Người cán bộ Bưu điện dân tộc Nùng - 17 năm không một ngày nghỉ phép

Tròn 17 năm tại Bưu điện – Văn hóa xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, anh Vi Xuân Thanh từ một người nông dân chỉ biết cặm cụi trên nương, trên rẫy ở miền núi đá khắc nghiệt đã trở thành một nhân viên mẫn cán, hết mình với công việc.

20180914-m04.jpg

Anh Vi Xuân Thanh phục vụ người dân đến sử dụng dịch vụ tại BĐ-VHX Tổng Cọt
 
Một ngày làm việc của anh nhân viên Bưu điện – Văn hóa xã (BĐ-VHX) Vi Xuân Thanh thường kết thúc vào lúc 19h30 giờ tối, sau những giờ đi phát thư từ, bưu phẩm khắp các con đường núi đá quanh co của 1 trong 12 xã biên giới vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
 
Vừa cất đặt hàng hóa, anh vừa chia sẻ về chặng đường trở thành nhân viên bưu điện từ 17 năm trước.
 
Trước khi BĐ-VHX Tổng Cọt ra đời, phần lớn thời gian và cũng là nguồn thu nhập chính của anh Thanh đến từ những nương ngô trên các sườn núi. Ngoài thời gian trên nương rẫy, thấy xã còn thiếu chân bưu tá, anh xin làm cộng tác viên của Bưu điện huyện Hà Quảng đi phát thư báo, công văn giấy tờ ở Tổng Cọt. Ngày đó, đường sá đi lại hết sức khó khăn nên phải đi bộ đến từng nhà trên những con đường đá tai mèo để làm việc. Cứ 2 ngày, anh đi bộ đến trạm trung chuyển lấy thư, báo, công văn giấy tờ rồi lại đi bộ về phát xung quanh xã. Đều đặn và cần mẫn như vậy, trung bình anh đi bộ khoảng 15km mỗi ngày. Lúc đó trụ sở làm việc chưa có nên mọi công đoạn trước khi đi phát đều làm tại nhà.
 
Đến thời điểm BĐ-VHX Tổng Cọt được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2001, cán bộ ủy ban xã và bà con động viên anh mạnh dạn gửi hồ sơ đến Bưu điện huyện để xin vào làm việc chính thức. Và anh Vi Xuân Thanh chính thức trở thành nhân viên của BĐ-VHX Tổng Cọt từ tháng 9/2001. Lúc này, điện thoại còn ít, các phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều, công việc ban đầu của anh Thanh là trực điện thoại, phục vụ nhu cầu liên lạc của bà con; nhận và phát thư, báo.
 
Từ tháng 7/2016, BĐ-VHX Tổng Cọt được chuyển đổi và nâng cấp thành BĐ-VHX đa dịch vụ. Với hình thức bưu điện kết hợp kinh doanh đa dịch vụ, người dân ở xã biên giới vùng cao này được cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng như nhận gửi bưu phẩm, bưu kiện, giới thiệu, tư vấn, chuyển phát dịch vụ hành chính công; nhận đặt báo chí các loại; dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe, thu phí phạt vi phạm giao thông, dịch vụ chuyển tiền; dịch vụ thu hộ, chi hộ; dịch vụ giới thiệu khách hàng gửi Tiết kiệm Bưu điện; dịch vụ chi trả lương hưu và các chế độ BHXH… Công việc của anh Thanh theo đó cũng bận rộn hơn nhiều lần. 16h hằng ngày, sau khi xe thư từ huyện lên, anh tiến hành chia chọn rồi lên đường đi phát. Trên chiếc xe máy cũ của anh không chỉ có công văn, giấy tờ, thư báo, bưu phẩm bưu kiện, hàng COD mà còn chở các sản phẩm tiêu dùng, tờ rơi giới thiệu các dịch vụ của bưu điện. Đi đến đâu, anh cũng giới thiệu cho bà con các sản phẩm, dịch vụ bưu điện đang triển khai như bán bảo hiểm xe máy, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu cước viễn thông, chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, bán hàng tiêu dùng về nông thôn… Khoảng 19h30 - 20h, anh Thanh về nhà nghỉ ngơi rồi tiếp tục đem toàn bộ sổ sách, giấy tờ để nhập số liệu vào máy tính. Sáng hôm sau, anh mở cửa trực bưu điện rồi tranh thủ đi phát tiếp các bưu gửi hôm trước chưa phát xong.
 
