Định hướng chính sách phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên thế giới

Chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới (17/5) năm 2018 là “Tạo điều kiện sử dụng mặt tích cực của AI cho tất cả mọi người” (Enabling the positive use of Artificial Intelligence for All) với mục tiêu tập trung tận dụng các cơ hội do AI mang lại để đẩy nhanh hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc vào năm 2030. Bài viết sau đây của Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ TT&TT đã tóm tắt tình hình phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung và các chiến lược, chính sách phát triển của các nước trên thế giới đối với lĩnh vực này.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Những tiến bộ đột phá của AI trong vài năm gần đây đã khiến các nước trên thế giới nhận thấy xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn, toàn diện cả mặt tích cực và tiêu cực của AI trong mọi mặt đời sống xã hội, có tiềm năng thay đổi cán cân quyền lực kinh tế, quân sự, chính trị của mỗi quốc gia. Kể từ năm 2017, một cuộc chạy đua phát triển AI giữa các nước đã thực sự bắt đầu, đặc biệt kể từ đầu năm 2018.
 
Trước xu thế đó, ITU đã chọn chủ đề Ngày Viễn thông Xã hội thông tin thế giới (17/5) năm 2018 là “Tạo điều kiện sử dụng mặt tích cực của AI cho tất cả mọi người” (Enabling the positive use of Artificial Intelligence for All) với mục tiêu tập trung tận dụng các cơ hội do AI mang lại để đẩy nhanh hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc vào năm 2030.
 
Bài viết tóm tắt tình hình phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung  và các chiến lược, chính sách phát triển của các nước trên thế giới đối với lĩnh vực này.
 
Sơ lược về xu hướng công nghệ trí tuệ nhân tạo
 
Chế tạo các máy tính với trí thông minh giống như con người là một ước mơ của các chuyên gia máy tính kể từ buổi bình minh của máy tính điện tử. Giống như con người học cách giao tiếp, nhận diện hình ảnh, lái xe… máy móc có thể được đào tạo theo cách tương tự để thực hiện các công việc như vậy dựa trên các thuật toán mạnh. Phương pháp thông dụng để dạy máy học là cung cấp các dữ liệu được gắn nhãn: ví dụ, các hình ảnh khác nhau về con mèo được gắn nhãn bằng chữ “con mèo”. Máy móc được xem như có trí tuệ nhân tạo, nếu như sau khi được học, chúng có thể gắn nhãn cho một tập dữ liệu trước đó chưa từng được biết với độ chính xác chấp nhận được. Với ví dụ trên, máy có khả năng xác định chính xác con mèo trong một hình ảnh không quen thuộc.
 
Khái niệm AI xuất hiện từ những năm 1950 và chỉ giới hạn ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Trong các thập kỷ tiếp theo, lĩnh vực AI đã trải qua những thăng trầm (được các nhà khoa học gọi là “mùa đông”) khi một số vấn đề nghiên cứu AI tỏ ra khó khăn hơn so với dự kiến và một số nghiên cứu đã chứng minh không thể vượt qua với các công nghệ tại thời điểm đó. Cho đến cuối thập niên 1990, các tiến bộ về các nghiên cứu AI mới bắt đầu gia tăng. Dấu mốc khởi đầu là chiến thắng của máy tính chơi cờ vua Deep Blue của IBM trước nhà vô địch thế giới Garry Kasparov vào năm 1997. Trong những năm gần đây, khi các hãng công nghệ lớn như Google, IBM, Facebook, Nvidia, Baidu, Tencent… sử dụng phân tích dữ liệu lớn, thuật toán tiên tiến, phần cứng hiệu năng cao xử lý song song thì AI đã có bước phát triển mạnh mẽ và đã bắt đầu được ứng dụng sâu vào mọi lĩnh vực (hay còn gọi là AI hẹp), trong đó có sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, ứng dụng AI đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ có những thuật toán nguồn mở và thư viện miễn phí, chi phí cho năng lực tính toán đám mây tương đối rẻ và nhiều cảm biến sinh dữ liệu. Bởi vậy, không chỉ có các công ty lớn mà ngay cả các công ty khởi nghiệp (start-up) cũng có vai trò quan trọng trong việc đưa AI ứng dụng vào cuộc sống.
 
Những ứng dụng điển hình của AI bao gồm: xe tự lái, xử lý hình ảnh, gợi ý (recommendation), hỗ trợ ra quyết định, xử lý ngôn ngữ tự nhiên… Ứng dụng AI được huấn luyện tốt có thể thực hiện một số công việc với kỹ năng tương đương như con người nhưng có lợi thế hơn nhờ khả năng mở rộng (học liên tục), thậm chí tự học (không cần hướng dẫn của con người) và không cần nghỉ ngơi. AI có thể phát hiện ra mẫu trong những dữ liệu quá phức tạp đến mức các chuyên gia cũng không nhận ra. Trong một số ứng dụng đặc thù về nhận diện giọng nói và xử lý hình ảnh, AI đã bằng hoặc vượt khả năng của con người [1]. Hình 1a cho thấy, khoảng đầu năm 2015, năng lực xử lý hình ảnh của hệ thống AI tốt nhất (best AI system) đã phát hiện vật thể với độ chính xác bắt đầu bằng và vượt con người (human performance). Hình 1b cho thấy, khoảng đầu năm 2017, năng lực xử lý nhận dạng tiếng nói của hệ thống AI tốt nhất đã bắt đầu bằng với con người.
 
 20180516-m07.jpg
20180516-m08.jpg 
Hình 1a. AI vượt con người trong việc phát hiện vật thể (xử lý hình ảnh)
Hình 1b. AI bằng con người trong việc nhận diện giọng nói
 
Trợ lý ảo sử dụng AI của Google có tên Google Duplex mới được giới thiệu vào ngày 10/5/2018 đã gây sốc cho thế giới khi có thể giả giọng người nói chuyện với nhân viên cửa hàng cắt tóc mà nhân viên này không hề phát hiện được đây là phần mềm máy tính. Việ này làm dấy lên nỗi lo về nguyên tắc đạo đức phát triển AI nếu không được sử dụng với mục đích đúng đắn. 
  
