COPD, đồng thời cảnh báo thân nhân, y-bác sĩ điều trị phải hết sức lưu tâm và hành xử khéo léo, kẻo xảy ra tình huống đáng tiếc như trên”, BS Tuyên cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất độc, là nguyên nhân chính gây bệnh COPD và nặng nề hơn là ung thư phổi, vòm họng, dạ dày, xơ vữa động mạch… “Khói thuốc lá khi vào cơ thể qua đường hô hấp sẽ trực tiếp tàn phá phế nang của phổi. Khi phế nang bị phá hủy thì vách trao đổi khí với máu ngày càng vỡ nhiều hơn. Hậu quả là người hút thuốc lá hít vào thì được nhưng thở ra khó khăn, ứ khí trong phổi gây bệnh COPD”, BS Tuyên giải thích.
Cũng theo BS Tuyên, hiện 90% người mắc bệnh COPD là do khói thuốc lá. “Cách đây 10 năm, từng có đánh giá COPD là bệnh lý gây tử vong đứng hàng thứ 6. Hiện giới chuyên gia đang trong quá trình đánh giá lại, song đã có những dự báo được đưa ra: Xu hướng mắc bệnh COPD đang gia tăng, nguy hiểm hơn là COPD sẽ trở thành bệnh lý gây tử vong đứng hàng thứ 3 trong vòng vài năm tới”, BS Tuyên lên tiếng báo động.
COPD là bệnh mà người hút lá (1 gói/ngày) trong vòng 10 năm đã mắc phải. Người mắc bệnh này thường từ 40 tuổi trở lên, phải sống chung với bệnh suốt đời, không thể điều trị dứt điểm. Mặc dù theo thời giá hiện nay, bệnh nhân COPD ước tính mất trung bình 1 triệu đồng/tháng theo phác đồ điều trị, nhưng thực tế con số này lớn hơn nhiều lần. “Điều trị kéo dài khiến rất nhiều bệnh nhân COPD ngán, bỏ ngang. Vậy là bệnh mạn tính thành cấp tính phải nhập viện. Mỗi khi nhập viện, người bệnh chi phí 3-4 triệu đồng là chuyện phổ biến, chưa kể thu nhập của cả người mắc bệnh lẫn thân nhân chăm sóc bị mất đi khi nhập viện. Chi phí gián tiếp vì bệnh COPD này còn lớn hơn rất nhiều lần so với chi phí trực tiếp”, BS Tuyên phân tích.
Trải nghiệm điều trị bệnh nhân COPD cũng khiến BS Tuyên “nhức đầu”, bởi bệnh nhân nào cũng thấy cảnh báo trên gói thuốc, biết hút thuốc là sẽ mắc bệnh, nhưng họ đều cho rằng ai đó sẽ bị, còn mình thì không.
Vì sao quýt làm, cam phải chịu?
Hôm 30/5, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và phát động Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM, thông tin về phụ nữ, trẻ em bị khói thuốc lá uy hiếp sức khỏe khiến cộng đồng phải giật mình.
Hiện ở Việt Nam có đến 33 triệu người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà, trong đó phụ nữ và trẻ em chiếm 2/3. Con số này tại nơi làm việc là 5 triệu người. Điều này trở nên đáng sợ hơn bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong các nghiên cứu kỹ lưỡng đã khẳng định rằng “thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết một nửa số người sử dụng thường xuyên cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc lá”.
Số liệu cụ thể hơn, cũng từ WHO, hiện thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, mỗi năm có khoảng 6 triệu người chết vì hút thuốc và 600.000 người chết vì hít phải khói thuốc lá thường xuyên. Vậy tại Việt Nam, mỗi năm có bao nhiêu gia đình phải chịu cảnh tóc tang đau đớn vì khói thuốc lá? Tệ hại hơn, có bao nhiêu ông chồng hút thuốc lá phải mang tang vợ hay lâm cảnh “tre khóc măng” vì mất con, chỉ vì “quýt làm mà cam phải chịu” khi họ không hút thuốc phải chết vì khói thuốc lá?
Thực tế, số phụ nữ, trẻ em đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám, điều trị vì phơi nhiễm khói thuốc lá đang ngày càng gia tăng. Tại lễ mít tinh, một số liệu khác được loan báo cũng khiến cộng đồng lo ngại. Việt Nam hiện nằm trong danh sách 15 quốc gia có số lượng người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, trung bình cứ hai nam giới trên 15 tuổi thì có một người hút thuốc lá.
 
Ba ơi, con sắp chết ngợp rồi!

Hồi năm 2010, anh Nguyễn Văn Đông (ở Tiền Giang) rời mái ấm ngọt ngào có một vợ hai con của mình để “ẩn cư” trong bưng (vùng đất ruộng xa xôi nhiều nước). Anh Đông tâm sự rằng, chỉ vì hai con gái nhỏ của anh suốt ngày than thở “ba ơi con sắp chết ngợp rồi” nên anh muốn bỏ thuốc lá, vốn theo anh đã hơn 15 năm. Nhưng cứ gặp bạn bè là quyết tâm bỏ thuốc lá của anh lại tan theo làn khói trắng vì lời rủ rê, chọc ghẹo. Thế rồi, anh vào hẳn trong bưng để “bế quan luyện công”. Sau 12 tháng đánh vật với hấp lực của làn khói trắng, anh Đông tự tin “xuất quan” và đến nay mái ấm của anh ở huyện Cai Lậy đã thực sự ngọt ngào.

Hút thuốc lá, không hút thuốc lá hoặc bỏ hút thuốc lá, từ trước đến nay luôn là chuyện của mỗi cá nhân. Vì vậy trong một thời gian dài cộng đồng đành “bó tay”. Tuy nhiên, theo đánh giá của WHO, những người không hút thuốc lá tại Việt Nam may mắn khi Chính phủ luôn nỗ lực can thiệp để giảm tác hại của thuốc lá trong cộng đồng. Sở dĩ WHO dùng từ “may mắn” bởi không phải Chính phủ nào cũng có thể dễ dàng từ bỏ nguồn thu khổng lồ từ thuốc lá để chăm lo sức khỏe người dân.
Hồi năm 2004, Việt Nam chính thức tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, vốn là công ước mang tính toàn cầu được Đại hội đồng Y tế thế giới thông qua năm 2003. Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hồi năm 2012. Đến năm 2013, Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nỗ lực kiến tạo một hành lang pháp lý của Chính phủ nhằm gia tăng hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế trong triển khai thực hiện suốt thời gian qua đã mang lại những thành tựu bước đầu.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, trong vòng 10 năm đã giảm 9% tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá. Tỷ lệ này ở thiếu niên dưới 15 tuổi cũng giảm nhanh chóng trong vòng 7 năm. Điều quan trọng hơn, cũng theo Bộ Y tế, nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá được nâng cao rất nhiều. Theo đó, 95% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây bệnh tật, 87% người trưởng thành tin rằng người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc lá thường xuyên cũng bệnh như người hút thuốc lá.