Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ TT&TT và Bộ VHTTDL

Ngày 29/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 430/Ctr-BVHTTDL-BTTTT trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện – văn hóa xã giai đoạn 2013 – 2020.

Tham dự Hội nghị có các ông, bà: Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo một số Sở VHTTDL, Sở TT&TT, Bưu điện các tỉnh, thành, lãnh đạo Hội thư viện Việt Nam, đại diện lãnh đạo các thư viện công cộng, các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
 
20182911-ta5.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội nghị
 
Với mục tiêu phát huy nguồn lực hiện có của hai Ngành (ngành TT&TT và ngành VHTTDL) để tăng cường tổ chức các hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX); đưa điểm BĐ-VHX trở thành điểm cung cấp thông tin, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hoá và giải trí của cộng đồng; góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thiết thực phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, ngày 04/02/2013, Bộ TT&TT và Bộ VHTT&DL đã ký kết Chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT về việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm BĐ-VHX giai đoạn 2013-2020.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết việc triển khai Chương trình phối hợp này là cơ sở quan trọng để hai Ngành TT&TT và VHTTDL thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy các hoạt động thư viện, hoạt động của các điểm BĐ-VHX, khẳng định vai trò, sự cần thiết của các tủ sách tại các điểm BĐ-VHX đối với sinh hoạt văn hóa ở các vùng nông thôn, góp phần đưa văn hóa đọc đến với mỗi người dân một cách sâu rộng và toàn diện. Cho đến nay, Chương trình đã được triển khai tại 1.731 điểm BĐ-VHX, số lượng sách luân chuyển bình quân là 160 đầu sách/điểm/lần.
 
Với những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao văn hóa đọc của người dân, giảm bớt khoảng cách tiếp cận thông tin của người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng nông thôn.
 
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng biểu dương và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc hai Ngành được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình phối hợp trong thời gian qua.
 
Báo cáo kết quả của Chương trình, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, cho đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Sở VHTT&DL và Sở TT&TT; 57/63 tỉnh, thành triển khai việc luân chuyển sách báo đến 1.731 điểm BĐ-VHX, trong đó có 857 điểm thuộc các xã nông thôn mới. Tổng số lần luân chuyển là 9.617 lần; số lượng sách luân chuyển bình quân là 150 đầu sách/điểm/lần (tính trung bình năm 2018), tăng so với trung bình giai đoạn 2013 – 2015 (trung bình 137 đầu sách/điểm/lần). Việc thực hiện luân chuyển sách báo đã góp phần làm phong phú thêm vốn sách, báo hiện có của điểm BĐ-VHX, từ đó thu hút người dân đến đọc nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm BĐ-VHX. Số lượt phục vụ sách báo đạt hơn 11 triệu người.
 
Mặc dù số điểm BĐ-VHX phục vụ đọc sách, báo không nhiều nhưng nhìn lại tổng thể 5 năm rất đáng ghi nhận. Chương trình không chỉ đóng góp xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần xây dựng các mục tiêu xã hội học tập, học tập suốt đời tại bảo tàng, điểm văn hóa và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. – Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà cho biết.
 
20182911-ta1.jpg
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà, còn có những vấn đề vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện như: Một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình; số lượng bản sách luân chuyển/lần chưa nhiều, nội dung sách còn nghèo nàn, cũ và thực sự chưa phù hợp, chưa đáp ứng với nhu cầu đọc của nhân dân, đặc biệt là nguồn sách dành cho thiếu nhi và sách thiết yếu khác; phương tiện vận chuyển sách luân chuyển từ thư viện tỉnh xuống các điểm BĐ-VHX còn khó khăn... Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ (phụ cấp thêm) của địa phương cho nhân viên điểm BĐ-VHX cho việc kiêm nhiệm thêm hoạt động phục vụ sách, báo hầu như chưa được chính quyền địa phương đáp ứng, quan tâm.
 
Về phía điểm BĐ-VHX, một mặt do bị áp lực bởi doanh thu và các hoạt động khác như phát lương hưu, bán bảo hiểm, một mặt do các nhân viên điểm BĐ-VHX không được thù lao thêm cho hoạt động phục vụ người dân đọc sách...  Người dân cũng chưa thực sự quan tâm đến việc đọc.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - bà Hoàng Thị Hoa cho rằng: Thời điểm năm 2013, những nội dung xây dựng nông thôn mới và đưa văn hóa về nông thôn đặt ra vấn đề lớn, và hai Bộ TT&TT và VHTTDL đã làm được việc này. Chương trình nhằm mục tiêu nâng cao dân trí, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế tri thức như hiện nay, khi thông tin được coi là tài nguyên. Qua các kết quả báo cáo tổng kết tại hội nghị cho thấy, Chương trình đã thành công và mang đến nhiều kết quả tích cực đối với nhân dân trên khắp cả nước.
 
Theo các đại biểu, thời gian tới, cần rà soát, đánh giá, quy hoạch lại mạng lưới điểm BĐ-VHX trong cả nước, trên cơ sở đó có kế hoạch ưu tiên đầu tư nâng cấp cho những điểm có khả năng triển khai các chương trình, đề án, dự án của Chính phủ, của các Bộ, ngành đạt hiệu quả. Trong quá trình chọn điểm triển khai Chương trình, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành TT&TT và VHTTDL ở địa phương, tránh chồng chéo, lãng phí; nâng cao hơn hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, xem việc phục vụ đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân ở cộng đồng tại các điểm BĐ-VHX cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời bảo đảm kinh phí cho các thư viện tỉnh, thành trong việc xây dựng, bổ sung vốn sách, báo, đáp ứng yêu cầu luân chuyển. Bên cạnh đó, khẩn trương phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm BĐ-VHX (phụ cấp cho nhân viên, kinh phí bổ sung vốn sách báo luân chuyển, tỷ lệ hao hụt sách mất mát trong quá trình luân chuyển, phục vụ ...) để bảo đảm tính bền vững của Chương trình./.