Về tiềm năng ứng dụng AI trong các ngành, khảo sát năm 2017 của McKinsey cho thấy, trong 3 năm tới, các ngành tiên phong đầu tư lớn ứng dụng AI bao gồm: dịch vụ tài chính, công nghệ cao, viễn thông, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và sản xuất tiên tiến. Đây là những ngành có mức độ khả thi kỹ thuật tương đối cao để ứng dụng AI gắn với các mô hình kinh doanh của mình.
 
Theo nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn công nghệ Gartner [2], ngành công nghiệp AI toàn cầu năm 2018 sẽ có sự tăng trưởng đột phá (cao hơn 70%) so với năm 2017, đạt giá trị gần 1,2 nghìn tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng những năm sau sẽ giảm dần và dự báo đạt giá trị gần 4 nghìn tỷ USD năm 2022. Theo Gartner, AI có khả năng trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới nhờ có những tiến bộ về công suất tính toán; sự nhảy vọt về khối lượng, tốc độ và sự đa dạng của dữ liệu; sự tiên tiến của các mạng tính toán nơ-ron sâu (deep neural networks – DNNs). Dự báo giá trị ngành công nghiệp AI toàn cầu theo các năm được thể hiện trên Hình 2.
 
20180516-m09.jpg
 
Hình 2. Dự báo giá trị ngành công nghiệp AI toàn cầu 2017-2022 (tỷ USD). (Nguồn: Gartner, 4/2018)
 
Trong lược đồ chu kỳ (hype cycle) các công nghệ đang nổi lên do Gartner dự báo (tháng 7/2017), Gartner nhấn mạnh nhiều tới các công nghệ AI, cụ thể bao gồm: AGI (AI tổng quát – Artificial General Intelligence – trí tuệ tổng hợp như người), học sâu (deep learning), học sâu tăng cường (deep reinforcement learning), học máy (machine learning). Trong đó, học sâu và học máy đang ở đỉnh cao của sự kỳ vọng với dự báo sẽ trở nên phổ biến trong vòng 2-5 năm tới. Học sâu tăng cường và AI tổng quát đều đang trong miền kích hoạt sáng tạo, trong đó AI tổng quát cần hơn 10 năm và học sâu tăng cường cần 5-10 năm tới để trở nên phổ biến.
 
Về tác động của AI tới nền kinh tế thế giới, mới đây, công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Pricewaterhouse Coopers (PwC) đã công bố nghiên cứu, trong đó dự đoán, đến năm 2030, AI sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng 14% - tương đương khoảng 15,7 nghìn tỷ USD [3]; trong đó, chỉ riêng Trung Quốc là 7 nghìn tỷ, tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ đạt 3,7 nghìn tỷ, châu Âu là 2,5 nghìn tỷ, các nước phát triển ở châu Á là 0,9 nghìn tỷ… Theo PwC, AI sẽ có tác động lớn nhất trong các lĩnh vực: y tế; xe hơi; dịch vụ tài chính; bán lẻ và tiêu dùng; công nghệ, truyền thông và giải trí; sản xuất, chế tạo; năng lượng; giao thông và logistics.
 
Hình 3 minh họa kết quả nghiên cứu năm 2017 của công ty tư vấn Accenture [4] về tiềm năng của AI làm nâng tổng giá trị tăng thêm (GVA – Gross Value Added) cho nền kinh tế 9 nước vào năm 2035, lần lượt từ trái sang phải bao gồm: Singapore, Mỹ, Phần Lan, Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Áo và Pháp. Kịch bản tỷ lệ tăng GVA (%) vào năm 2035 với mỗi nước được thể hiện ở cột màu cam bên trái (baseline) nếu không ứng dụng AI và cột màu tím bên phải (AI Steadystate) là kịch bản tiềm năng tăng GVA nếu ứng dụng AI đầy đủ. Ví dụ, việc ứng dụng AI vào nền kinh tế có thể giúp nâng gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng và tăng mạnh năng suất lao động của Singapore (tăng thêm 41% vào 2035 – cao nhất trong các nước phát triển). Nếu được áp dụng đầy đủ, AI có thể nâng tốc độ tăng GVA của Singapore lên khoảng 5,4% vào năm 2035. Đây sẽ là mức tăng mạnh nhất trong số 33 nền kinh tế được khảo sát, tương đương giá trị gia tăng 215 tỷ USD cho đảo quốc này. Nếu không ứng dụng AI, kinh tế Singapore được dự báo tăng GVA 3,2%/năm.
 
20180516-m10.jpg
 
Hình 3. So sánh tốc độ tăng GVA bình thường (baseline) với tiềm năng tăng GVA áp dụng đầy đủ AI (AI steadystate) của 9 quốc gia vào năm 2035 [4].
         
Hiện nay, khoảng 75% tổng đầu tư cho AI của các doanh nghiệp toàn cầu là từ các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook, Amazon, Alibaba, Baidu. Hầu hết các hãng này đều đặt chiến lược “AI trên hết” (AI-first), thậm chí mới đây Google đã đổi tên bộ phận nghiên cứu thành Google AI. Theo hãng tư vấn IDC, việc ứng dụng AI trong các ngành nghề trên toàn cầu sẽ mang lại tổng doanh thu hơn 47 tỷ USD vào năm 2020. Các công ty lớn của Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đầu tư rất mạnh vào AI: Baidu đã đầu tư 3 tỷ USD vào nghiên cứu phát triển AI giai đoạn 2015-2017; tháng 10/2017, Alibaba công bố kế hoạch đầu tư 15 tỷ USD trong 3 năm xây dựng 7 phòng thí nghiệm về AI và điện toán lượng tử ở 4 nước, thuê 100 nhà khoa học AI hàng đầu thế giới.  
 
