Tọa đàm báo chí trong môi trường truyền thông số và ra mắt bộ sách nghiệp vụ báo chí

Nhân dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 năm 2018 (diễn ra từ ngày 18/4 – 22/4/2018 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội), Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức buổi Tọa đàm báo chí trong môi trường truyền thông số và giới thiệu tới bạn đọc bộ sách nghiệp vụ báo chí có giá trị.

20180416-l1.jpg

Bộ sách nghiệp vụ báo chí của NXB TT&TT giới thiệu tới bạn đọc nhân dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ V năm 2018

Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ kỹ thuật và công nghệ số hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Chính kỹ thuật và công nghệ số là yếu tố có vai trò quyết định tính chất môi trường truyền thông số với đặc tính nổi trội là khả năng siêu kết nối. Môi trường truyền thông số đã và đang làm thay đổi mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế đến giáo dục, y tế hay an sinh xã hội...
 
Môi trường truyền thông số đã và đang tạo những cơ hội vàng cho truyền thông - giao tiếp xã hội. Truyền thông xã hội và mạng xã hội phát triển chưa từng có; phương tiện truyền thông mới, truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm lên ngôi, đang hình thành các khái niệm mới như công chúng chủ động, truyền thông đa chiều. Tình hình này buộc báo chí phải nhanh chóng thay đổi theo hướng kết nối xã hội để lấy lại vị thế chủ đạo và chiếm lĩnh công chúng/khách hàng, nhằm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ tuyên truyền chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó cũng như phát triển sự nghiệp báo chí - truyền thông.
 
Vấn đề cơ bản để báo chí Việt Nam trong môi trường truyền thông số có thể thích ứng và thể hiện hiệu quả bản chất xã hội của mình là phương tiện và phương thức kết nối xã hội, chính là làm giàu thêm hệ kiến thức nền tảng văn hóa thì sách là phương thức hiệu quả nhất có thể giúp chúng ta. Đọc sách và lướt web đều là hai hành vi tiếp nhận sản phẩm truyền thông, nhưng kết quả rất khác nhau. Văn hóa đọc giúp chúng ta hình thành tốt hơn các luận điểm, luận cứ, luận chứng và chính những yếu tố này giúp ích rất nhiều cho nhà báo chính luận trong phân tích và đánh giá các sự kiện và vấn đề thời sự đã và đang diễn ra trong đời sống hằng ngày. Công chúng, thế hệ trẻ và giới báo chí - truyền thông Việt Nam trong môi trường truyền thông số tạo mối quan hệ và kết nối thường xuyên với sách sẽ có thể giúp tăng nhanh vốn tri thức trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước nói chung, sự nghiệp phát triển báo chí – truyền thông nói riêng.
 
Buổi Tọa đàm báo chí trong môi trường truyền thông số với sự tham gia của diễn giả PGS, TS Nguyễn Văn Dững, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam), nguyên Trưởng khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS Nguyễn Quang Hòa, Giảng viên Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô vào lúc 10h30 ngày 18/4/2018 tại Sân khấu trung tâm - Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ V (Công viên Thống Nhất).
 
Mặt khác, hiểu rõ được tầm quan trọng của việc đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành báo chí hiện nay, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0; trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam lần thứ V, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với các chuyên gia, học giả hàng đầu về báo chí, truyền thông cho ra mắt bạn đọc Bộ sách nghiệp vụ báo chí gồm 22 đầu sách: Dấu ấn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc; Cơ sở lý luận báo chí; Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản; Biên tập ngôn ngữ sách và báo chí; Một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại; Tổ chức hoạt động cơ quan báo chí: Thực tiễn và xu hướng phát triển; Phóng sự báo chí - Lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm; 11 bí quyết để thành nhà báo giỏi; Nghệ thuật ứng xử của nhà báo - Con đường ngắn nhất đến thành công; Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại; Thông tấn báo chí: Lý thuyết và kỹ năng; Luật Báo chí; Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành; Biên tập báo chí; Các loại hình báo chí, truyền thông; Chuyện đời làm báo; Phản biện xã hội của tác phẩm báo chí Việt Nam qua một số sự kiện nổi bật; Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? Kinh nghiệm của báo Wiener Zeitung (Cộng hòa liên bang Áo); Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam; Thuật làm báo - sách thực hành; Một số nội dung cơ bản về nghiệp vụ báo chí, xuất bản (Tài liệu bồi dưỡng chức danh Biên tập viên, Phóng viên); Từ điển thuật ngữ báo chí, xuất bản Anh - Nga - Việt.
 
Bộ sách nghiệp vụ báo chí ra mắt bạn đọc không chỉ góp phần cung cấp những kiến thức cơ bản, hệ thống về cơ sở lý luận - thực tiễn báo chí - truyền thông đương đại, nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận và ý thức tự giác về nghề nghiệp báo chí cho người học mà còn hướng dẫn cách khai thác, tiếp cận nguồn tin để giúp người học làm chủ phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, kích thích năng lực tư duy sáng tạo, ứng dụng thực tiễn của người học trong môi trường báo chí - truyền thông hiện nay. Bên cạnh đó, việc trau dồi, hoàn thiện kỹ năng về ngôn ngữ báo chí sẽ tạo ra những “ngòi bút sắc sảo” với những tác phẩm đầy tính thuyết phục. Bộ sách nghiệp vụ báo chí kết hợp cả hai yếu tố lý thuyết và thực hành chắc chắn giúp ích rất nhiều không chỉ cho các nhà báo trẻ mà còn cả những độc giả quan tâm đến truyền thông trong việc phân tích và đánh giá các sự kiện và vấn đề thời sự đã và đang diễn ra, biến động không ngừng trong đời sống hằng ngày.

Tọa đàm cũng sẽ có sự giao lưu sôi nổi giữa các diễn giả và độc giả quan tâm đến lĩnh vực báo chí - truyền thông.