Khối Thông tin triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018

Sáng ngày 20/12, tại Hà Nội, Cục Báo chí; Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Thông tin đối ngoại; Cục Thông tin cơ sở (gọi tắt là Khối Thông tin) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Tới dự và phát biểu tại Hội nghị có Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo và Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng; cùng dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT.

20171220-l1.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Báo chí: Tính đến tháng 12/2017 cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 185 cơ quan báo chí in, 664 tạp chí in, 195 báo, tạp chí điện tử (171 cơ quan báo chí in thực hiện loại hình báo điện tử). Tổng doanh thu trong lĩnh vực báo chí gần 12.000 tỷ đồng, trong đó, tổng doanh thu trong lĩnh vực báo chí in và điện tử đạt khoảng 2.600 tỷ đồng. Cả nước hiện có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ.
 
Trong năm 2017 vừa qua, Cục Báo chí đã tổ chức và quản lý thông tin báo chí, giúp cho các cơ quan báo chí chủ động trong công tác tuyên truyền, đấu tranh có hiệu quả với những tiêu cực; phản ánh sinh động, khách quan hiện thực của cuộc sống, đồng thời hạn chế thông tin báo chí có tác động tiêu cực trong xã hội. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước cũng như tình hình quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Đặc biệt, báo chí đã tích cực tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Hội nghị TW khóa XII, các Nghị quyết và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, nhất là việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2016-2025…. Báo chí đã thông tin toàn diện và kịp thời về các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, Quốc khánh 2/9, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-liệt sĩ, 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga; 50 năm Ngày thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam tham gia ASEAN, đặc biệt là năm APEC 2017 tại Việt Nam; nhiều cơ quan báo chí đã tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí...
 
Đồng thời, Cục Báo chí được giao chủ trì xây dựng các Nghị định số 08/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định về lưu chiểu điện tử đối với báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; hoàn thiện và trình Chính phủ về "Chiến lược thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng; Cục phối hợp với Viện Chiến lược tiếp tục hoàn thiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025...
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Cục Báo chí cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điển như: Tình trạng thông tin sai sự thật tiếp tục diễn ra. Nhiều thông tin sai được lây lan bởi các báo, trang tin điện tử tổng hợp đăng lại, gây tác động xấu trong xã hội; Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chậm khắc phục, tập trung nhiều ở các tạp chí điện tử. Nội dung thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều bài viết phản ánh về cái xấu, tiêu cực, mặt trái xã hội chỉ dừng lại ở mức độ đưa tin, không thể hiện quan điểm phê phán, đấu tranh, chỉ ra cái sai; Tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí tiếp tục gia tăng, nhất là đối với báo điện tử. Việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo để dọa dẫm, sách nhiễu, vụ lợi vẫn diễn ra ở nhiều nơi, tập trung ở khối báo chí thuộc các tổ chức hội, nghề nghiệp...
 
Cũng trong năm 2017, Cục Báo chí đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 27 trường hợp; thu hồi 10 thẻ nhà báo, 1 giấy phép hoạt động báo chí, 1 giấy phép hoạt động đối với chuyên trang của báo điện tử; đình bản tạm thời 5 trường hợp, trong đó 4 trường hợp bị đình bản 3 tháng; tiến hành thanh tra 6 cơ quan báo chí, hiện Cục đã hoàn thành kế hoạch thanh tra đối với 5 cơ quan báo chí…
 
Theo kế hoạch, trong năm 2018, Cục Báo chí sẽ triển khai nhiều nội dung trọng tâm như: Chỉ đạo, hướng dẫn phát triển sự nghiệp báo in, báo điện tử trong cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 sau khi Chính phủ ký ban hành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Rà soát tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí, tiến tới đổi giấy phép trên toàn quốc khi thực hiện Đề án Quy hoạch báo chí; Triển khai có hiệu quả hoạt động của Trung tâm Lưu chiểu báo điện tử và hỗ trợ báo chí…
 
Đối với lĩnh vực Phát thanh - Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), trong năm 2017, Cục PTTH&TTĐT đã tiếp nhận 4751 văn bản đến, 3060 hồ sơ đề nghị cấp phép và văn bản trả lời góp ý, phát hành 2130 văn bản đi, 245 quyết định, 68 văn bản mật… Đã đạt được kết quả bước đầu trong việc đấu tranh với các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để ngăn chặn hàng ngàn link nội dung xấu độc. Đặc biệt, bước đầu xác lập được phương thức quản lý quảng cáo trên mạng và sử dụng được công cụ này để gây sức ép hiệu quả đối với mạng xã hội nước ngoài. Đạt được thỏa thuận với Apple và Google để yêu cầu gỡ bỏ một số game lậu, game vi phạm pháp luật trên App Store và Google Play, tạo công bằng giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trong nước với doanh nghiệp xuyên biên giới. Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu được một số cơ chế chính sách để giảm dần, chấm dứt bảo hộ ngược trong công tác quản lý nhà nước về thông tin điện tử.
 