Theo hãng tư vấn Accenture, phát triển AI phải dựa trên mô hình hệ sinh thái 5 trụ cột gồm: trường đại học, công ty lớn, start-up, cơ quan ban hành chính sách và mối quan hệ đối tác giữa các bên. Vai trò tương đối của mỗi trụ cột là khác nhau giữa các nước, tùy thuộc vào mức độ phát triển của mỗi trụ cột và văn hóa chính trị của từng nước. Cuối năm 2017, Accenture đã công bố kết quả phân tích 10 nước phát triển AI hàng đầu thế giới khu vực châu Á, Âu và Bắc Mỹ. Hình 4 là kết quả so sánh hệ sinh thái phát triển AI của 10 nước và chia thành 2 nhóm lớn gồm: châu Âu và Bắc Mỹ; châu Á – Thái Bình Dương [5]. Hình 4 cho thấy có sự nổi bật rõ rệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, Mỹ rất mạnh về 3 trụ cột là: trường đại học, start-up và các công ty lớn, trong khi Trung Quốc mạnh nhất về 2 trụ cột là ban hành chính sách và một quan hệ đối tác giữa các bên. Trong 3 trụ cột còn lại, mặc dù không bằng Mỹ nhưng Trung Quốc mạnh đều hơn 4 nước khu vực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc.
 
20180516-m11.jpg 
 
Hình 4. So sánh mô hình hệ sinh thái 5 trụ cột phát triển AI của 10 nước hàng đầu
 
Về nguồn nhân lực, báo cáo năm 2017 của Viện nghiên cứu Tencent (Trung Quốc) cho biết, ngành công nghiệp AI sẽ cần hàng triệu nhân lực chuyên nghiệp nhưng hiện nay chỉ có khoảng 300.000 người nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng AI toàn cầu, trong đó 200.000 người đang làm trong các ngành công nghiệp khác nhau, không chỉ giới hạn lĩnh vực công nghệ, 100.000 người là các nhà nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học. Mỹ đang dẫn đầu thế giới về nguồn nhân lực AI với 168 trường đại học có nghiên cứu AI, chiếm 45,7% tổng nhân lực AI toàn cầu. Mặt khác, có những ước tính bi quan hơn nhiều. Theo khảo sát của phòng nghiên cứu Element AI tại Canada, ước tính trên thế giới chỉ khoảng 22.000 người có đủ kỹ năng cần thiết để thực sự nghiên cứu AI một cách nghiêm túc mà thôi. Bởi vậy, trong một bài viết trên New York Times, một chuyên gia về AI dù chưa có kinh nghiệm nghiên cứu thực tế, ứng dụng nào trong công nghiệp cũng có thể được trả từ 300.000 đến 500.000 USD một năm, chưa tính tới các khoản thưởng về cổ phiếu mà họ có thể được nhận thêm. Kỷ lục trả lương cao mới được tiết lộ là phòng thí nghiệm OpenAI của tỷ phú Elon Musk đã trả cho nhà nghiên cứu Ilya Sutskever đứng đầu phòng thí nghiệm hơn 1,9 triệu USD trong năm 2016.
 
Chính sách về phát triển AI của Mỹ và Trung Quốc
 
Hiện nay trên thế giới, Mỹ được đánh giá là cường quốc số 1 thế giới về năng lực phát triển AI trong mọi lĩnh vực từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đang ngày càng nổi lên mạnh mẽ với quyết tâm sớm đuổi kịp Mỹ bằng chính sách đầu tư rất lớn của Nhà nước. Thế giới đang chứng kiến cuộc đua giữa hai cường quốc AI, hay thậm chí còn được gọi là thế lưỡng độc quyền AI (duopoly):
 
- Mỹ: Năm 2015, đầu tư của Chính phủ Mỹ cho nghiên cứu phát triển những công nghệ liên quan đến AI (không thuộc phạm vi mật) đạt xấp xỉ 1,1 tỷ USD. Những thành tựu vượt bậc của AI, chủ yếu của khối doanh nghiệp, trong những năm 2015, 2016 đã tác động đến mọi lĩnh vực, một mặt nâng cao hiệu quả các hoạt động trong xã hội, mặt khác làm phát sinh một số vấn đề cần quản lý (như đạo đức AI). Chính phủ Mỹ cũng nhận thấy Trung Quốc đang có những thành tựu khoa học vượt Mỹ về AI như số lượng các bằng sáng chế, số bài báo khoa học. Do đó, tháng 10/2016, Văn phòng Tổng thống về Khoa học và Công nghệ (OSTP) đã công bố báo cáo “Chuẩn bị cho tương lai của AI”, trong đó đưa ra 23 khuyến nghị cho Chính phủ về AI. Cũng tháng 10/2016, tiểu ban về nghiên cứu và phát triển CNTT (NITRD – thuộc Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia) đã công bố “Kế hoạch chiến lược nghiên cứu phát triển quốc gia về AI” [6]. Kế hoạch này đưa ra 7 chiến lược: (1) Đầu tư dài hạn cho nghiên cứu AI; (2) Phát triển các phương pháp hiệu quả cho sự hợp tác giữa con người với AI, (hay nói cách khác là con người làm việc cùng đồng nghiệp là rô-bốt); (3) Nắm vững và giải quyết các vấn đề phát sinh về pháp lý, đạo đức và ảnh hưởng xã hội của AI; (4) Đảm bảo an toàn và an ninh của các hệ thống AI; (5) Phát triển các bộ dữ liệu công chia sẻ (shared public datasets) và môi trường để huấn luyện và kiểm thử AI; (6) Đo lường và đánh giá các công nghệ AI thông qua các tiêu chuẩn và điểm chuẩn (benchmark); (7) Hiểu rõ hơn nhu cầu nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển AI quốc gia. Bản kế hoạch đưa ra 2 khuyến nghị: (1) Phát triển Khung triển khai nghiên cứu phát triển AI để xác định các cơ hội khoa học, công nghệ và hỗ trợ hiệu quả việc hợp tác trong đầu tư nghiên cứu phát triển AI phù hợp với chiến lược từ 1-6; (2) Nghiên cứu xây dựng không gian phát triển AI quốc gia đảm bảo tạo ra và duy trì bền vững nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển AI phù hợp chiến lược 7. Tháng 12/2016, Nhà Trắng công bố báo cáo “AI, Tự động hóa và Nền kinh tế”, trong đó tái khẳng định nhiều khuyến nghị từ 2 báo cáo trước, đặc biệt nhấn mạnh Chính phủ sẽ phải đảm bảo trang bị đủ kỹ năng cho nguồn nhân lực bắt kịp trong giai đoạn quá độ sang nền kinh tế dẫn dắt bởi AI (AI-driven economy). Tháng 5/2017, Quốc hội Mỹ thành lập Ban chính sách AI với nhiệm vụ cung cấp thông tin về những quyết định chính sách liên quan đến AI và đảm bảo cho sự tăng trưởng nhanh của AI. Ước tính đầu tư hàng năm của khối tư nhân đạt khoảng 70 tỷ USD (gấp 10 lần đầu tư của khối tư nhân ở Trung Quốc) và đầu tư của chính quyền cho AI năm 2017 ước tính khoảng hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ khi cầm quyền, nội các Tổng thống Trump chưa tỏ rõ quan điểm cần có chính sách thúc đẩy phát triển AI. Mới đây, ngày 10/5/2018, Tổng thống Trump có cuộc gặp gỡ với nhiều công ty, nhà khoa học AI hàng đầu của Mỹ và đã tuyên bố thành lập Ủy ban (thuộc Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia) về thúc đẩy phát triển AI theo phương châm “nước Mỹ trên hết”, trong đó trọng tâm là giải quyết mất việc làm vì tự động hóa, chính phủ tăng đầu tư ứng dụng AI.
 
