Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người

Dù đã có Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, thậm chí, hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định còn bị phạt tiền (theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), song, do ý thức chủ quan của một bộ phận người dân, nên tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra phổ biến ở nơi.

20181212-TL10.jpg
 
Diễu hành, tuyên truyền, cổ động về phòng chống tác hại của thuốc lá  
 
Hiện nay, việc thực hiện xử phạt hành chính đối với các hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định gặp nhiều khó khăn, nên công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá chủ yếu dựa vào tuyên truyền, vận động. Mặt khác, việc chỉ đạo, vào cuộc của các cấp lãnh đạo chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức nên hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa cao.
 
Thực tế cho thấy, mặc dù công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá thời điểm này đang được quan tâm đẩy mạnh, song, đáng buồn là vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị và địa phương còn hút thuốc lá trong giờ làm việc. Thậm chí, nhiều loại thuốc lá ngoại nhập như: Jet, 555, Esse, Capri … được một số lãnh đạo ưa chuộng, sử dụng thường xuyên. Hành vi này đã vô tình tiếp tay cho hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu.
 
Một lần làm việc với đồng chí phó giám đốc của sở X, tôi rất ngạc nhiên bởi số lần “đốt” thuốc lá của vị lãnh đạo này. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, đồng chí hút liên tục 5 - 6 điếu thuốc; căn phòng làm việc của vị phó giám đốc sở X mù mịt khói.
 
Thấy vị lãnh đạo này hút thuốc quá nhiều, lại là loại 555 ngoại nhập, tôi hỏi ông có biết tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe không, ông cười, thừa nhận rằng, có biết, nhưng không thể cai nghiện thuốc lá được. Buổi làm việc với phó giám đốc sở X khiến tôi nhớ mãi, bởi sau khi được “ướp” hương thuốc lá, đến chiều tối, mái tóc tôi vẫn còn nguyên vẹn mùi khói thuốc nồng nồng.
Không riêng vị lãnh đạo sở X, còn nhiều lãnh đạo chủ chốt của một số phòng, ban, đơn vị và địa phương trong tỉnh chưa từ bỏ được thói quen hút thuốc lá, dù biết rõ tác hại của nó đối với sức khỏe. Nhiều lần đến làm việc ở UBND cấp xã, chỉ mới mở cánh cửa phòng của một số cán bộ, tôi đã thấy ngộp thở, khó chịu bởi mùi khói thuốc lá nồng nặc bay ra. Điều đáng nói hơn cả, mặc dù có phụ nữ, song, nhiều vị lãnh đạo vẫn vô tư hút thuốc rồi nhả khói đầy phòng mà không hề có thái độ ngại ngùng hay e dè.
 
Từ thực tế trên cho thấy, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cần có sự quyết tâm, vào cuộc của các cấp lãnh đạo. Theo đó, cùng với thực hiện tốt việc nói không với thuốc lá trong giờ làm việc, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần xây dựng mô hình điểm tại các phòng, ban chuyên môn; bổ sung việc chấp hành nội quy nghiêm cấm hút thuốc lá trong giờ làm việc, coi đây là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể; kịp thời biểu dương cán bộ, nhân viên, người lao động cai nghiện thuốc lá thành công hoặc gương mẫu, chấp hành tốt Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá…
 
Mong rằng, với sự quyết tâm, vào cuộc của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương, thời gian tới, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan tuyên truyền. Bởi, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người, và nó chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự quan tâm, đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân./.