Ngày truyền thống ngành Bưu điện: Ôn lại chuyện xưa, hướng tới kỳ vọng mới!

Mỗi năm cứ đến Ngày truyền thống ngành Bưu điện 15/8, những kỷ niệm xưa và nhiều kỳ vọng mới lại ùa về trong tâm trí của những cán bộ lão thành ngành Bưu điện, ngành Thông tin và Truyền thông.

Nhằm giúp độc giả, nhất là những nhân lực trẻ trong ngành, thêm một lần nữa ôn lại lịch sử truyền thống ngành Bưu điện để hướng tới tương lai, Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Tỵ, nguyên Phó Văn phòng Tổng cục Bưu điện (tiền thân của Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông), nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, nguyên Chánh Văn phòng Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, nguyên Tổng Thư ký Hội Tem Việt Nam, hiện là thành viên của Hội đồng Tư vấn quốc gia về tem bưu chính.
 
20180816-l11.jpg
 
Ông Vũ Văn Tỵ, cán bộ lão thành ngành Bưu điện vẫn nhớ rất rõ nhiều kỷ niệm liên quan tới sự phát triển ngành.
  
Ngày 15/8 đã được chọn là Ngày truyền thống của ngành Bưu điện. Tuy nhiên, còn rất nhiều người chưa rõ lý do vì sao lại chọn ngày 15/8. Ông có thể chia sẻ thông tin cụ thể hơn về nội dung này?
 
Tháng Tám hàng năm không chỉ là tháng lịch sử của cả dân tộc mà còn là dịp khơi gợi niềm tự hào của riêng ngành Bưu điện.
 
Quay lại ngày 14 – 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào đã quyết định phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Trong đó, Nghị quyết hội nghị nêu rõ về công tác giao thông liên lạc: “Lập Ban Giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm nhiệm vụ”.
 
Thông tin này đã được đồng chí Trần Quang Bình, Tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục Bưu điện, sau nhiều ngày trăn trở và dành thời gian đi tìm ngày truyền thống của ngành Bưu điện, vui mừng tìm thấy trong một tư liệu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Tổng cục trưởng Trần Quang Bình đã làm việc với Ban Cán sự Đảng của Tổng cục Bưu điện, thống nhất báo cáo Trung ương cho lấy ngày 15/8 là Ngày truyền thống. Từ năm 1980, ngày 15/8 trở thành Ngày truyền thống của ngành Bưu điện.
 
Được biết, ngành Bưu điện tự hào với 10 chữ vàng: “Trung thành – Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo – Nghĩa tình”. Không phải đơn giản và ngẫu nhiên mà ngành Bưu điện có được 10 chữ vàng này, thưa ông?
 
Ngành Bưu điện có một vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ những ngày đầu cách mạng đến giai đoạn hội nhập và phát triển.
 
Nói đến chữ “Trung thành”, chúng ta nhớ ngay đến những chiến sĩ giao bưu, giao liên theo cách mạng từ những ngày cách mạng còn trong thời kỳ trứng nước. Những chiến sĩ ấy bất chấp mọi khó khăn gian khổ, luôn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước.
 
Nhiều chiến sĩ giao bưu, giao liên trong vùng địch tạm chiếm đã “Dũng cảm” chấp nhận hy sinh, xả thân vì mạng lưới, vì cách mạng, vì đất nước. Tôi đã từng xem trong một tư liệu về lịch sử giao bưu giao liên của Việt Nam, có kể rằng trong giai đoạn tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhiều chiến sĩ giao bưu, giao liên đã xả thân vì công việc, lần theo đường dây thông tin qua rừng để nối từng đoạn dây bị bom đạn đánh đứt, cũng có người bị thương vong bởi thú dữ… Hoặc theo một tài liệu lịch sử của miền Trung – Tây Nguyên, cũng trong thời kỳ tổng tiến công, có chị giao liên bị địch bắt đã nuốt tài liệu công văn. Khi địch đưa lên máy bay trực thăng về trụ sở để khai thác thông tin, ngang qua một cánh rừng, chị đã bất ngờ gieo mình mình trên cao xuống đất hy sinh, giữ được bí mật về trận đánh mở màn cho nhiều trận đánh tiếp theo.
 
Những người làm ngành Bưu điện luôn “Tận tụy” với công việc, đã nhận nhiệm vụ đều cố gắng hết mình làm đến nơi đến chốn. “Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”, câu nói đó luôn ở trong tiềm thức của người Bưu điện thời kỳ cách mạng.
 
Với hai chữ “Sáng tạo”, thời chống Pháp, chống Mỹ, các chiến sĩ thông tin liên lạc đã có nhiều sáng tạo trong chiến đấu, và người ở hậu phương cũng có những sáng kiến vô cùng đáng khâm phục. Chúng ta có thể kể đến tấm gương anh hùng lao động Hoàng Trung Vinh, thanh niên miền Nam tập kết ra Bắc, làm việc ở Nhà máy Thiết bị Bưu điện, rất giỏi về trang thiết bị, đặc biệt là nguồn điện. Nhiều thiết bị hết hạn sử dụng đã được ông tái tạo lại để phục vụ mạng lưới. Ông đã từng chế tạo, thay thế 1 dynamo 1000 ampe chuyên phát điện, giúp Nhà máy in Báo Nhân Dân vận hành hoạt động in ấn trong giai đoạn hết sức cần thiết.
 