­- Trung Quốc: Năm 2016, Trung Quốc ban hành “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về phát triển các ngành công nghiệp chiến lược quốc gia với công nghiệp mới nổi”, trong đó xác định phát triển AI là một trong 69 nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền trung ương. Ngoài ra, phát triển AI còn được đưa vào một số chiến lược, kế hoạch lớn như “Internet Plus” và Kế hoạch 3 năm triển khai AI (2016-2018), Kế hoạch phát triển công nghiệp rô-bốt (2016-2020), “Trí tuệ nhân tạo 2.0”. Tháng 7/2017, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành “Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới” với mục tiêu phân thành 3 giai đoạn như sau: (1) Năm 2020, công nghiệp AI Trung Quốc sẽ bắt kịp nhóm các nước phát triển nhất với công nghiệp lõi AI sản xuất vượt 150 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 22,5 tỷ USD, công nghiệp liên quan AI sản xuất vượt 1.000 tỷ NDT (150,8 tỷ USD); (2) Năm 2025, công nghiệp AI Trung Quốc đạt trình độ dẫn đầu thế giới với công nghiệp lõi AI sản xuất vượt 400 tỷ NDT (60,3 tỷ USD), công nghiệp liên quan AI sản xuất vượt 5.000 tỷ NDT (754 tỷ USD); (3) Năm 2030, phấn đấu trở thành trung tâm sáng tạo AI “chủ chốt” của thế giới với công nghiệp lõi AI sản xuất vượt 1.000 tỷ NDT (150,8 tỷ USD), công nghiệp liên quan AI sản xuất vượt 10.000 tỷ NDT (1.500 tỷ USD). Theo các nhà nghiên cứu, nội dung các chiến lược và giải pháp của kế hoạch này khá giống các ý tưởng trong các báo cáo về AI năm 2016 của Chính phủ Mỹ. Theo khảo sát năm 2017 của công ty iiMedia, công nghiệp AI của Trung Quốc năm 2016 đạt 10 tỷ NDT, năm 2017 dự kiến là 15 tỷ NDT. Như vậy, mục tiêu 2020 rất tham vọng vì giá trị công nghiệp AI tăng tới 10 lần trong 3 năm.
 
Trong phát biểu khai mạc Đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến AI là một phương thức để nâng cao năng suất cho nền kinh tế. Để xây dựng hệ sinh thái AI thương mại, tháng 11/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ định 4 công ty: Baidu, Alibaba, Tencent và iFlytek dẫn đầu việc phát triển các nền tảng (platform) sáng tạo AI quốc gia lần lượt gồm: xe tự lái, đô thị thông minh, xử lý hình ảnh máy tính cho chẩn đoán y khoa, nhận dạng giọng nói. Hành động này giúp cho Baidu có lợi thế khi làm việc với các nhà sản xuất xe hơi và Tencent có cơ hội tiếp cận nhiều hơn tới dữ liệu y khoa nhưng đồng thời cũng làm giảm sức cạnh tranh trong những lĩnh vực này. Chính quyền trung ương và địa phương cũng đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các start-up AI trong nước. Liên minh đổi mới công nghiệp AI Trung Quốc (CAIIIA) thành lập năm 2017 đặt mục tiêu đến 2020 ươm tạo được 50 sản phẩm AI, 40 công ty, 20 dự án thử nghiệm và thiết lập một platform công nghệ. Tháng 1/2018, Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư 2,1 tỷ USD trong 5 năm xây dựng một công viên nghiên cứu khoa học về AI tại Bắc Kinh với diện tích 54,87 ha cho khoảng 400 công ty hoạt động.
 
