Kết quả 10 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của ngành TT&TT Bắc Giang

Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010 - 2019, trong 10 năm qua, Sở TT&TT Bắc Giang đã tập trung nhiều giải pháp nhằm xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang có 6/10 huyện, thành phố có trên 75% số xã đạt tiêu chí số 8 về TT&TT.

Đến nay, sau 10 năm triển khai xây dựng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 2010 - 2019) đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, số xã đạt cả 4 nội dung tiêu chí số 8 là 170/240 (bằng 83,3% ); xã đạt nội dung 8.1 (xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông) là 198/240 (bằng 97,1% ); xã đạt nội dung 8.2 (xã có Internet đến thôn) là 190/240 (bằng 93,1%); xã đạt nội dung 8.3 (xã có đài truyền thanh) là 189/240 (bằng 92,6% ); xã đạt nội dung 8.4 (xã có ứng dụng CNTT) là 204/240 đạt100% .

20190925-l11.jpg

Phát huy vai trò của các đài truyền thanh cơ sở trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới và phục vụ nhân dân

Theo nhiệm vụ, hàng năm, Sở TT&TT xây dựng kế hoạch, cụ thể hoá các mục tiêu và thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được Sở tập trung triển khai các nội dung trong đó việc chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động các điểm bưu điện văn hóa, điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn các xã; thường xuyên có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính - viễn thông (BCVT) tại các xã, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin cơ sở. Việc phát triển hạ tầng, mạng lưới viễn thông, Internet đến các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh được quan tâm thực hiện; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phù hợp thị hiếu, nhu cầu nhân dân; bám sát mục tiêu chủ động phát triển hạ tầng đến thôn bản, sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho nhân dân.
 
Bên cạnh đó, Sở TT&TT tích cực tham mưu đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa hệ thống đài truyền thanh cơ sở bảo đảm ưu tiên các xã chưa có hệ thống đài, xã vùng sâu, vùng xa; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở, nâng cao tỷ lệ số hộ dân được hưởng thụ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ TT&TT cơ sở đáp ứng với yêu cầu thực tiến; đẩy mạnh ứng dụng CNTT đảm bảo đồng bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về CNTT cho đội ngũ cán bộ cơ sở.    
                
Hiện nay, 100% các xã trong toàn tỉnh đã ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý và điều hành công việc. Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh trong việc nâng cấp phần cứng, phần mềm, thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị; đôn đốc việc ứng dụng CNTT đảm bảo đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thông tin cơ sở cho cán bộ lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn, cán bộ làm công tác văn hóa xã hội, thông tin cơ sở tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
 
Trên cơ sở nguồn vốn ngân sách của Trung ương, tỉnh được giao, địa phương đối ứng, Sở TT&TT đã đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống TT&TT cơ sở trên địa bàn. Giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh đã nâng cấp được 47 đài truyền thanh cơ sở; từ năm 2016 đến nay, thiết lập mới được 47 đài truyền thanh xã; nâng cấp đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh truyền hình được 4 huyện, với tổng kinh phí trên 22,2 tỷ đồng.
 
Việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống TT&TT cơ sở được Sở TT&TT chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh và Bộ TT&TT. Hàng năm, Sở tiến hành rà soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở, làm căn cứ xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân kinh phí bố trí hàng năm trong giai đoạn thực hiện Chương trình còn hạn chế; nhiều địa phương chưa bố trí nguồn kinh phí thoả đáng để đối ứng nên ảnh hưởng đến chất lượng của dự án. Tính ổn định của đội ngũ cán bộ TT&TT cơ sở còn thấp, thường xuyên luân chuyển, thay đổi cán bộ, do vậy chất lượng đội ngũ cán bộ này còn hạn chế, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng thấp, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thực hiện mục tiêu chung.
 
Mặt khác, trong quá trình triển khai và thực hiện cho thấy nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng của công tác TT&TT cơ sở được nâng lên rõ rệt; công tác đầu tư, đào tạo đội ngũ về thông tin cơ sở được quan tâm. Chương trình đã góp phần xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở, rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin, kết nối việc tuyên truyền thông tin giữa các vùng, miền trong toàn tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người của tỉnh quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
 
Trên cơ sở những kết quả đạt được, mục tiêu thực hiện Chương trình giai đoạn 2020-2030: Phấn đấu đến hết 2030, 100% số xã của tỉnh đạt chuẩn tiêu chí số 8 về TT&TT, trong đó, có 100% số xã đạt nội dung có điểm phục vụ bưu chính; 100% số xã có dịch vụ viễn thông, Internet; tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống đài truyền thanh cơ sở bảo đảm 100% số xã có hệ thống đài truyền thanh cơ sở hoạt động tốt, 100% số thôn, bản trong xã có hệ thống loa, các cụm loa đảm bảo tối thiểu 98% số hộ dân trong xã nghe được; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ TT&TT cơ sở bảo đảm trên 90% số xã có hệ thống truyền thanh cơ sở được vận hành tốt; 100% số xã ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành.
 
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đến phát triển chung của toàn Ngành và trên toàn tỉnh, Sở đề ra những nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường đầu tư thực hiện các nội dung của tiêu chí ngành TT&TT; Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện tối các nhiệm vụ để đạt mục tiêu chung của Chương trình; Tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc lĩnh vực TT&TT; Chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm, cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ; tổ chức triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án bảo đảm đúng quy định và đạt mục tiêu hiệu quả của Chương trình; Huy động hiệu quả nguồn tài chính để thực hiện hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch của tỉnh.
 
Những kết quả trên chính là minh chứng cho việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn ở Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung./.