Việt Nam xếp thứ 2 ASEAN về tỉ lệ ứng dụng IPv6 với 11 triệu người dùng

Tính đến tháng 10/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt hơn 19%, theo thống kê của Tổ chức quản lý địa chỉ Internet châu Á-Thái Bình Dương (APNIC) và có 11 triệu người dùng IPv6 theo công bố của Cisco, đứng thứ 2 khu vực ASEAN.

 Địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 sẽ "phủ" trên toàn cầu vào năm 2020

Ngày 26/10, Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn về triển khai ứng dụng địa chỉ Internet IPv6 và IoT (Internet of Things – Internet kết nối vạn vật). Nội dung tập huấn đã được phổ biến đến toàn bộ các cán bộ của Sở TT&TT Hà Nội.
 
Hội nghị tập huấn về triển khai ứng dụng địa chỉ Internet IPv6 và IoT là hoạt động tiếp nối chuỗi hoạt động đã được VNNIC chủ trì triển khai trong giai đoạn vừa qua nhằm tăng cường công tác ứng dụng triển khai IPv6 tại Việt Nam nói chung và thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng CNTT, Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước sang sử dụng IPv6 nói riêng.
 
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi Internet, hạ tầng CNTT sang IPv6 tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, thành viên thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết, việc chuyển đổi sang địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 không chỉ là để giải bài toán cạn kiệt nguồn địa chỉ IPv4 mà còn trở nên vô cùng quan trọng trong việc phát triển hạ tầng CNTT và xây dựng thành phố thông minh trong tương lai.
 
“Ngoài việc đảm bảo số lượng tham số định danh thực cho mỗi thiết bị thì tính ưu việt trong liên kết các chuẩn kết nối, khả năng tự động cấu hình, khả năng tích hợp với các ứng dụng thông minh, đảm bảo kết nối từ xa và tốc độ cao là lý do khiến IPv6 đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển IoT”, ông Nguyễn Hồng Thắng cho hay.
 
Đại diện lãnh đạo VNNIC cũng thông tin thêm, tính đến tháng 10/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu đạt khoảng 26%, tăng trưởng bình quân 200% mỗi năm. Riêng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỉ lệ ứng dụng IPv6 bình quân là 16,68% với ba quốc gia dẫn đầu là Ấn Độ (50,42%), Malaysia (37,49%), Nhật Bản (28,65%). Với tốc độ ứng dụng như hiện tại, dự báo tới năm 2020, IPv6 sẽ phủ rộng Internet toàn cầu.
 
Việt Nam đã có 11 triệu người dùng địa chỉ Internet IPv6
Tại Việt Nam, việc phát triển cơ sở hạ tầng Internet sẽ hướng tới xây dựng những đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, góp phần giải quyết bài toán “đô thị hóa” và các vấn đề liên quan khác như quy hoạch, an ninh, y tế, giáo dục… Vì vậy, chỉ có chuyển đổi IPv6 mới có thể hiện thực hoá việc phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ kết nối Internet an toàn, tin cậy cho các thành phố thông minh trong tương lai.
 
Chia sẻ về hiện trạng triển khai IPv6 tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Hợp tác – Quản lý tài nguyên, VNNIC khẳng định Việt Nam đang đi đúng xu thế trên thế giới và hiện là một trong những quốc gia có tỉ lệ ứng dụng triển khai địa chỉ IPv6 tốt trong khu vực.
 
Cụ thể, tính đến tháng 10/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt hơn 19% (được công bố bởi Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương - APNIC) với 11.000.000 người dùng IPv6 (theo số liệu thống kê của Cisco), đứng thứ 2 khu vực ASEAN. Mạng IPv6 quốc gia của Việt Nam trên nền tảng hệ thống mạng trung chuyển Internet VNIX và Hạ tầng DNS quốc gia được duy trì và phát triển ổn định đã phát huy thế mạnh cho các doanh nghiệp kết nối và triển khai cung cấp dịch vụ.
 
Kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam trong 2 năm gần đây được đánh giá là rất ấn tượng. Bởi lẽ, tại thời điểm đầu tháng 5/2016, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam rất thấp, chỉ đạt 0,03%, thấp hơn 300 lần so với tỉ lệ ứng dụng IPv6 trung bình của thế giới khi đó. Tuy nhiên, liên tiếp trong 2 năm 2017 và 2018, tỉ lệ ứng dụng địa chỉ IPv6 của Việt Nam đã tăng mạnh, từ mức 0,03% hồi tháng 5/2016 lên đạt 10% vào tháng 12/2017 với khoảng 4 triệu người dùng, tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, trong hơn 9 tháng đầu năm nay, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã tiếp tục được cải thiện, đạt trên 19% tính đến tháng 10/2018, chỉ thấp hơn tỉ lệ trung bình của thế giới chưa đến 7% và gần đạt mục tiêu mà Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đặt ra cho thời điểm cuối năm nay (đạt 20%).
 
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Giai đoạn 3 (từ năm 2016-2019) là giai đoạn chính thức chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ Internet Việt Nam sang hoạt động với nền tảng IPv6. Mục tiêu tổng thể của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 là Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với IPv6 kể từ năm 2019.
 
Phương án chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng CNTT, Chính phủ điện tử
 
Bên cạnh phổ biến về xu thế chuyển đổi Internet, hạ tầng CNTT sang IPv6 trên thế giới và Việt Nam, tại hội nghị ngày 26/10, chuyên gia từ VNNIC cũng chia sẻ về kế hoạch, phương án chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng CNTT, Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước.
 
Đối với dịch vụ công trực tuyến, Thông tư 32 ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước đã yêu cầu cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hỗ trợ thế hệ địa chỉ mới IPv6 theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Do vậy, việc triển khai chuyển đổi hạ tầng CNTT, hính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến sử dụng địa chỉ IPv6 là một yêu cầu bắt buộc đối với cơ quan nhà nước.
 
Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn một số vấn đề còn tồn tại trong công tác quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối trung tâm dữ liệu của các cơ quan nhà nước, như chưa có quy hoạch tài nguyên hiệu quả, sử dụng địa chỉ IP Private và công nghệ NAT để triển khai dịch vụ, thiết kế hệ thống thiếu tính dự phòng, chưa đảm bảo được yêu cầu về an toàn, an ninh, chưa có kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho mạng, dịch vụ đồng bộ với kế hoạch quốc gia về IPv6.
 
Cũng trong trao đổi, thảo luận tại hội nghị tập huấn, đại diện VNNIC đã cam kết sẵn sàng, hỗ trợ, tư vấn các đơn vị trên địa bàn Sở TT&TT Hà Nội nói riêng và các đơn vị khác trong việc chuyển đổi IPv6 phù hợp với tình hình thực tế để việc chuyển đổi IPv6 đi vào thực tiễn và đạt được kết quả phù hợp với lộ trình đã đặt ra theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.