Tập huấn chính sách pháp luật và nghiệp vụ giám định tư pháp cho các Sở TT&TT và công an các tỉnh, thành phố phía Nam

Chiều ngày 23/10, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tập huấn chính sách pháp luật và nghiệp vụ giám định tư pháp cho các Sở TT&TT và công an các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ông Phạm Anh Tuấn đến dự hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên làm công tác giám định tư pháp của Công an, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

20191023-m04.jpg
 
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Hội nghị lần này nhằm nâng cao kiến thức và tập huấn kỹ năng về giám định tư pháp cho các cán bộ công chức, giám định viên tư pháp, viên chức tham gia giám định tư pháp chuyên ngành Thông tin và Truyền thông. Thông qua hội nghị, các chuyên gia của Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hướng dẫn, giải đáp các quy định vủa pháp luật về giám định tư pháp và trao đổi kinh nghiệm trong công tác thực tế.
 
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thuỵ, Trưởng Phòng Thanh tra bổ trợ tư pháp và quản lý giám định tư pháp – Bộ Tư pháp đã trình bày những quy định chung về giám định tư pháp và trách nhiệm của các cơ quan trong việc tiếp nhận và thực hiện công tác giám định tư pháp.
 
Theo đó, Giám định tư pháp là một loại hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án hình sự, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
 
Để kịp thời phục vụ cho việc thực hiện Bộ luật hình sự năm 1987, ngày 21/7/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 117/HĐBT về giám định tư pháp. Tiếp đó, ngày 29/9/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Giám định tư pháp (sau đây gọi chung là Pháp lệnh), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005.
 
Sau 6 năm triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở Trung ương và địa phương được củng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất, phương tiện công tác và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động giám định đã được chú trọng đầu tư. Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp bước đầu được đổi mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
20191023-m05.jpg
 
Quang cảnh Hội nghị
 
Tuy nhiên, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng theo đường lối đổi mới của Đảng tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, Kỳ họp thứ ba thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đã đánh dấu bước phát triển mới về thể chế giám định tư pháp, là cơ sở hoàn thiện pháp luật về tố tụng, đảm bảo sự liên thông, đồng bộ giữa quy định của pháp luật giám định tư pháp với quy định của pháp luật về tố tụng.
 
Kết quả hoạt động giám định tư pháp là nguồn chứng cứ khoa học, giúp cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh trong việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính và vụ việc dân sự, đảm bảo phán quyết được khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Để hoạt động giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng đòi hỏi việc giám định phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật tố tụng.
 
Vì vậy, cùng với các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, yêu cầu người thực hiện giám định tư pháp hiểu biết pháp luật là tất yếu, khách quan.
 
Tại hội nghị, bà Trần Thị Nhị Thuỷ, Phó Chánh thanh tra- Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã giới thiệu với các đại biểu chuyên đề “Giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông”./.