Tháng 12/2017, Bộ Công nghiệp và CNTT đã ban hành Kế hoạch hành động 3 năm (2018-2020) thúc đẩy phát triển công nghiệp AI thế hệ mới. Kế hoạch này đưa ra các mục tiêu hành động khá cụ thể trong 4 lĩnh vực: (1) mở rộng phát triển sản phẩm AI chủ chốt (xe tự lái, rô-bốt, máy bay tự lái, chẩn đoán hình ảnh y khoa, xác định hình ảnh video, tương tác giọng nói, dịch thuật, nhà thông minh); (2) Nâng cao đáng kể năng lực cốt lõi về AI tập trung các lĩnh vực: cảm biến thông minh, chip mạng nơ-ron, platform nguồn mở; (3) Phát triển mạnh sản xuất thông minh tập trung các lĩnh vực mang tính đột phá: sản xuất thông minh các công nghệ và thiết bị chủ chốt, mô hình sản xuất thông minh mới; (4) Xây dựng các hệ thống hỗ trợ tập trung trong các lĩnh vực mang tính đột phá: nguồn lực dữ liệu phục vụ huấn luyện cho các công nghệ AI, hệ thống các tiêu chuẩn và platform dịch vụ sở hữu trí tuệ, hạ tầng mạng thông minh (IoT, 5G…), hệ thống an toàn thông tin. Kế hoạch đưa ra các giải pháp thực hiện sau: (1) Tăng cường tổ chức phối hợp và triển khai giữa trung ương và địa phương; (2) Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và sản phẩm AI đạt chất lượng; (3) Khuyến khích đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nhân; (4) Đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực; (5) Tối ưu môi trường phát triển.
 
Đánh giá về năng lực AI giữa Mỹ và Trung Quốc, nghiên cứu năm 2017 của McKinsey cho thấy, mặc dù Trung Quốc có số lượng bài báo khoa học liên quan đến AI nhiều hơn Mỹ nhưng tổng chỉ số ảnh hưởng (H) các bài báo của Mỹ cao hơn nhiều so với Trung Quốc. Ngoài ra, hệ sinh thái AI của Mỹ lớn hơn, sáng tạo và đa dạng hơn Trung Quốc. Về dữ liệu, tuy các công ty Trung Quốc có lợi thế thu thập được lượng cực lớn dữ liệu trên các platform đóng của mình (dự báo năm 2020, Trung Quốc sẽ sở hữu 20% lượng dữ liệu toàn cầu, con số này là 30% vào năm 2030) nhưng Trung Quốc kém Mỹ trong việc tạo ra hệ sinh thái dữ liệu thân thiện chuẩn hóa và chia sẻ giữa các platform. Về mức độ mở dữ liệu chính phủ, năm 2015, Trung Quốc xếp thứ 93 trên thế giới trong khi Mỹ xếp thứ 8. Về thuật toán, các công ty Trung Quốc đã có những thành công đột phá phát triển các thuật toán AI ứng dụng trong nhận dạng giọng nói và quảng cáo hướng đích nhưng Trung Quốc kém hơn Mỹ trong các nghiên cứu cơ bản tiên tiến về AI. Nguyên nhân chính là Trung Quốc thiếu nhân lực giỏi về AI so với Mỹ (ví dụ, chỉ riêng công ty Google đã có khoảng một nửa trong số 100 nhà khoa học AI hàng đầu thế giới). Năng lực phần cứng tính toán của chip GPU (Graphics Processing Unit – chuyên xử lý đồ họa) và TPU (Tensor Processing Unit – tối ưu xử lý mạng nơ-ron do Google thiết kế) của Trung Quốc còn kém xa Mỹ. Năm 2015, Trung Quốc chỉ chiếm 4% thị phần sản xuất chip bán dẫn trong khi Mỹ chiếm hơn 50%. Trong số 10 công ty chip hàng đầu của Mỹ, có tới 4 công ty sản xuất GPU (chuyên dùng huấn luyện thuật toán AI), trong khi 10 công ty chip hàng đầu của Trung Quốc không có công ty nào sản xuất chip GPU. Với nhóm chip TPU, cả Mỹ và Trung Quốc có 2 trong số 10 công ty hàng đầu sản xuất loại FPGA nhưng các công ty Mỹ được đầu tư lớn hơn (mới đây Google công bố sản xuất chip TPU đến thế hệ 3). Theo chỉ số tiềm năng AI (AIPI) do đại học Oxford công bố [7], AIPI của Trung Quốc hiện đạt 17 điểm, bằng khoảng một nửa so với Mỹ (33 điểm).
 
Mặt khác, có những đánh giá cho rằng, Trung Quốc có nhiều khả năng vượt Mỹ vì những lý do sau [8]: (1) số lượng các nhà khoa học về AI của Trung Quốc đang tăng rất nhanh thể hiện ở sự gia tăng cả số lượng bài báo khoa học và hệ số ảnh hưởng của bài báo; (2) Lượng dữ liệu để huấn luyện các mô hình AI ở Trung Quốc ngày càng tăng nhanh: ví dụ người dùng Trung Quốc trả tiền thanh toán mua hàng qua di động cao gấp 50 lần ở Mỹ (vì hiện nay Mỹ có hệ thống thanh toán thẻ lớn nhất thế giới); (3) Ngày càng nhiều đổi mới sáng tạo hữu ích về sản phẩm và mô hình kinh doanh dựa trên AI, thậm chí có những tính năng được đánh giá tốt hơn hoặc chưa có ở Mỹ; (4) Quy mô thị trường nội địa cực lớn, giá phần cứng thấp, thuận lợi cho khởi nghiệp, người dùng ít nhạy cảm với tính riêng tư của dữ liệu hơn (so với Mỹ) đang tạo ra môi trường thúc đẩy kinh doanh AI và nâng cao kinh nghiệm cạnh tranh cho các công ty Trung Quốc (tháng 4/2018, Sensetime – công ty start-up về AI xử lý hình ảnh đã trở thành start-up AI đắt giá nhất thế giới). Theo CB Insight, năm 2017, trong số 15,2 tỷ USD đầu tư toàn cầu vào các start-up AI thì có đến 48% đầu tư vào các start-up Trung Quốc, chỉ 36% đầu tư vào các start-up AI của Mỹ; (5) Sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách và tài chính của chính quyền trung ương và địa phương: học tập kinh nghiệm của Israel, Singapore, quỹ đầu tư của chính quyền có chính sách rõ ràng, thông thoáng, chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn tư nhân; (6) Tinh thần chấp nhận mạo hiểm trong kinh doanh đang ngày càng tăng cao.
 
