Doanh nghiệp trẻ trên “chuyến tàu” 4.0: Bắt đầu từ nguồn nhân lực

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; đặc biệt là những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, tự động hóa, robot, thương mại điện tử,…

20190427-l30.jpg

Công ty Việt Đức (thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao) áp dụng dây chuyền công nghệ mới hiện đại

vào sản xuất bao bì, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh

Tuy nhiên sẽ tồn tại nhiều thách thức và yêu cầu tạo ra là cần phát triển nguồn nhân lực, có trình độ cao ở các doanh nghiệp. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Ngọc Tuệ - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Ngọc Tuệ và ông Hoàng Quốc Việt  - Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo và Truyền thông BAV về vấn đề này.

PV: Chúng ta đang sống trong CMCN 4.0 với sự phát triển công nghệ nhanh chóng mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các lĩnh vực trong đó các doanh nghiệp có nguồn nhân lực đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ sản xuất. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Ngọc Tuệ - Có thể thấy dù ở giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp nào thì nguồn nhân lực luôn được coi là trung tâm và động lực phát triển của các doanh nghiệp. Đối với cuộc CMCN 4.0 sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, tự động hóa, thương mại điện tử,… đặt ra rất nhiều yêu cầu đối với nguồn nhân lực, không chỉ nhân lực có trình độ cao mà còn cả lao động phổ thông có tay nghề. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nguồn lao động có kỹ năng thực hành, nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu, năng suất lao động vì thế cũng sẽ không đạt hiệu quả điều này đặt ra thách thức ở nhiều ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động phổ thông.

PV: CMCN 4.0 diễn ra, dự báo đem lại những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn, đồng thời kèm theo thách thức về nguồn nhân lực.  Theo ông doanh nghiệp trẻ cần phải làm gì trong thời kỳ CMCN 4.0?

Ông Hoàng Quốc Việt  - Thách thức mà các doanh nghiệp trẻ nào hiện nay cũng phải đối phó là về nguồn nhân lực còn thiếu kỹ năng mềm như: Ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, đội ngũ chuyên gia công nghệ, người làm truyền thông, marketing chuyên nghiệp thiếu và yếu… Để ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc, đặc biệt là các vị trí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm dịch vụ như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản xuất sản phẩm, thương mại điện tử... Sự chuẩn bị tốt việc đào tạo, gắn đào tạo với doanh nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cơ hội việc làm mới tốt hơn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

PV: Như vậy, có thể thấy nguồn nhân lực là động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp. Điều này cho thấy nguồn lao động cần phải được nâng cao trình độ đào tạo đáp ứng nhanh với sự thay đổi nhanh chóng này?

Ông Nguyễn Ngọc Tuệ - Đúng vậy! Mặc dù nguồn nhân lực của tỉnh rất dồi dào, có phẩm chất tốt, chăm chỉ, cần cù nhưng chủ yếu vẫn là lực lượng lao động ở nông thôn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, công nghệ chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất máy móc công nghệ hiện đại thì thách thức từ cuộc CMCN 4.0 là khá lớn và đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những nhà quản lý phải cố gắng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của chính doanh nghiệp để phù hợp với sự phát triển của thị trường. 

PV: Theo ông, lực lượng lao động cần làm gì để phù hợp thời đại CMCN 4.0?

Ông Nguyễn Ngọc Tuệ - CMCN 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực của tỉnh nhất là nguồn nhân lực trẻ tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu. Với những lao động phổ thông sẽ vất vả hơn bởi thời kỳ công nghệ số sẽ tác động làm biến đổi thị trường lao động, thay đổi về việc làm, nghề nghiệp, công việc truyền thống, thủ công. Sẽ có ngành nghề mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng nhân lực cao. Để tồn tại và phát triển nghề nghiệp có thu nhập cao, ổn định, phải là lao động có chất lượng, có kỹ năng. Cuộc CMCN 4.0 đều do con người quyết định, Robot thông minh đến mấy, được trang bị trí tuệ nhân tạo bao nhiêu thì con người là cốt lõi, không thể thay thế được. Như thế muốn thích ứng với thị trường ngày càng đòi hỏi cao, lực lượng lao động phổ thông cần có những lưu ý để chọn nghề phù hợp từng cá nhân, đúng năng lực, đam mê và phù hợp. Xác định rõ mục đích nghề nghiệp và việc làm là điều hết sức quan trọng. Điều cốt lõi là cần chú ý phát triển các kỹ năng việc làm, am hiểu ngành nghề muốn gắn bó. Để đạt điều mong muốn thành công về nghề nghiệp - việc làm phải là một quá trình. Mỗi người lao động cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức để tạo ra giá trị và thành tựu.

Ông Hoàng Quốc Việt- Trong những năm tới, bên cạnh các doanh nghiệp 4.0, sẽ có nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng lao động giá rẻ thay vì đầu tư thay thế trang thiết bị tự động hóa. Do đó chúng ta vẫn có thời gian để thay đổi. Đào tạo lại là giải pháp cần được đặt lên hàng đầu. Để giúp lao động có việc làm ổn định cần thay đổi rất căn bản trong giáo dục đào tạo. Không chỉ có ngành nghề mới, việc làm mới mà phương thức tổ chức, cung cấp lao động cũng thay đổi, cần đổi mới trên phương diện ngành nghề, chương trình, giáo dục không chỉ ở bậc đại học mà ngay ở bậc phổ thông. Không chỉ là yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, giữa nhà trường với doanh nghiệp hay đào tạo các kỹ năng mềm mà còn có một yêu cầu đặc biệt quan trọng là giáo dục ý thức của một lao động có kỹ năng. Đồng thời, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp. Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm đến việc đầu tư vào phát triển công nghệ thông tin, tăng cường bộ máy tổ chức nhân sự, quản trị doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực…

Xin cảm ơn các khách mời đã tham gia cuộc trò chuyện!