Khai mạc Hội nghị ASEAN Số

Sáng 16/8/2019, tại Hà Nội, Hội nghị ASEAN Số do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã được tổ chức. Tới dự và phát biểu khai mạc có Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch & CEO Công ty cổ phần VNG Lê Hồng Minh, cùng các diễn giả đến từ WEF, Netflix,…

20190816-l1.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Đây là phiên thảo luận đặc biệt với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, cùng các diễn giả đã tập trung vào các sáng kiến khu vực giúp đào tạo 20 triệu nhân lực công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ASEAN đến năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: ASEAN số sẽ khiến ASEAN trở nên phẳng, tạo ra sức mạnh mới cho cộng đồng ASEAN, làm cho các thành viên ASEAN ngày càng gần gũi nhau hơn. Chuyển đổi số mở ra những cơ hội lớn cho các nước đang phát triển.
 
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các nước ASEAN sẽ tận dụng cơ hội này để trở thành nền kinh tế số. Nền kinh tế số sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tính cạnh tranh của đất nước. "Tôi đánh giá cao rằng các thành viên của cộng đồng ASEAN số sẽ hợp tác chặt chẽ với Diễn đàn Kinh tế thế giới trong những vấn đề rất quan trọng như: chính sách về Dữ liệu, kỹ năng số, thanh toán điện tử và an toàn thông tin. Những vấn đề này là nền tảng của nền kinh tế số, của ASEAN số. Dữ liệu phải là một dòng chảy với sự tin tưởng, tôn trọng luật pháp quốc tế của mỗi quốc gia. Đặc biệt, các kỹ năng số, thanh toán điện tử chính là cơ sở hạ tầng ICT cho nền kinh tế số và an toàn thông tin là điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong quá khứ, các công nghệ chỉ cải thiện cuộc sống của chúng ta, cách quản lý của chúng ta và chúng ta yêu thích công nghệ mới nhưng chúng ta không thay đổi nhiều. Nhưng ngày nay, công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 đã thay đổi cách chúng ta sống và cách chúng ta quản lý. Chúng ta phải thay đổi, thay đổi tư duy và công nghệ đang thay đổi rất nhanh. Tuy nhiên, người dân và Chính phủ không thay đổi nhanh như công nghệ . Đây là thách thức lớn nhất của chúng ta. Do vậy, chúng ta phải đào tạo nhân lực để họ có thể thích nghi với sự thay đổi, không chỉ đào tạo về công nghệ mà phải đào tạo về kỹ năng mềm.
 
Cuộc CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng về tư duy. Sáng kiến “Một ASEAN” là một ý tưởng hay và ASEAN Số khiến cho ASEAN trở thành một con đường ASEAN phát triển di động, một trường Đại học ICT ASEAN, một bộ khung quản lý dữ liệu ASEAN, một hệ thống thanh toán điện tử ASEAN và một mạng lưới an toàn thông tin  ASEAN là một vấn đề đang đặt ra. Với một ASEAN trở thành một khối chung như vậy thì ASEAN sẽ trở nên lớn hơn, mạnh hơn, thịnh vượng hơn . Đây là một chặng đường dài chúng ta phải đi. Như một câu ngạn ngữ của châu Phi “Nếu chúng ta muốn đi nhanh thì phải đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thực sự tin tưởng rằng ASEAN đi cùng nhau sẽ trở thành một ASEAN thịnh vượng và một ASEAN số.
 
 
20190816-L2.jpg
 
Các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị
 
20190816-l3.jpg
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả trong nước và quốc tế
 
Cùng với FPT, Grab, Microsoft, Google…, VNG Corporation là 1 trong 14 doanh nghiệp đã cam kết tham gia sáng kiến ASEAN Digital Skills Vision 2020. ASEAN Digital Skill Vision 2020 là chương trình hợp tác của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhằm mục đích đào tạo hơn 20 triệu công nhân, gây quỹ học bổng 2 triệu USD cho các sinh viên công nghệ và đồng thời tạo việc làm cho hơn 200.000 công nhân kỹ thuật số tại các công ty vừa và nhỏ tại Đông Nam Á.