Chính sách phát triển AI của một số nước khác
 
Đứng trước sức mạnh vượt trội của Mỹ và tham vọng lớn của Trung Quốc, trong 1-2 năm gần đây, nhất là từ đầu năm 2018, các nước có trình độ công nghệ phát triển cao ồ ạt đưa các chính sách, chương trình lớn thúc đẩy phát triển AI:
 
- Anh: Ngày 26/4/2018, chính phủ Anh công bố chính sách liên kết với các đối tác ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản cùng tài trợ 1 tỷ bảng Anh đầu tư nghiên cứu AI ở Anh (trong đó chính phủ Anh đầu tư 700 triệu, tư nhân đầu tư 300 triệu). Mục tiêu đến 2025 sẽ đào tạo 1.000 tiến sĩ chuyên ngành AI, tập trung hỗ trợ 2 trường đại học hàng đầu về AI là Cambridge và Oxford; đào tạo 8.000 chuyên gia khoa học máy tính làm giáo viên các trường phổ thông cấp 2 của Anh. Một trong các trọng tâm nghiên cứu của Anh là tạo ra một khuôn khổ chung về đạo đức trong phát triển và triển khai các hệ thống AI.
 
- EU: Báo cáo ngày 25/4/2018 của Ủy ban châu Âu cho biết mong muốn tổng đầu tư của  khối công và tư đạt ít nhất 24 tỷ USD (20 tỷ euro) giai đoạn 2018-2020 cho phát triển AI để duy trì năng lực cạnh tranh và tránh chảy máu chất xám. Theo đánh giá, năm 2016, khối tư của EU có tổng đầu tư cho AI đạt 2,4-3,2 tỷ euro (châu Á gần 10 tỷ euro, Mỹ đạt 18 tỷ euro). Phó Chủ tịch EU, ông Andrus Ansip ví von “giống như tầm quan trọng trong quá khứ của động cơ hơi nước và điện, AI đang chuyển đổi thế giới của chúng ta”. Năm 2018, thông qua Quỹ “EU Horizon 2020”, Ủy ban sẽ đầu tư 1,8 tỷ USD (1,5 tỷ euro) cho nghiên cứu AI.
 
- Pháp: Ngày 29/3/2018, chính phủ Pháp công bố chiến lược phát triển AI quốc gia với mục tiêu đưa Pháp trở thành “AI hub” của khu vực. Tổng thống Macro nhận định rằng, AI sẽ tạo đột phá trong tất cả các mô hình kinh doanh khác nhau. Bản báo cáo về AI của chính phủ đánh giá: “Mỹ và Trung Quốc đang ở tuyến đầu công nghệ AI, trong khi Canada, Anh và nhất là Israel đang nắm những vị trí quan trọng trong hệ sinh thái AI đang nổi lên. Pháp và châu Âu có thể đã bị xem là “thuộc địa số” (cybercolonies) trong nhiều lĩnh vực”.Pháp sẽ đầu tư 1,8 tỷ USD (1,5 tỷ euro) cho nghiên cứu AI đến năm 2022. Pháp có niềm tin lớn vào lực lượng nhân tài nghiên cứu khoa học AI của mình vì có nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới đều đã mở các trung tâm nghiên cứu AI ở Pháp. Chính phủ Pháp sẽ đẩy mạnh dữ liệu mở của cả khối công và tư để tạo môi trường cho AI phát triển, nhất là các công ty start-up; quan tâm đến vấn đề đạo đức của AI, đảm bảo các bộ dữ liệu huấn luyện AI có ít sự thiên vị nhất.
 
- Canada: Chính phủ Canada đã nhận thấy tầm quan trọng của chính phủ trong đầu tư nghiên cứu AI trước nhiều nước khác và tháng 3/2017 đã cam kết đầu tư 125 triệu USD cho nghiên cứu AI. Mặc dù các trường đại học của Canada khá nổi tiếng về nghiên cứu AI nhưng có nhiều lo ngại rằng mức đầu tư như vậy chỉ như “muối bỏ bể” nếu muốn theo kịp Anh, Trung Quốc.
 
- Nhật Bản: AI đang nổi lên thành chủ đề trọng tâm nhất của chính phủ Nhật bản và khối tư nhân nhằm dẫn dắt sự thay đổi dựa trên công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh tương lai. Kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ lần thứ 5 (2016-2020) đã đặt ra mục tiêu Nhật Bản phải dẫn đầu chuyển đổi từ “Công nghiệp 4.0” sang “Xã hội 5.0” – nơi mà mọi khía cạnh của xã hội (không chỉ sản xuất và các ngành công nghiệp) được chuyển đổi bởi ICT. Tháng 4/2016, chính phủ Nhật thành lập Hội đồng Chiến lược công nghệ AI để xây dựng lộ trình phát triển và thương mại hóa AI. Nhật Bản ưu tiên ứng dụng AI để tăng năng suất (vì tỷ lệ già hóa dân số ngày càng cao), giao thông và y tế. Tháng 5/2017, Nhật Bản đã công bố bản Chiến lược phát triển công nghệ AI: ưu tiên nghiên cứu và phát triển (R&D) tập trung các lĩnh vực như năng suất, giao thông, y tế và chăm sóc sức khỏe. Chiến lược khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp, chính phủ và giới khoa học để thúc đẩy nghiên cứu AI; nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực làm việc với AI. Nhật Bản cũng công bố Chiến lược tái sinh Nhật Bản 2017, trong đó nêu cụ thể việc thúc đẩy phát triển AI cho y tế từ xa, xe tự lái nhằm đối phó với áp lực thiếu công nhân trong ngành logistic. Ngân sách năm 2018 của chính phủ đầu tư cho AI là 77,04 tỷ yên (hơn 700 triệu USD), mặc dù cao hơn 30% so với năm 2017, vẫn bị coi là không thấm tháp gì so với đầu tư của Mỹ và Trung Quốc.
 
