Kết quả Đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin (CNTT), nhằm thúc đẩy triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý điều hành và phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đánh giá thường niên mức độ ứng dụng CNTT (với khởi đầu là đánh giá đối với trang/cổng thông tin điện tử) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Để hoàn thiện công tác quản lý, đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, ngày 07/3/2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 06/2013/TT-BTTTT Quy định chế độ báo cáo định kỳ về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước. Đây được xem là cơ sở cho các cơ quan nhà nước chủ động chuẩn bị, thống kê số liệu để phục vụ công tác báo cáo, đánh giá định kỳ hàng năm. Vì vậy, một trong những điểm mới của Báo cáo năm 2013 so với Báo cáo của các năm trước là các tiêu chí đánh giá mức độ triển khai ứng dụng CNTT ngoài việc bám sát các quy định của Nhà nước tại các văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng CNTT (Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007, Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011,...) và những định hướng, mục tiêu của kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010) thì còn phải bám sát theo các quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-BTTTT ngày 07/3/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
Theo đó, năm 2013, công tác khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước được thực hiện đối với 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 08 cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mức độ triển khai ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước tiếp tục được đánh giá trên 5 nhóm tiêu chí là: (1) Hạ tầng kỹ thuật CNTT, (2) Triển khai Ứng dụng CNTT; (3) Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; (4) Cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT và (5) Nhân lực và Đầu tư cho ứng dụng CNTT. Trong đó, Triển khai Ứng dụng CNTT được đánh giá theo 2 nhóm thành phần là Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước và Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp (cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước).
 
Riêng đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, công tác đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan thuộc Chính phủ năm 2013 được mở rộng theo 05 tiêu chí chính là: (1) Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ (2) Website/Portal phục vụ người dân và doanh nghiệp, (3) Xây dựng cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT, (4) Công tác tổ chức đảm bảo an toàn thông tin và (5) Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT.
 
Mức độ ứng dụng CNTT được đánh giá xếp hạng trên 02 cơ sở: (1) Số liệu tổng hợp từ báo cáo của các đơn vị gửi theo quy định của Thông tư số 06/2013/TT-BTTTT, từ kết quả của cuộc Điều tra thực trạng và nguồn nhân lực để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước do Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện năm 2013 và đối chiếu với số liệu do Cục Tin học hóa (trước đây là Cục Ứng dụng công nghệ thông tin) theo dõi qua báo cáo của các đơn vị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2013; (2) Số liệu kiểm tra trực tiếp trên Trang/Cổng thông tin điện tử(Website/Portal) của cơ quan nhà nước đối với việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Công tác kiểm tra, đánh giá thực tế Website/Portal và DVCTT được thực hiện đồng bộ trong khoảng thời gian từ tháng 01 đến hết tháng 03 năm 2014.
 
Theo Cục Tin học hóa tổng hợp, trong năm 2013, tất cả 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã gửi phiếu báo cáo số liệu để đánh giá. Tuy nhiên, vì lý do an toàn an ninh riêng nên công tác đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT được thực hiện đầy đủ đối với 19 cơ quan (không đánh giá, xếp hạng tổng thể đối với Văn phòng Chính phủ; Bộ Quốc phòng và Bộ Công an). Mặt khác, đã có một sự thay đổi nhẹ trong lần đánh giá, xếp hạng này; cụ thể, với sự phát triển của công nghệ và vì đặc thù quy mô cũng như chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ, ngành khác nhau nên việc đầu tư, triển khai hạ tầng CNTT cũng sẽ khác nhau. Do vậy, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông không thực hiện chấm điểm xếp hạng đối với nội dung hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
 
Theo đánh giá chung, trong năm 2013, công tác ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân và doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục được các cơ quan quan tâm triển khai. Đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp mức độ ứng dụng CNTT tại các cơ quan tăng nhẹ so với năm 2012. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên vẫn còn tồn tại sự chênh lệch lớn giữa các đơn vị đứng đầu và các đơn vị phía cuối. Cụ thể, về cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT: tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nhìn chung đã đáp ứng được nhu cầu cho ứng dụng CNTT; tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉ lệ tỉnh/thành có mức độ đáp ứng từ khá trở lên đạt trên 90%, mặc dù vậy vẫn có sự chênh lệnh giữa các quận, huyện trong cùng một tỉnh.
 
Về mức độ ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành (ứng dụng nội bộ): So với năm 2012, tỉ lệ số Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt mức độ Tốt, Khá đều tăng nhẹ, số đơn vị đạt mức Trung bình giảm, tuy nhiên tỉ lệ số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở mức độ Trung bình vẫn còn cao (gần 80%).
 
Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao hiệu quả, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng tăng. Trong năm 2013, có 53 tỉnh cung cấp DVCTT mức độ 3 (tăng 4 tỉnh so với năm 2012) với 2.472 dịch vụ (tăng 863 dịch vụ so với năm 2012), có 6 tỉnh cung cấp DVCTT mức độ 4 (tăng 4 tỉnh so với năm 2012) với 56 dịch vụ (tăng 51 dịch vụ so với năm 2012). Cùng với sự tăng trưởng về số lượng DVCTT, số hồ sơ được xử lý trực tuyến cũng tăng theo thời gian. Các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến lớn là: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bạc Liêu.
 
Về công tác tổ chức đảm bảo an toàn thông tin và công tác xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT đều được các cơ quan quan tâm và có mức độ tăng trưởng đều đặn. Tuy nhiên, trong năm 2013 có sự suy giảm về nguồn nhân lực CNTT, tỉ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức độ đánh giá về nguồn nhân lực đạt mức Tốt chỉ đạt 33,3%, giảm 23% so với năm 2012, trong khi đó số tỉnh/thành đạt mức Trung bình là 30,2%, tăng gần 16% so với năm 2012.
 
Về mức độ ứng dụng CNTT tổng thể, đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, không có cơ quan nào đạt mức Tốt, tỉ lệ cơ quan đạt mức Khá có tăng nhẹ 2,3% so với năm 2012 (năm 2013: 57,9%, năm 2012: 55,6%). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉ lệ các tỉnh, thành phố được đánh giá ở mức Tốt có tăng nhẹ so với năm 2012 (năm 2013: 4,8%; năm 2012: 1,6%) nhưng tỉ lệ các tỉnh, thành phố được đánh giá ở mức Khá lại giảm đi đáng kể (năm 2013: 12,7%; năm 2012: 16,1%).
 
Về cung cấp thông tin trên Website/Portal: hàng năm, mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp hàng vạn tin bài, văn bản lên Website/Portal và các tin bài cũng được cập nhật hàng ngày. Bên cạnh đó, các mục tin theo quy định của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 cũng đã được các cơ quan chú ý bổ sung hoàn thiện. Tỉ lệ Website/Portal của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt mức Khá và Tốt tăng nhẹ so với năm 2012: số lượng Website/Portal đạt mức Khá đạt 35/63 (55,5%) tỉnh, thành phố (tăng 6,3% - năm 2012 tỉ lệ này là 49,2%) và mức Tốt đạt 14/63 (22,2%) tỉnh, thành phố (tăng 6,4% - năm 2012 tỉ lệ này là 15,8%). Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, số lượng Website/Portal đạt mức Tốt và mức Khá đều tăng 9,5% so với năm 2012; mức Trung Bình  giảm từ 47,6% xuống còn 28,6%.
 
Toàn văn Báo cáo Đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013 xem tại đây.
Nguồn: Nguồn: Cục Tin học hóa