Hội nghị phổ biến Luật Quản lý ngoại thương về xuất nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực TT&TT

Ngày 30/8/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Quản lý ngoại thương về xuất nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực TT&TT. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

20183008-ta1.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị

Ngày 12/6/2017, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương. Trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa chuyên ngành TT&TT.

Nhằm cập nhật kịp thời các quy định mới của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản liên quan, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Quản lý ngoại thương về xuất nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực TT&TT.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết trên cơ sở của Luật, Bộ TT&TT cũng đang rà soát, chuẩn hóa các danh mục hàng hóa để công bố chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện và Danh mục hàng hóa phải kiểm tra kèm theo mã số HS; Nghiên cứu triển khai việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài; Nghiên cứu triển khai mã CFS (Giấy chứng nhận lưu hành tự do trong lĩnh vực TT&TT). Đồng thời, Bộ cũng đang rà soát và nghiên cứu xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
 
Thứ trưởng đề nghị Hội nghị trao đổi, thảo luận, tiếp cận đầy đủ tinh thần và nội dung của Luật Quản lý ngoại thương nhằm áp dụng và thực thi quy định của Luật hiệu quả trong thực tế.
 
Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã giới thiệu “Quy định của Luật Quản lý ngoại thương về xuất nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực TT&TT”.
 
Theo ông Hải, Luật Quản lý ngoại thương có điểm đặc biệt vì thay đổi rất lớn trong tư duy quản lý về điều hành ngoại thương, xuất nhập khẩu. Trước đây chúng ta có những văn bản liên quan như Luật Thương mại từ năm 2005 nhưng mang tính chất hỗn hợp điều chỉnh cả quan hệ công và tư, điều chỉnh cả quan hệ nhà nước và doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp. Qua thực tiễn phát triển xuất nhập khẩu vừa qua, Chính phủ, Quốc hội cũng nhận thấy nhu cầu phải tách quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp thành luật riêng.
 
Luật Quản lý ngoại thương có các nội dung chính sau: Các biện pháp hành chính; Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; Các biện pháp phòng vệ thương mại; Các biện pháp kiểm soát khẩn cấp; Các biện pháp phát triển ngoại thương; Giải quyết tranh chấp.
 
20183008-ta2.jpg
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Các văn bản hướng dẫn của Luật gồm 5 Nghị định quy định chi tiết: Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương; Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại; Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới; Nghị định số 28/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương; Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
 
Trong đó lĩnh vực TT&TT chú ý Nghị định số 69/2018/NĐ-CP gồm các nội dung, biện pháp quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; Quản lý hoạt động tạm nhập, tái xuất, tái nhập, chuyển khẩu; Các hoạt động ngoại thương khác (Quá cảnh, gia công, đại lý mua bán hàng hóa); Giải quyết tranh chấp và áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương. Nghị định này có một số điểm mới như: Thống nhất trình tự, thủ tục chung cho các biện pháp xuất khẩu, nhập khẩu (hồ sơ, quy trình, thời hạn tối đa đối với việc cấp phép); Giảm số ngày kiểm tra hồ sơ đối với tất cả các thủ tục hành chính từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc; Giảm thời gian cấp phép CFS đối với hàng hóa từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc; Bỏ quy định cấp phép tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập trong nhiều trường hợp; Bỏ quy định phải có văn bản chấp thuận của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan khi cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất theo hình thức khác; Bỏ quy định phải có văn bản chấp thuận của Bộ, cơ quan ngang Bộ khi cấp Giấy phép gia công hàng hóa đối với trường hợp doanh nghiệp đã có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó; Giảm diện mặt hàng điều tiết bởi quy định lựa chọn, công bố doanh nghiệp được phép tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở. Nghị định cũng nêu danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ TT&TT; Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép, theo điều kiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT.
 
Tại hội nghị, đại diện của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cũng giới thiệu về kinh doanh tạm nhập, tái xuất thiết bị viễn thông, các hình thức tạm nhập, tái xuất khác; Tạm nhập, tái xuất thiết bị viễn thông để đo kiểm; Tạm xuất, tái nhập hàng CNTT đã qua sử dụng và tạm xuất, tái nhập hàng CNTT đã qua sử dụng đối với trường hợp hết thời hạn bảo hành; Gia công có yếu tố nước ngoài.
 
Đại diện Tổng cục Hải quan đã trình bày về việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia trong xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc lĩnh vực TT&TT. Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia của Bộ TT&TT đã có kết quả là Bộ TT&TT đã công bố kết nối kỹ thuật với Cổng thông tin một cửa quốc gia thực hiện thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện từ tháng 9/2015; Để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai, ngày 13/6/2018, Bộ Tài chính và Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư liên tích số 80/2016/TTLT-BTTTT hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực TT&TT. Hiện nay, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện theo Thông tư số 18/2014/TT-BTTTT ngày 26/11/2014 đã được Bộ TT&TT bãi bỏ.
 
Theo Dự thảo Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TT&TT sẽ thực hiện 4 thủ tục hành chính trong giai đoạn 2018 – 2020, trong đó: 01 thủ tục triển khai năm 2018 (Cấp giấy phép xác nhận đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh) và 03 thủ tục triển khai giai đoạn 2019 – 2020 (Cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; Cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in; Cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm).
 
Đại diện cho Bộ TT&TT, bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT đã trình bày công tác quản lý nhà nước trong triển khai Luật Quản lý ngoại thương của Bộ TT&TT. Theo bà Hương, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ TT&TT có 4 nội dung triển khai bao gồm: Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, xuất khẩu; Quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép, điều kiện; Gia công hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài; Quy định về Giấy chứng nhận lưu hành tự do CFS.
 
Để ban hành Danh mục cấm nhập khẩu, xuất khẩu, Bộ TT&TT sẽ sửa đổi Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT ngày 29/10/2015 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ đối với hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng vào quý IV năm 2018; ban hành Quy định hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện. Bộ TT&TT cũng sẽ triển khai CFS của Bộ TT&TT, theo đó, sẽ quy định cơ quan trực thuộc Bộ triển khai cấp CFS cho hàng hóa xuất nhập khẩu theo yêu cầu của thương nhân; Hướng dẫn cơ quan, doanh nghiệp chưa thực hiện nộp CFS khi nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc lĩnh vực TT&TT (đã có văn bản hướng dẫn số 2235/BTTTT-CNTT ngày 20/7/2017); Nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể về triển khai CFS trong lĩnh vực TT&TT: trong đó có thể quy định yêu cầu một số sản phẩm cần nộp CFS trên cơ sở đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội và an toàn an ninh thông tin./.