Phú Thọ: Khắc phục thiệt hại, đảm bảo thông tin liên lạc sau mưa lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ ngày 20 - 22/7 tại một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh như: Tân Sơn, Thanh Sơn, Tam Nông, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Lâm Thao và thị xã Phú Thọ đã có mưa rất to, gây ngập lụt, giao thông chia cắt, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Trước tình hình đó, ngành Thông tin và Truyền thông đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

20180730-m04.jpg
 
Đồng chí Giám đốc  Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Hùng Sơn trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục mưa lũ tại huyện Cẩm Khê (Ảnh Liên Linh)
 
Với tinh thần chủ động, sát sao, ngay sau khi nhận được thông báo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh về những diễn biến phức tạp của hoàn lưu cơn bão số 3, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Cổng TTĐT tỉnh kịp thời thông tin về diễn biến của hoàn lưu cơn bão; đăng tải các công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình mưa lũ; thông tin tình hình mực nước các sông trên địa bàn tỉnh; diễn biến việc mở cửa xả đáy của Thủy điện Hòa Bình; truyền tải các ý kiến chỉ đạo, các hoạt động của lãnh đạo tỉnh, của các ngành, địa phương trong việc phòng chống và khắc phục thiệt hại do mưa lũ… Qua đó góp phần giúp người dân chủ động nắm bắt tình hình mưa lũ, có biện pháp phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
Đồng thời chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, thuyết phục người dân di rời ra khỏi vùng bị thiên tai, không vớt củi, đánh bắt cá nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng phòng tránh mưa lũ cho người dân.
 
Sở Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông có các phương án đảm bảo thông tin liên lạc, làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”; bám sát tình hình và có mặt ở các địa bàn trọng yếu để chỉ đạo công tác tuyên truyền và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền trong tỉnh. Đồng thời cung cấp thiết bị điện thoại vệ tinh cho lãnh đạo tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành tại những vùng bị mất liên lạc.
 
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp xuống địa bàn huyện Cẩm Khê để kịp thời nắm bắt và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Bên cạnh đó tích cực nắm bắt tình hình thiệt hại của ngành tại các địa phương khác để có phương án khắc phục.
 
20180730-m03.jpg
 
Nhân viên Viettel Thanh Sơn kéo cáp, khắc phục sự cố viễn thông trên địa bàn xã Địch Quả
 
Nhằm khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra, lãnh đạo Viettel Phú Thọ cùng 5 đội ứng cứu thông tin cơ động và được Tổng công ty Mạng lưới Viettel bổ sung 7 đội hỗ trợ ứng cứu thông tin từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Giang, Hải Dương, Thái Nguyên đã có mặt tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Tam Nông. Ngay sau nước rút, các kỹ thuật viên của Viettel chi nhánh huyện Thanh Sơn (một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất) đã kéo lại đoạn cáp bị đứt qua sông Bứa (xã Địch Quả), đến ngày 23/7, hệ thống cáp đứt đã được nối lại, đảm bảo thông tin được thông suốt.
 
Đại úy Nguyễn Hồng Phong - Phó Giám đốc Viettel Phú Thọ cho biết: Sau khi nhận được thông tin mưa lũ, cán bộ, nhân viên của đơn vị đã thực hiện túc trực sẵn sàng ứng cứu các tình huống, đồng thời dự trữ nguồn xăng, dầu, ắc-quy để phục vụ hoạt động của các trạm BTS khi mất điện lưới. Khi xảy ra sự cố, các kỹ thuật viên của Viettel đã chia làm các mũi tiếp cận hiện trường, tập trung lực lượng tại các địa bàn trọng điểm. Đến nay, công tác khắc phục sự cố cơ bản hoàn tất, tuyến điện thoại cố định cơ bản được khôi phục. Hiện nay, còn một số trạm thu phát sóng (BTS) bị chia cắt do sạt lở. Đơn vị đang thi công ngày đêm để có thể mở đường vào điểm chia cắt.
 
Cùng với đó, VNPT Phú Thọ cùng đội ứng cứu của doanh nghiệp cũng kịp thời có mặt tại khu vực cầu Khánh (huyện Thanh Sơn) để thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong một vài ngày tới, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trong ngành sẽ tiếp tục gia cố lại những điểm hàn nối cáp quang mà chưa treo tạm được, trồng bổ sung các cột bê tông bị gãy, đỗ, lũ cuốn trôi, xử lý thuê bao băng rộng để phục vụ khách hàng.
 
Để đảm bảo hoạt động bưu chính, Bưu điện các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hòa, Tam Nông, Cẩm Khê, Yên Lập đã phối hợp tăng chuyến để giao, nhận được các bưu phẩm hoả tốc. Đến trưa ngày 22/7, các tuyến vận chuyển từ huyện xuống các xã thuộc huyện Thanh Sơn, Tân Sơn đã được lưu thông, tiếp tục hoạt động trở lại.
 
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, sau đợt mưa lũ, ở một số huyện, thị, hạ tầng bưu chính, viễn thông đã bị thiệt hại; trên 150 cột treo cáp của doanh nghiệp viễn thông bị gãy hoặc có nguy cơ gãy, đổ cột; 16 tuyến cáp quang bị đứt, 36km cáp quang bị ảnh hưởng, 3 trạm BTS bị mất liên lạc. Bưu cục Thanh Sơn và các điểm Bưu điện văn hóa xã của huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hòa, Tam Nông, Cẩm Khê, Yên Lập bị ngập sâu trong nước làm hư hỏng bàn ghế, thiết bị làm việc. Đường thư cấp 2 từ tỉnh xuống huyện Thanh Sơn và Tân Sơn bị chia cắt, nhiều tuyến đường thư xuống xã cũng không thực hiện được. Tại một số khu vực xung yếu, doanh nghiệp đã phải dừng phát các trạm 4G ưu tiên phát sóng 2G, 3G để phục vụ thông tin liên lạc… Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng trên 3 tỉ đồng.
 
Để nhanh chóng khắc phục những thiệt hại, đảm bảo thông tin liên lạc sau mưa lũ, Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN ngành và các doanh nghiệp viễn thông thực hiện rà soát khắc phục, củng cố hạ tầng thông tin liên lạc; kiểm tra khắc phục các trạm BTS bị ảnh hưởng, bị mất sóng trong thời gian xảy ra mưa lũ để xây dựng phương án dự phòng, ứng cứu cấp bách. Khẩn trương hàn nối lại các tuyến cáp quang bị đứt, ưu tiên các tuyến chính phục vụ thông tin chỉ đạo điều hành, thiết lập các tuyến dự phòng tại vùng lũ, vùng ngập lụt. Rà soát hệ thống cột treo cáp hư hỏng để kịp thời khắc phục. Khôi phục lại toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc thông suốt trên địa bàn an toàn và bền vững.
 
Ông Lê Kim Quyền - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Sở đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng phương án và phương án dự phòng chi tiết, cụ thể với các tình huống cấp bách xảy ra. Yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN ngành, Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông tăng cường công tác chỉ đạo trong cơ quan, đơn vị và kịp thời báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão; đồng thời xây dựng các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống nhằm đảm bảo hạ tầng thông tin liên lạc xuyên suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Bên cạnh đó, để đảm bảo thông tin liên lạc trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng 71 trạm BTS tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh thuộc các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập,../.