- Hàn Quốc: Mặc dù rất nổi tiếng về công nghiệp ICT nhưng trước năm 2016, Hàn Quốc đầu tư không nhiều vào AI vì luật bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc rất chặt chẽ nên các công ty Hàn Quốc không có đủ dữ liệu lớn cho phát triển AI. Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2015, Hàn Quốc chiếm 3,2 % thị phần thị trường AI toàn cầu. Sự kiện lịch sử đầu năm 2016, khi kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới người Hàn Quốc Lee Se-dol thua Alpha Go - phần mềm AI chơi cờ vây của Google ngay tại Seoul đã gây sốc cho nhiều người Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc nhận ra tiềm năng to lớn của AI và ngay lập tức công bố bố khoản đầu tư 1.000 tỷ won (863 triệu USD) cho nghiên cứu phát triển AI trong giai đoạn 2016-2020, tăng 55% hằng năm so với giai đoạn trước. Chính phủ sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu quốc gia hàng đầu về AI tập hợp sự tham gia của các công ty: Samsung, LG Electronics, SKT, KT, Naver và Huyndai Motor, mỗi công ty có kế hoạch đầu tư 3 tỷ won xây viện nghiên cứu. Sau khi các công ty thành lập các viện nghiên cứu, chính phủ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu AI trọng điểm. Tháng 2/2017, Bộ Khoa học, ICT và Hoạch định tương lai đã công bố kế hoạch chuẩn bị cho Hàn Quốc có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ AI.
 
- Israel: Với danh tiếng quốc gia khởi nghiệp, năm 2017, Israel là quốc gia được xếp thứ 3 thế giới về chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Năm 2017, các công ty start-up công nghệ của Israel tiếp tục thu hút tới 5,24 tỷ USD của các nhà đầu tư, tăng 9% so với năm 2016, trong đó có khoảng 20% đầu tư trực tiếp vào các công ty chuyên về AI. Đáng chú ý là xu hướng gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Israel giai đoạn 2013-2017, đạt khoảng 600 triệu USD năm 2017. Năm 2016, CB Insight đã đưa 7 công ty của Israel vào danh sách những công ty AI tiềm năng nhất thế giới. 430 công ty start-up về AI của Israel có giá trị khoảng 3,5 tỷ USD.
 
­- Ấn Độ: Theo đánh giá của Accenture, AI có tiềm năng gia tăng 957 tỷ USD, nghĩa là tăng 15% GDP cho nền kinh tế Ấn Độ vào năm 2035. Mặc dù có nguồn nhân lực phần mềm đông đảo, chất lượng cao nhưng Ấn Độ được xem là chậm hơn trong cuộc đua về AI với láng giềng Trung Quốc. Ngay sau khi Trung Quốc công bố tham vọng phát triển AI, tháng 8/2017, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã thành lập Nhóm đặc biệt (Task Force) về AI nhằm chuyển đổi nền kinh tế Ấn Độ. Mới đây, nhóm đặc biệt này đã công bố báo cáo đánh giá toàn diện về AI đối với Ấn Độ, trong đó chỉ ra 10 lĩnh vực trọng tâm: sản xuất, công nghệ tài chính (fintech), y tế, nông nghiệp, hỗ trợ người khuyết tật, an ninh quốc gia, môi trường, dịch vụ công, bán lẻ & quan hệ khách hàng, giáo dục. Đầu năm 2018, NITI Aayog (Học viện quốc gia chuyển đổi Ấn Độ) cho biết sẽ xây dựng chương trình quốc gia phát triển AI, CPS (các hệ thống vật lý-ảo trong sản xuất thông minh) và 5G. Bộ trưởng Tài chính cho rằng, các chương trình quốc gia như Start Up India, Make in India Digital India sẽ giúp Ấn Độ trở thành xã hội số và tri thức. Chính phủ sẽ tăng gấp đôi ngân sách năm 2018-2019 cho chương trình Digital India 30,7 tỷ Rs (408 triệu USD).
 
- Singapore: Tháng 5/2017, chính phủ Singapore công bố “Chương trình quốc gia phát triển AI” với khoản đầu tư 150 triệu USD trong 5 năm nhằm tăng cường năng lực nền kinh tế số tương lai của đảo quốc. Cơ quan nghiên cứu quốc gia (NRF) thiết lập cổng AI.SG làm nơi hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, start-up… thúc đẩy phát triển AI. AI.SG (nay là AI Singapore) có 3 nhiệm vụ chính: (1) Ứng dụng AI để giải quyết những thách thức chủ yếu đang ảnh hưởng đến xã hội và các ngành công nghiệp (ví dụ: giảm tắc nghẽn giao thông, chăm sóc sức khỏe khi già hóa dân số…); (2) Tăng cường năng lực nghiên cứu chuyên sâu để bắt kịp làn sóng đổi mới sáng tạo khoa học tiếp theo; (3) Mở rộng sự chấp nhận và ứng dụng AI trong các ngành công nghiệp (tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm mới, dịch thuật, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu…).
 
- Nga: Tháng 9/2017, Tổng thống Putin đã so sánh công nghệ AI có tầm quan trọng như công nghệ hạt nhân. Ông bình luận “AI là công nghệ tương lai của loài người. Nước nào dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này sẽ trở thành bá chủ thế giới”. Tuy nhiên, đầu tư hằng năm của chính phủ cho AI còn khiêm tốn, chỉ 700 triệu rub (12,5 triệu USD). Thậm chí nếu khối tư nhân tăng đầu tư lên 28 tỷ rub (500 triệu USD) vào năm 2020 thì vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với Mỹ và Trung Quốc. Đầu tư của chính phủ cho nghiên cứu AI sẽ tăng trong những năm tới nhưng chỉ tập trung ứng dụng AI trong quân sự nhằm tránh tụt hậu về công nghệ quân sự với Mỹ và các quốc gia phát triển.
 
- Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE): Tháng 10/2017, UAE trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Trung Đông ban hành Chiến lược của UAE cho AI (tháng 9/2017, UAE ban hành Chiến lược của UAE cho CMCN 4.0), tập trung phát triển và ứng dụng AI trong 9 lĩnh vực: vận tải (giảm chi phí vận hành), y tế, vũ trụ, năng lượng tái tạo, nước, công nghệ, giáo dục, môi trường và giao thông (giảm tai nạn và tắc nghẽn). Chiến lược AI góp phần thực hiện tầm nhìn đưa UAE thành quốc gia tốt nhất thế giới vào năm 2071 (UAE Centennial 2071). Một số mục tiêu chiến lược AI vào năm 2030: tăng 14% GDP, tiết kiệm 50% chi phí giao dịch hằng năm của chính quyền, giữ vững kinh tế 90% trước các khủng hoảng tài chính. UAE là quốc gia đầu tiên trên thế giới bổ nhiệm ông Omar Bin Sultan Al Olama, 27 tuổi, trở thành Bộ trưởng Trí tuệ nhân tạo. Vai trò chính của Bộ Trí tuệ nhân tạo và đầu tư các công nghệ và công cụ AI tiên tiến trong các lĩnh vực và tăng cường hiệu quả hoạt động của chính quyền; phối hợp với Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Nghiên cứu Khoa học để đưa AI vào chương trình học quốc gia; xây dựng và triển khai luật pháp về AI.
 
Lời kết
 
Những tiến bộ của AI mà chúng ta được chứng kiến hiện nay chủ yếu thuộc về học máy, học sâu trong những lĩnh vực chuyên ngành riêng biệt (AI hẹp) như xử lý hình ảnh, giọng nói, ngôn ngữ tự nhiên, chơi cờ, dự báo, xe tự lái… Điều kiện cần thiết để phát triển AI là sức mạnh tính toán, thuật toán tiên tiến và nguồn dữ liệu lớn có chất lượng để huấn luyện thuật toán AI. Trong đó, dữ liệu được đánh giá là cực kỳ quan trọng (Nếu AI được ví như tên lửa thì thuật toán là động cơ còn dữ liệu là nhiên liệu đốt của tên lửa). Nguồn nhân lực AI đang thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến cuộc đua tranh giành nhân tài AI đang diễn ra trên toàn cầu. Các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, Trung Quốc, Ấn Độ… đều xây dựng chiến lược, chính sách đầu tư lớn nhằm dẫn đầu hoặc tránh tụt hậu trong phát triển và ứng dụng AI, một mặt phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, sức mạnh quân sự, chính trị, đồng thời cố gắng hạn chế những mặt trái của AI như làm gia tăng mất việc làm, gây hại cho con người (cần chuẩn mực đạo đức AI), gia tăng sự thiên vị và bất bình đẳng trong xã hội, vi phạm dữ liệu cá nhân…[9]. Tương lai của thế giới cần được phát triển theo hướng tích cực, tốt đẹp là AI hỗ trợ và cùng làm việc với con người (AI for Good): sẽ có những công việc mới liên quan đến phát triển AI, những công việc mất đi do AI (tự động hóa) phần lớn sẽ là những việc lặp đi lặp lại, những việc thiếu sáng tạo và những việc không cần kỹ năng mềm. Con người sẽ được giải phóng khỏi những công việc đó và tập trung vào phát triển những kỹ năng mang tính “người” nhất như sáng tạo, kỹ năng mềm… và sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau (AI for All).
 
Ở Việt Nam, những năm gần đây, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp ICT đã thực hiện nhiều nghiên cứu và ứng dụng AI trong thực tế như nhận dạng hình ảnh (camera giao thông, an ninh), xử lý ngôn ngữ tiếng Việt, xe tự lái, lọc tin nhắn rác, đảm bảo an toàn thông tin… Một số công ty thành lập các trung tâm chuyên nghiên cứu AI, thiết lập AI platform với những mô-đun chuẩn sẵn có để hình thành hệ sinh thái AI cho các bên tham gia cùng phát triển… Nhiều công ty start-up về AI mới hình thành có những sản phẩm khá hứa hẹn, đặc biệt có sự tham gia của những nhân tài AI người Việt được đào tạo bài bản ở các nước mạnh về AI. Theo đánh giá năm 2017 của McKinsey [11] về mức độ chấp nhận công nghệ AI vào các ngành của các nước ASEAN, lĩnh vực công nghệ cao và viễn thông của Việt Nam có mức độ chấp nhận AI tương đối cao, tiếp theo là các dịch vụ tài chính, truyền thông và giải trí, bán lẻ, y tế. Tuy nhiên, các ngành khác có mức độ chấp nhận AI khá thấp như sản xuất, vận tải và logistics, giáo dục, xây dựng và vật liệu, du lịch.
 
Ở góc độ chính sách, từ năm 2014, công nghệ AI đã được đưa vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã xác định công nghệ AI là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc CMCN 4.0, cần tổ chức triển khai nghiên cứu nhưng chưa có những nội dung cụ thể thúc đẩy phát triển AI. Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3/2018 đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá tác động và xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc CMCN 4.0. Hy vọng rằng, trong quá trình xây dựng Chiến lược, công nghệ AI sẽ được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng để hình thành những chiến lược, lộ trình, giải pháp cụ thể phát triển và ứng dụng AI phù hợp nhất với thực tế và tiềm năng của Việt Nam./.
 
Tài liệu tham khảo chính:

[1] https://ainowinstitute.org/AI_Now_2017_Report.pdf
[2]Gartner Says Global Artificial Intelligence Business Value to Reach $1.2 Trillion in 2018, April 2018.

[3] https://www.pwc.com/gx/en/issues/analytics/assets/pwc-ai-analysis-sizing-the-prize-report.pdf
[4] https://www.accenture.com/sg-en/company-news-release-artificial-intelligence-poised
[5] https://www.accenture.com/in-en/insight-ai-economic-growth-india
[6] https://www.nitrd.gov/pubs/national_ai_rd_strategic_plan.pdf
[7] https://www.fhi.ox.ac.uk/wp-content/uploads/Deciphering_Chinas_AI-Dream.pdf
[8] 6 reasons why China will lead in AI, Fobres, Nov 2017.
[9] Klaus Schwab, Shaping the Fourth Industrial Revolution, World Economic Forum, March 2018.
[10] http://www.thesaigontimes.vn/272400/khong-nen-chi-tap-trung-phan-tich-con-so-gdp.html
[11] Các tài liệu của McKinsey Global Institute.