Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?

Đó là nội dung chính của buổi tọa đàm do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam và Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ, góp phần nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc cho thế hệ trẻ.

20190814-m01.jpg
 
Trẻ em một trường Mầm non thăm quan Đường sách TPHCM
 
Buổi tọa đàm có sự tham gia của hơn 20 tham luận, đến từ các đơn vị xuất bản, in và phát hành, hệ thống thư viện và ngành giáo dục - đào tạo với nhiều nội dung phong phú, xuất  phát từ thực tiễn ở cơ sở … Các tham luận và ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm đều khẳng định việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em từ tuổi ấu thơ là tiền đề rất quan trọng và cần thiết đến sự phất triển nhân cách sau này. Một số tham luận cũng  đề cập đến thực trạng hoạt động của thư viện trường học hiện nay, nơi được mệnh danh là trái tim của trường học, là nơi góp phần hình thành thói quen đọc sách của học sinh.
 
Bên cạnh hoạt động thư viện, tham luận của một số trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm tổ chức tiết đọc sách thường xuyên cho các em từ mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Chính các tiết đọc sách này là một trong các yếu tố quan trọng góp phần hình thành thói quen đọc sách vô cùng hữu ích cho trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 
 
Theo số liệu của Cục Xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, nhưng trong số đó đã có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho học tập của khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên trong cả nước. Như vậy, chỉ còn chừng 100 triệu bản sách chia cho trên 90 triệu dân, bình quân chỉ khoảng 1 đầu sách/người/năm. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, thực trạng văn hoá đọc của người Việt Nam hiện nay còn quá thấp. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là chúng ta chưa có thói quen đọc sách, thói quen này rất cần được tạo dựng từ khi trẻ còn bé.
 
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hiện trên địa bàn thành phố có trên 1,7 triệu học sinh các cấp, nên việc đưa hoạt động đọc sách thường xuyên vào đầu giờ, hay những tiết đọc sách cố định vào tuần đầu, đầu tháng là giải pháp khả thi rất cần được kiến nghị, tuyên truyền và nhân rộng. Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thí điểm các tiết đọc sách trong các trường công lập trên địa bàn.
 
Ngoài ra, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị "Hội Xuất bản Việt Nam kết hợp báo Tuổi Trẻ đề xuất, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu chủ trương xây dựng tiết đọc sách, giờ đọc sách chính thức áp dụng với các trường tiểu học, trung học cơ sở trên cả nước".
 
Nguồn: Vũ Thành Trung (Sở TT&TT TPHCM)