Ngành TT&TT Lâm Đồng phải chứng minh được giá trị cốt lõi của mình tại địa phương

Sáng ngày 9/8/2018, tại UBND tỉnh Lâm Đồng, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên TW Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về công tác ngành trong 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Tham gia Đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

 20180810-l3.jpg

Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
 
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ TT&TT có đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; đồng chí Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
 
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo công tác ngành trong 6 tháng đầu năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Sở cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Báo chí, Xuất bản… Công tác thông tin đối ngoại đã chuyển tải thông tin sinh động, toàn diện về tỉnh Lâm Đồng, góp phần quảng bá tiềm năng lợi thế của địa phương, đặc biệt là thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. 
 
Theo kết quả công bố Ứng dựng Công nghệ thông tin phát triển Chính phủ điện tử trong cơ quan nhà nước của Bộ TT&TT, Lâm Đồng đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, việc triển khai Đề án xây dựng “Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” cũng đang được phối hợp chặt chẽ, bổ sung và xây dựng kế hoạch chi tiết trên 9 lĩnh vực: Chính quyền số, quy hoạch đô thị, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, thành phố an toàn, y tế thông minh, giáo dục thông minh và môi trường.
 
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị đến Bộ TT&TT một số vấn đề. Trong đó, nhấn mạnh các nội dung: Đề nghị Bộ tiếp tục hỗ trợ Lâm Đồng xây dựng Chính quyền điện tử, hỗ trợ kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, xã hội hóa đối với các dự án thuộc Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018- 2025”; Bố trí cho Lâm Đồng kinh phí triển khai Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin theo Nghị quyết 73/CP- NQ ngày 26/8 của Chính phủ;…
 
Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn Văn Việt -  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã khái quát sơ bộ tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Lâm Đồng trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nhìn chung phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 3.700 tỷ đồng, bằng 55% dự toán địa phương, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đến Lâm Đồng khoảng 3,4 triệu lượt khách, đạt 52% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 245 ngàn lượt khách…
 
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nêu lên những tác động tích cực của ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước và các lĩnh vực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Lâm Đồng cũng ý thức được sự quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch trên diện rộng. Riêng về khu công nghệ thông tin tập trung, Lâm Đồng đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ để sớm hoàn thiện, đưa vào hoạt động phục vụ sự phát triển chung của tỉnh. 
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã cảm ơn Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho Sở TT&TT Lâm Đồng hoạt động đạt hiệu quả tốt, đồng thời cũng ghi nhận các hoạt động của ngành trong 6 tháng đầu năm 2018 đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của địa phương và đánh giá cao các nỗ lực trong xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh của Lâm Đồng.
 
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá Sở TT&TT Lâm Đồng là mô hình rất đáng học tập. Bộ trưởng nhấn mạnh: Ngành TT&TT của chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức. Nếu không chứng minh được giá trị của mình, chúng ta sẽ biến mất, sẽ không còn Sở TT&TT nữa. Bởi vậy, ngành TT&TT nói chung và Sở TT&TT Lâm Đồng nói riêng phải đổi mới, phải đột phá để phát triển. Đảng, Chính phủ, đất nước cũng đang rất kỳ vọng vào chúng ta đổi mới, xứng đáng với tên gọi của mình.
 
Ngành TT&TT có 2 mảng. Mảng thứ nhất là công nghệ. Công nghệ bao gồm 3 nhóm: Một là Bưu chính, Viễn thông; Hai là Công nghiệp, bao gồm Công nghiệp điện tử viễn thông và Công nghệ 4.0; Ba là CNTT, bao gồm ứng dụng CNTT, an ninh mạng, công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số. Mảng tuyên truyền sẽ giúp xã hội ổn định để phát triển. Mảng công nghệ sẽ giúp Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu.
 
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, mảng Bưu chính là nền tảng quan trọng nhất của thương mại điện tử và đây chính là nền tảng quan trọng của xã hội tương lai. Mảng viễn thông hiện nay bước sang bước phát triển mới là nền tảng kết nối vạn vật IOT, là hạ tầng kết nối, là nền tảng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0; được coi là nền tảng quan trọng nhất của kinh tế số. Đối với công nghiệp điện tử viễn thông bao gồm sản xuất các thiết bị điện tử, sản xuất các thiết bị mạng viễn thông… SamSung là một ví dụ về công nghiệp điện tử có doanh thu rất lớn, đây là câu chuyện ước mơ của dân tộc Việt Nam, ước mơ của rất nhiều người trong ngành TT&TT là chúng ta sẽ sản xuất ra các sản phẩm, thiết bị viễn thông made in Vietnam.
 
Đối với Công nghiệp 4.0 đây là cơ hội để cho Việt Nam thay đổi thứ hạng và Thủ tướng đã gửi gắm Bộ TT&TT nhiều kỳ vọng; Bộ TT&TT phải là Bộ đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ở mảng CNTT, chúng ta tập trung xây dựng chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, Số hóa quốc gia là những việc đầu tiên phải làm. Đối với vấn đề an toàn, an ninh mạng hiện chúng ta chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng, do đó, Bộ phải tập trung làm việc này và thành lập trung tâm an toàn không gian mạng quốc gia đặt tại Bộ.
 
Đối với mảng tuyên truyền báo chí, phát thanh - truyền hình, xuất bản phải thể hiện dòng chảy chính của đất nước, tạo ra niềm tin của xã hội, tức là tạo nên sức mạnh của một đất nước, sức mạnh của một dân tộc. Đó là nghĩa vụ của chúng ta. Quyền Bộ trưởng nêu dẫn chứng và phân tích về con số 30%, 20% và 10% trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cái xấu xuất hiện với tỉ lệ 30% trên mặt báo nghĩa là cái xấu trở thành cái chính của xã hội; cái xấu chiếm 20% là biểu hiện cái xấu có xu hướng trở thành cái chính trong xã hội; còn cái xấu chiếm 10% tuy không phải là cái chính nhưng nó cũng là cái răn đe đối với chúng ta để sửa lại mình. Các Tổng biên tập nên cân nhắc con số này để khi nào cần dùng con số 30%, khi nào cần dùng 20% và khi nào cần dùng 10%. Cơ bản chúng ta nên dùng 10% vì xã hội mình tốt. Và 10% đủ thúc đẩy chúng ta, cảnh báo chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng đến 30% hay 20% thì có nghĩa là xã hội chúng ta đang rất xấu, niềm tin vào xã hội rất xấu...
 
Đối với những kiến nghị, đề xuất của Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cam kết sẽ ủng hộ, tạo điều kiện, tư vấn cho tỉnh triển khai xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời Quyền Bộ trưởng đề nghị Lâm Đồng phải xác định rõ là cần cái gì, và tỉnh nên cho thí điểm mời các doanh nghiệp có tiềm lực để triển khai, khi doanh nghiệp triển khai thành công thì tỉnh sẽ thuê hoặc mua lại… Đồng thời, khi xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh thì Lâm Đồng cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hạt nhân như Viettel, Tập đoàn VNPT, Vingroup và đội ngũ làm CNTT chất lượng cao về với tỉnh, làm việc cho tỉnh… Mặt khác, Lâm Đồng cần có những chính sách đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển internet, mạng di động, 4G cho người dân… để trở thành tỉnh nằm trong top đầu của cả nước./.