Lĩnh vực PTTH&TTĐT đã có bước tiến mới trong xử lý vi phạm về bản quyền phục vụ công tác quản lý về bản quyền nội dung truyền hình trên môi trường mạng nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bản quyền nội dung tuyền hình trên môi trường mạng, qua đó hạn chế, ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền. Công bố danh sách đen 88 web thường xuyên có phim lậu, vi phạm bản quyền. Đồng thời, Cục đã hoàn thành cơ bản việc cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho các công ty truyền hình cáp nhỏ (trước chưa đủ điều kiện cấp phép thiết lập mạng hạ tầng), bổ sung số lượng thuê bao truyền hình trả tiền có nộp phí cho Nhà nước (tăng từ gần 13 triệu lên xấp xỉ 14 triệu). Tổng doanh thu thuê bao của thị trường truyền hình trả tiền năm 2017 ước đạt 8.000 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, Cục đã triển khai khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài về hoạt động phát thanh, truyền hình, trong đó tập trung học tập kinh nghiệm về cơ chế quản lý giá bản quyền truyền hình giải bóng đá ngoại hạng Anh Premier League tại Singapore vào tháng 9/2017.
 
Về cung cấp, quản lý dịch vụ, dịch vụ sự nghiệp công: Trung tâm Đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã cung cấp dịch vụ Vietnam-Tam ở quy mô lớn. Tổng số mẫu đo đặt tại các hộ dân đã lên tới 1.400 bộ, gần ngang bằng với Kantar Media. Đã triển khai mở rộng dự án đo tại Đà Nẵng, Cần Thơ và một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực đo lường khán giả xem truyền hình đối với các kênh thiết yếu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ…
 
Song song với các hoạt động trên, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được Cục rất coi trọng và triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể,  Cục đã thanh tra việc chấp hành pháp luật tại 6 tổ chức, doanh nghiệp; làm việc với 43 đại diện các công ty, tổ chức, đơn vị; ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 1,150 tỷ đồng…
 
Trong năm 2018, Cục PTTH&TTĐT có một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PTTH&TTĐT, đáng chú ý là sẽ thực sự đổi mới trong giảm bớt thủ tục hành chính trong khâu cấp phép, hướng tới có thể cho đăng ký/cấp phép được cả các doanh nghiệp xuyên biên giới. Bên cạnh đó sẽ tăng cường việc tiếp cận, xử lý những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước từ việc nắm được và xử lý được các mối quan hệ kinh tế…
 
Đối với lĩnh vực thông tin đối ngoại (TTĐN): Trong năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan cùng với sự cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Cục TTĐN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành công chung của Bộ TT&TT. Theo đó, Cục đã triển khai thực hiện Quyết định 1095/QĐ-BTTTT của Bộ TT&TT về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cục TTĐN đã xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người ở Việt Nam”; Báo cáo kết quả triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược TTĐN giai đoạn 2013 – 2020; Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng giao về phương hướng tăng cường công tác TTĐN với Campuchia giai đoạn 2017 – 2020; Triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án Tăng cường công tác TTĐN với Lào trong tình hình mới; Công tác tuyên truyền biển, đảo, chủ quyền an ninh biên giới: Triển khai thực hiện kết quả cuộc họp xử lý việc Facebook sử dụng dịch vụ bản đồ trực tuyến có nội dung sai lệch về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Công tác tuyên truyền về thành tựu nhân quyền, đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch...
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, Cục TTĐN cũng chỉ ra những mặt hạn chế, khuyết điển cần khắc phục như: Công tác TTĐN của các cơ quan báo chí, thông tấn, nhất là báo điện tử khai thác thông tin từ nguồn báo chí nước ngoài, trên mạng xã hội thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu nhạy cảm chính trị; các bài viết đấu tranh, phản bác vẫn còn ít; việc nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thông TTĐN của nhiều cán bộ ở TW và địa phương còn chưa đầu đủ, chưa sâu sắc…
 
