Thà ướt người chứ không để hàng ướt

Đó là phương châm làm việc của chị Lê Thị Thu Hương, nhân viên Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) An Hoạch, Bưu điện TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Tâm huyết và hết lòng với công việc đến vậy nên khó khăn nào chị cũng quyết tâm vượt qua.

20181203-l2.jpg

Chị Hương hướng dẫn người dân đến đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tại BĐ-VHX An Hoạch

Tròn 17 năm gắn bó với BĐ-VHX An Hoạch, với chị Lê Thị Thu Hương, nơi đây chứng kiến nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Cái duyên đưa đẩy chị trở thành người Bưu điện cũng thật “độc nhất vô nhị”.

 
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị Hương ở nhà phụ giúp gia đình buôn bán. Thời đó, điện thoại di động chưa phổ biến nên điện thoại bàn và cabin điện thoại công cộng đang lên ngôi. Hằng ngày, cứ mỗi buổi chiều, chị lại được gọi sang BĐ-VHX để nghe điện thoại người yêu (nay chính là chồng của chị) học ở Hà Nội gọi về. Những cuộc điện thoại bàn mỗi ngày đã chắp cánh tình yêu của chị với anh và cũng đồng thời hun đúc tình cảm của chị Hương với “ngôi nhà” BĐ-VHX. Mỗi lần sang BĐ-VHX, chị đều nán lại phụ giúp các công việc ở đây.
 
Đến lúc BĐ-VHX An Hoạch có chỉ tiêu tuyển dụng, không đắn đo, chị liền nộp đơn xin vào làm. Chị vẫn nhớ như in đồng lương của nhân viên BĐ-VHX ngày đó chỉ 130 ngàn đồng/tháng nhưng công việc lúc nào cũng đầy niềm vui.
 
BĐ-VHX thời kỳ này là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nên công việc của chị chủ yếu phục vụ bà con đến điện thoại, gửi thư và đọc sách báo. Các bác nông dân, các em thiếu nhi cứ thời gian rảnh rỗi là lại đến BĐ-VHX đọc sách báo nên không khí lúc nào cũng đông vui. Lúc này, mọi người vẫn thường liên lạc qua thư tay nên gia đình nào có người đi làm, đi học xa nhà mỗi lần nhìn thấy chị là mừng lắm, bởi đồng nghĩa họ nhận được tin tức từ người thân. Rồi chị đi phát triển khách hàng lắp điện thoại bàn, cuối tháng thì đi thu cước điện thoại. Bà con trong vùng ai nấy đều yêu quý cô nhân viên BĐ-VHX hiền lành, chịu khó.
 
20181203-l1.jpg
 
Chị Hương (áo trắng) đang tư vấn về hàng tiêu dùng cho bà con
 
Từ khi BĐ-VHX chuyển đổi thành BĐ-VHX đa dịch vụ, chị Hương phụ trách thêm nhiều công việc mới. Mỗi sáng, sau khi mở cửa đón khách, chị đi thu gom hàng để đến trưa lên đường đi phát. Chiếc xe máy trở thành người bạn đồng hành rong ruổi chở hàng cùng chị mỗi ngày. Nhu cầu của khách hàng thương mại điện tử ngày càng tăng nên lượng hàng bưu chính chuyển phát cũng ngày càng nhiều.
 
Rồi đến ngày chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, thu tiền điện, đi phân phối hàng tiêu dùng tại địa chỉ, công việc cứ thế cuốn chị từ sáng sớm đến tối mịt mới xong. Chỉ tiêu hàng tháng được giao ở mỗi dịch vụ, chị luôn cố gắng hoàn thành và vượt. Nhờ đó, doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 của BĐ-VHX An Hoạch bình quân đạt 82 triệu đồng/tháng, vượt 25% so với doanh thu tính lương của chị. Chị Hương đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm sẽ đạt doanh thu trung bình 85 triệu/tháng. Mức thu nhập hàng tháng của chị hiện tại là 10 triệu đồng/tháng, gấp gần 80 lần so với thời gian đầu.

 

Với những cố gắng và nỗ lực của chị, năm nào BĐ-VHX An Hoạch cũng được giám đốc Bưu điện tỉnh khen thưởng danh hiệu BĐ-VHX hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây còn là BĐ-VHX tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa được lãnh đạo Tổng công ty ghi nhận có thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh năm 2017.
 
Có được thành quả như bây giờ là cả một thời gian dài chị gần gũi, gắn bó với người dân. “Mình phải xem khách hàng như người nhà, thường xuyên hỏi han, chăm sóc, mang lại niềm vui được phục vụ tận nơi và chân thành lắng nghe, tiếp thu sự góp ý thì mới gây dựng được lòng tin, bởi một khi đã có lòng tin thì việc gì cũng làm được.”, chị Hương chia sẻ.
 
Kỷ niệm mà chị Hương nhớ mãi đó là trong một lần đi thu gom hàng tại địa chỉ cách BĐ-VHX An Hoạch 10km. Khách hàng này trước thuộc địa bàn chị phục vụ nhưng do chuyển nhà nên sử dụng dịch vụ chuyển phát của doanh nghiệp khác. Để kéo khách hàng quay lại với dịch vụ của Bưu điện, chị Hương khéo léo thuyết phục khách bằng cách ngày nào cũng bớt chút thời gian đến bọc gói hàng. Sự tận tình của chị đã khiến khách hàng xiêu lòng.
 
Một hôm chị đến lấy hàng vào sẩm tối thì gặp lúc trời mưa. Khi đó hàng đã được buộc lên xe máy để chở đi cho kịp chuyến xe thư sắp đến. Sợ hàng bị ướt, chị liền gọi taxi nhưng không có, cuối cùng chị Hương đành lấy chiếc áo mưa duy nhất của mình để che chắn cho hàng rồi nổ máy đi giữa trời mưa. Đi được khoảng 2km thì đường ngập lụt, xe chết máy, phải dắt bộ một đoạn chị Hương mới tìm được tiệm sửa xe để thay bugi rồi tiếp tục chở hàng về trung tâm khai thác. Lúc này là 21h tối.
 
Đến nơi, do người bị ngấm nước mưa nên người chị rét run. Mọi người thấy vậy liền nói: An Hoạch làm như thế này thì các nơi khác làm sao theo kịp.
 
Khách hàng sau hôm đó hễ cứ có hàng là gọi ngay cho chị, còn bọc gói cẩn thận để chị đến là chỉ việc chở đi. Tiếng lành đồn xa, người này giới thiệu cho người kia nên khách chủ động tìm đến với chị ngày càng nhiều. Chị Hương nói rằng: “Không niềm vui nào bằng được mọi người tin cậy, vì vậy tôi càng phải cố gắng phục vụ để không phụ niềm tin yêu của khách hàng”.