Cần mẫn, trách nhiệm với công việc, tháng nào anh cũng hoàn thành và vượt doanh thu được giao. Với chỉ tiêu hàng tháng được Bưu điện huyện giao là 14 triệu đồng/tháng nhưng doanh thu bình quân của BĐ-VHX Tổng Cọt trong 8 tháng đầu năm 2018 là 35 triệu mỗi tháng, vượt gấp 2,5 lần. Thu nhập của anh Thanh những năm trước chỉ khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng thì nay đã tăng lên 3,8 triệu đồng/tháng.
 
Với những kết quả đạt được, Vi Xuân Thanh liên tục được cấp trên khen thưởng. Từ năm 2002 cho đến nay, hàng năm, anh Thanh đều được Giám đốc Bưu điện tỉnh Cao Bằng tặng Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong 2 năm 2011 - 2012, anh vinh dự nhận Giấy khen của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Tháng 6/2017, anh được Bưu điện tỉnh Cao Bằng vinh danh lao động tiên tiến xuất sắc giai đoại 2008 - 2017. Tại Hội thi “Nhân viên Bưu điện - Văn hóa xã tài năng” diễn ra trong tháng 5 - 6/2018, anh đạt giải nhất cấp huyện, cấp tỉnh và được Bưu điện tỉnh Cao Bằng lựa chọn đi thi tại Cụm số 03. Kết quả anh nhận được giải phong cách và giải khuyến khích.

20180914-m05.jpg

Anh Vi Xuân Thanh tham gia Hội thi “Nhân viên Bưu điện - Văn hóa xã tài năng”

Công tác ở địa bàn có địa hình hiểm trở, đặc thù nên quãng thời gian làm việc của anh Vi Xuân Thanh tại Bưu điện – Văn hóa xã Tổng Cọt cũng đong đầy những kỷ niệm.
 
Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc, anh Vi Xuân Thanh chỉ cười rồi cho biết: Tổng Cọt là 1 trong 12 xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hà Quảng, gồm 14 xóm có số hộ nghèo chiếm gần 70%, 100% là người dân tộc Nùng. Bà con làm bạn, sống chung trong vùng núi đá trùng điệp. Với đường biên giới dài 11km, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, các con đường quanh co, gập ghềnh đá tai mèo. Mùa mưa, đường lầy lội trơn trượt, có những xóm gần như bị cô lập với bên ngoài. Bên cạnh đó, trình độ học vấn của người dân không đồng đều nên việc đến trực tiếp với bà con mất nhiều công sức. Nhiều lần gặp và tư vấn với những người dân không biết viết và phát âm không rõ ràng, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần cho thật rõ, sau đó viết mẫu rồi mới điền vào bưu phẩm.
 
Hiện nay, tuy đường giao thông đã thuận tiện hơn trước nhưng anh Thanh vẫn phải thường xuyên đi bộ khi xuống quá nửa số xóm trên địa bàn. Chưa kể vào thời điểm mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9, không còn cách nào khác là phải đi bộ hoàn toàn với quãng đường trung bình khoảng 10 km mỗi ngày vì đường đá lô nhô trơn trượt. Đi phát vào mùa mưa, một số xóm bị ngập úng, đứng ở bên này nhìn thấy bên kia nhưng không tài nào sang được, anh Thanh buộc phải quay về đợi vài hôm sau nước rút lại tiếp tục đi phát. Hay ở nhiều xóm không gọi được điện thoại vì không có sóng, phải phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mới phát được một bưu gửi COD, khi gặp được thì người nhận lại chưa có tiền, nhiều hôm muộn quá phải ăn cơm với bà con trong bản.
 
Vất vả là vậy nhưng suốt 17 năm công tác trong ngành Bưu điện, anh Vi Xuân Thanh chưa một lần nghỉ phép. Dù có lúc ốm đau hay mệt mỏi anh cũng gượng đi làm vì một lý do rất đáng trân trọng từ người nhân viên mẫn cán với công việc: “Tôi luôn mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương cũng như mang đến ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho bà con dân bản”./.