Tỉnh Hà Giang: Sơ kết công tác phòng chống tác hại của thuốc lá

Là tỉnh có tỷ lệ hút thuốc lá khá cao và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại và ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe, đời sống kinh tế và môi trường và đặc biệt là gây ra các căn bệnh nguy hiểm chết người, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), xây dựng môi trường không khói thuốc của Hà Giang được Ban chỉ đạo PCTHTL của tỉnh chú trọng.

tl2017-38.jpg
Pa nô tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá tại TP Hà Giang
 
Ngày 3.11, Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống tác hại thuốc lá 9 tháng đầu năm.
 
Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm, BCĐ phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh đã ban hành 11 công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Một số sở, ngành đã tổ chức thực hiện theo ngành dọc như Sở Giáo dục – Đào tạo, Công an tỉnh. BCĐ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 349 về việc triển khai một số nội dung hoạt động trọng tâm về phòng, chống tác hại thuốc lá. BCĐ các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá…
 
Công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đài PTTH tỉnh đã phát sóng được 6 tin hoạt động, 1 phóng sự, 1 chuyên mục sức khỏe và 5 thông điệp sport được phát sóng 240 lần trên Đài PTTH tỉnh và đài TTTH các huyện, thành phố. Báo Hà Giang đã đăng tải 11 tin, 8 bài. Trang thông tin điện tử ngành y tế đăng 11 tin, 10 bài, Bản tin Sức khỏe của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe cũng đăng tải nhiều tin, bài về hoạt động tuyên truyền hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.
 
BCĐ cũng nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá in ấn được 30.000 tờ rơi, 1.000 áp phích cấp phát cho các cơ quan và 195 xã, phường, thị trấn. Thiết kế, lắp đặt 3 pa nô lớn tại thành phố Hà Giang; in 88 pa nô nhỏ và 5.000 biển mica “Cấm hút thuốc lá” cấp phát cho 578 đơn vị trong toàn tỉnh. Một số đơn vị dựa vào nguồn kinh phí tự chủ đã in ấn, treo 28 pa nô, 1.570 biển “Cấm hút thuốc lá”.
 
Trong công tác truyền thông trực tiếp, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, UBND các xã tổ chức được 8 buổi truyền thông tại các chợ phiên; 2 buổi truyền thông tại Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao thông – Vận tải; tổ chức 2 cuộc thi phòng, chống tác hại thuốc lá cho học sinh trường PTDT Nội trú trường THPT chuyên, 1 cuộc thi cho 10 trường THCS của huyện Quản Bạ… BCĐ các huyện, thành phố đã tổ chức truyền thông tại chợ phiên được 78 lần cho khoảng 23.400 lượt người nghe; truyền thông trực tiếp tại các cơ quan, trường học 104 buổi cho 14.000 lượt người nghe. Bên cạnh đó, BCĐ tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá của các sở, ban, ngành, cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế…
 
Đến nay, hầu hết các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều đã triển khai thực hiện Luật và thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL, chỉ đạo thực hiện công tác PCTHTL của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Nhiều sở, ngành, địa phương đã xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc. Đồng thời tổ chức treo dán tranh ảnh, băng biển, khẩu hiệu tuyên truyền về PCTHTL. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được và những thuận lợi công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá ở Hà Giang cũng gặp không ít khó khăn.
 
Theo ông Nguyễn Lê Hồng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Hà Giang: “Công tác PCTH thuốc lá đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhưng số người sử dụng thuốc lá, đặc biệt là dưới dạng thuốc lào còn rất cao, do người dân trong tỉnh chưa ý thức được tác hại của thuốc lá. Hơn nữa, số người này tập chung khá cao ở người dân thiểu số - sử dụng ngôn ngữ địa phương (như Tày, Dao, H’Mông, Lô Lô) nên việc tiếp cận truyền thông bằng tiếng Việt còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí do trung ương cấp giải ngân muộn, nên khó thực hiện các hoạt động đúng tiến độ kế hoạch giao. Hơn nữa, kinh phí chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện các hoạt động, tỉnh chưa có nguồn kinh phí cho hoạt động PCTH thuốc lá”.
 
Để việc thực thi Luật PCTHTL có hiệu quả, thời gian tới, Ban Chỉ đạo PCTHTL tiếp tục tăng cường việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và môi trường không khói thuốc. Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá. Tăng cường năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá… Ban chỉ đạo PCTHTL yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe con người; phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTHTL; duy trì kết quả xây dựng mô hình “Môi trường không khói thuốc lá” tại các cơ quan hành chính, các đơn vị trường học, các cơ sở y tế, nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc: Các Sở, ban, ngành cần nỗ lực hơn nữa trong công tác PCTHTL, xây dựng nội quy, quy định cấm hút thuốc lá thành quy chế của cơ quan, đơn vị, đưa quy định này vào công tác thi đua khen thưởng cùng với đó, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu cùng thực thi.