Hoặc tấm gương anh hùng lao động Châu Văn Huy ở Bưu điện Hà Nội. Với lòng say mê nghề nghiệp và sự dày dạn kinh nghiệm về tổng đài điện thoại kỹ thuật, ông đã hoàn thành việc lắp đặt tổng đài 3.000 số đầu tiên của Hà Nội.
 
Hoặc anh hùng lao động Đặng Văn Thân, từng trăn trở rất nhiều trong công tác quản lý ngành. Trong bối cảnh đất nước còn bị cấm vận, mạng lưới lạc hậu, thô sơ, chắp vá, năm 1986, cả nước chỉ có 0,203 máy điện thoại trên 100 dân, ông đã quyết định áp dụng giải pháp “đi tắt đón đầu”, đề cao tinh thần “tự lực tự cường”, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với nhu cầu phát triển và mạng lưới của Việt Nam.
 
Chiến dịch tăng tốc 1993 – 1995 phát triển mạng lưới trên cả 3 phương diện "Tốc độ - Tiêu chuẩn – Tin học" cũng do ông đề xuất. Từ năm 1986 đến 1990, trên toàn mạng có 122.442 máy điện thoại, đến năm 1992 toàn mạng đã có 170.000 máy. Và chỉ sau 3 năm, đến năm 1995, tổng số máy trên toàn mạng lưới viễn thông đã đạt con số hơn 700.000, đạt chỉ tiêu 1 máy điện thoại trên 100 dân vào đúng dịp 15/8/1995 chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện, về đích sớm hơn 5 năm so với định hướng kế hoạch ban đầu.
 
20180816-l12.jpg
 Bưu điện là ngành kinh tế kỹ thuật đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. (Ảnh tư liệu do ông Vũ Văn Tỵ cung cấp).
  
Với những cống hiến hy sinh lớn lao của các thế hệ lớp trước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, và cộng hưởng với thành tích có tính lịch sử này, Bưu điện đã vinh dự là ngành kinh tế kỹ thuật đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất.
 
Còn về chữ “Nghĩa tình”, đây là một dấu ấn đặc trưng, một truyền thống tốt đẹp của những người làm trong ngành Bưu điện: Các chiến sĩ giao bưu, giao liên hy sinh vì cách mạng đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ của ngành; Nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được ngành Bưu điện chăm sóc, phụng dưỡng; Những người bị thương hoặc nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh sau này tiếp tục về làm trong ngành luôn được quan tâm chăm lo chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần… Ngoài ra, ngành Bưu điện cũng thường xuyên tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện, từ thiện khác. Đặc biệt, gần đây, các cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện đã dành rất nhiều tâm sức thu thập thông tin mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang trên toàn quốc để hoàn thiện Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, góp phần giảm thiểu và tiến tới xóa dần các trường hợp “liệt sĩ vô danh”.
 
Đã có rất nhiều cách thức tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử của ngành Bưu điện, trong đó, việc phát hành những mẫu tem bưu chính kỷ niệm Ngày truyền thống là một dấu ấn rất riêng của ngành. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của kênh truyền thông đặc biệt này?
 
Chỉ tính riêng từ năm 1980 đến nay, đã có 5 bộ tem bưu chính kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Bưu điện được phát hành (vào các năm 1980, 1985, 1990, 2005 2015). Những bộ tem đã thể hiện rõ truyền thống cũng như sự thay đổi mạnh mẽ của ngành Bưu điện. Trên từng mẫu tem đã nêu bật được một đặc điểm tính cách của người Việt, đó là “có hôm nay nhưng không quên quá khứ”.
 
 
Với tổng số 5 bộ tem trong vòng 28 năm, có thể nói chúng ta đã dành cho chủ đề kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Bưu điện một số lượng mẫu tem tương đối đậm đà, chứa đựng nội dung phong phú, phản ánh cả quá khứ, hiện tại và vươn tới tương lai.
 
Ngoài ra, ngành Bưu điện trước đây, Thông tin và Truyền thông ngày nay còn phát hành hơn 40 mẫu tem các loại có nội dung, hình ảnh liên quan đến bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá về dấu ấn của ngành bưu điện Việt Nam, không chỉ quảng bá hình ảnh, thành tựu của ngành bưu chính viễn thông trên đà phát triển, mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
 
 
20180816-l13.jpg 
                      Ngành Bưu điện đang tích cực hiện đại hóa để hội nhập và phát triển. Ảnh: Bưu điện tỉnh Điện Biên.
 
 
Ông có kỳ vọng gì về sự phát triển của ngành Bưu điện trong thời gian tới?
 
Trong sự nghiệp cách mạng cũng như sự nghiệp phát triển đất nước, bao giờ cũng có những bước thăng thầm. Tuy nhiên, tôi luôn tin tưởng vào con đường đi lên của ngành Bưu điện. Ngành này sẽ có những bước phát triển mới vì đó là xu thế của thời đại.
 
Hiện chúng ta đã bước vào cửa ngõ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0). Với lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật giàu tiềm năng, lại có bộ máy lãnh đạo đổi mới, chúng ta sẽ thành công trên con đường hội nhập về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!