Kiểm soát sử dụng thuốc lá ở Việt Nam: cần hành động mạnh mẽ hơn nữa

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện số người hút thuốc ở nam giới tuổi trưởng thành khoảng 15 triệu, chiếm khoảng 42,7%, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có 1 người hút thuốc. Việt Nam có hơn 40.000 người chết mỗi năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
 
Nhận thức rõ nguy cơ của thuốc lá đối với vấn đề sức khỏe của cộng đồng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chương trình, biện pháp để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá, hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường không khói thuốc, góp phần giảm bệnh tật, nâng cao sức khỏe cho người dân.
 
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt được tiến bộ ban đầu trong kiểm soát thuốc lá với việc thông qua luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2012, trong đó có quy định việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá nhận được nguồn tài chính từ các khoản đóng góp bắt buộc từ các công ty thuốc lá quy định từ 1% đến 2% giá xuất xưởng hoặc giá nhập khẩu. Các chiến dịch truyền thông và những nỗ lực đa dạng khác nhằm thực hiện quy định Luật đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ.
 
Cuộc khảo sát GATS năm 2015 cho thấy từ năm 2010 đến năm 2015, tỷ lệ hút thuốc đã giảm ở nam giới trong khu vực đô thị, từ 47,4 xuống còn 42,4% và tiếp xúc với khói thuốc lá đã giảm ở tất cả các môi trường (trong nhà ở: 73,1% còn 59,9%; nơi làm việc trong nhà: 55,9% còn 42,6% và trên các phương tiện giao thông công cộng: từ 34,4% còn 19,4%).
 
Tuy nhiên, dù đã có giảm nhưng tỷ lệ hút thuốc trong nam giới hiện vẫn còn rất cao, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Theo Khảo sát thuốc lá toàn cầu dành cho người trưởng thành (GATS), năm 2015, tỷ lệ người hút thuốc lá trong nhóm nam giới trưởng thành tại Việt Nam vẫn rất cao, 45,3%, và có tới hơn 15,6 triệu người đang hút thuốc. Đồng thời, các tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đang ngày càng rõ rệt với số người mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch và ung thư do thuốc lá ngày càng gia tăng nhanh chóng.
 
Bên cạnh những ảnh hưởng về sức khỏe, hậu quả kinh tế của các bệnh do sử dụng thuốc lá cũng rất nghiêm trọng. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế cho thấy, năm 2011, tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do sử dụng thuốc lá gây ra ở Việt Nam là hơn 1,1 tỷ USD mỗi năm.
 
Nỗ lực từ Chính phủ và cộng đồng xã hội đã bước đầu làm chuyển biến nhận thức và hành vi về vấn đề sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, kết quả trên thực tế còn nhiều hạn chế và công cuộc kiểm soát phòng ngừa tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe nhân dân còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể, cá nhân trong công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá.
 
Thuốc lá làm gia tăng đói nghèo
 
Thứ nhất, ở các hộ gia đình nghèo, sử dụng thuốc lá lấy đi một phần ngân sách hộ gia đình mà lẽ ra đã có thể dùng cho những tiêu dùng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, giáo dục, mua sắm tư liệu sản xuất…, là những điều kiện cần thiết giúp họ giảm nghèo.
 
Thứ hai, người nghèo sử dụng thuốc lá dễ mắc bệnh hơn do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe hạn chế. Khi mắc bệnh, do áp lực kinh tế, họ thường có xu hướng bỏ qua những dấu hiệu sớm của bệnh và chỉ quan tâm khi mọi chuyện đã trở nên quá muộn. Việc điều trị các bệnh như ung thư, tim mạch ở giai đoạn muộn thường có kết quả rất hạn chế, vô cùng tốn kém và thường vượt quá khả năng kinh tế của phần lớn các bệnh nhân nghèo.
 
Thứ ba, sự suy giảm khả năng lao động, sự thiếu vắng lực lượng lao động chính do ốm đau, mất sớm khiến cho thu nhập của các hộ gia đình ngày càng suy giảm, gánh nặng cơm áo rơi vào phụ nữ và trẻ em. Những đứa trẻ trong những gia đình này sẽ phải bỏ học để bắt đầu lao động kiếm sống từ rất sớm và một vòng xoáy nghèo đói mới lại bắt đầu.