Trong năm 2018, Cục TTĐN tập trung triển khai Quy hoạch báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trọng tâm là xây dựng Đề án Thí điểm hỗ trợ phát triển 1 tờ báo (tạp chí) in và 1 báo điện tử của người Việt Nam khu vực trọng điểm ở nước ngoài; Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả TTĐN của cơ quan báo chí và văn phòng thường trú báo chí Việt Nam ở nước ngoài; Tiếp tục thực hiện cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền cho báo chí, các địa phương, thực hiện 2 báo cáo Điểm dư luận báo chí nước ngoài về Việt Nam và Nhận xét TTĐN trên báo chí; Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Kho dữ liệu truyền thông số News.Vietnam.vn nhằm nâng cao hiệu quả công tác TTĐN; Nghiên cứu xây dựng đề án xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp nội dung TTĐN cho báo chí…
 
Trong lĩnh vực Thông tin cơ sở, trong năm qua, công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở đã được tăng cường một bước. Cục Thông tin Cơ sở đã tham mưu lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh đến năm 2020”; Đề án “Quản lý, phát triển hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện”; đẩy mạnh công tác xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về thông tin cơ sở được chú trọng và đang dần hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển. Công tác chỉ đạo, định hướng và cung cấp nội dung thông tin cho hệ thống thông tin cơ sở và hệ thống đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện được thực hiện thường xuyên, có hệ thống trên tất cả các nhiệm vụ tuyên truyền của Bộ.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về thông tin cơ sở còn thiếu nhiều hoặc chậm được thay đổi với thực tiễn phát triển, một số hoạt động cụ thể còn chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước chưa được phân định rõ (ví dụ như quản lý bảng tin điện tử…). Nguồn lực dành cho phát triển hệ thống thông tin cơ sở còn thiếu, chậm được đổi mới, đặc biệt là chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở hầu như chưa có gì thay đổi. Chưa đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, cung cấp thông tin trên hệ thống thông tin cơ sở…
 
Theo kế hoạch năm 2018, Cục Thông tin Cơ sở sẽ tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án thuộc lĩnh vực thông tin cơ sở, trọng tâm là tập trung xây dựng nghị định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện, quy định khen thưởng đối với đơn vị hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện; Xây dựng các văn bản quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực thông tin cơ sở do Bộ TT&TT ban hành; Nghiên cứu, đề xuất các chính sách ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc tổ chức, quản lý các hoạt động thông tin, tuyên truyền ở cơ sở; Tổ chức thực hiện các đề án, dự án thông tin tuyên truyền ở cơ sở…
 
20171220-l2.jpg
 
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đã biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của Khối Thông tin trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có nhiều tiến bộ; Sự phối hợp của các đơn vị trong khối với nhau và với các đơn vị, Cục, Vụ có nhiều tiến bộ, giúp quá trình xử lý công việc thuận lợi hơn, đạt hiệu quả tốt hơn; việc xử lý thông tin ngày càng chủ động (kể cả khi có tình huống đột xuất) có hiệu quả; Một số đơn vị dù mới kiện toàn nhân sự nhưng đã nhanh chóng ổn định tổ chức để đi vào hoạt động….
 
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đã chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới đối với Khối Thông tin. Theo đó, phải đổi mới phương thức làm việc, hiện chưa thực sự nền nếp, chưa chính quy, chuyên nghiệp; cán bộ, công chức và người lao động của Khối Thông tin cần phải nắm chắc quy trình xử lý công việc để đảm bảo hiệu quả cao nhất...
 
Mặt khác, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trong Khối Thông tin đôi khi có ý tưởng sớm nhưng quá trình triển khai chưa căn cơ, chưa bài bản, chưa thực sự hiệu quả, do vậy cần cân nhắc kỹ khi triển khai ý tưởng một cách căn cơ, bài bản, tránh tình trạng thấy hay thì đăng ký nhưng quá trình triển khai thì trục trặc; Khuyến khích ý tưởng mới đáp ứng xu thế nhưng phải đảm bảo khi đưa ra là làm được.
 
Mặt khác, sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Cục và giữa các Cục trong Khối Thông tin vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đôi khi chưa nhịp nhàng, chưa hiệu quả nên khi trình lên lãnh đạo Bộ chưa đảm bảo tính khả thi. Bởi vậy, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu trong quá trình làm việc là phải gạt bỏ cái cá nhân, cảm tính; cần mạnh dạn điều phối lại các chương trình công tác để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao nhất…
 
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, các đơn vị trong Khối Thông tin năm 2017 đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn; tập trung xây dựng hệ thống văn bản pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản; công tác kiểm tra xử lý vi phạm triển khai quyết liệt, được dư luận đánh giá cao, đóng góp vào công tác chung của Bộ năm 2017.