Năm 2017, Cục Tin học hóa có bước tiến vượt bậc

Đánh giá kết quả công tác năm 2017 của Cục Tin học hóa, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, Cục Tin học hóa có bước tiến vượt bậc với việc tham mưu Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành 03 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những vấn đề quan trọng, là nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử.

20171214-m100.JPG
 
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
 
Chiều ngày 14/12, tại Hà Nội, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm trực thuộc Cục Tin học hóa.
 
Sau khi nghe báo cáo của Cục Tin học hóa và các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao những nỗ lực của Cục Tin học hóa trong năm vừa qua. Thứ trưởng cho rằng, so với năm 2016 thì thành công nổi bật nhất năm 2017 của Cục Tin học hóa là công tác tham mưu, xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, “đây là tiến vượt bậc của Cục trong năm 2017”. Cục Tin học hóa đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành 03 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Thông tư số 02/2017/TT-BTTTT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (QCVN 109:2017/BTTTT); Thông tư số 12/2017/TT-BTTTT quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia và Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Việc ban hành 03 thông tư nêu trên liên quan đến những vấn đề rất quan trọng, là nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, về công tác thực thi, Cục Tin học hóa cũng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.
 
Thứ trưởng khẳng định, trong lĩnh vực CNTT của Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa đã thể hiện được vai trò là “anh cả”. “Không chỉ vấn đề công việc, mà còn là thái độ hợp tác, hỗ trợ của Cục với các đơn vị khác”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
 
Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tin học hóa cần tăng cường công tác tham mưu cho Bộ; tiếp tục hoàn thiện văn bản hướng dẫn vấn đề kết nối liên thông văn bản; dùng các phương tiện khoa học công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để đánh giá thực tiễn ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
 
Chia sẻ với những khó khăn về nguồn nhân lực của Cục, Thứ trưởng chỉ đạo, trong khi chờ được bổ sung nhân lực thì Cục cần cấu trúc lại nhân lực, tăng cường đào tạo cán bộ, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp; xử lý dứt điểm các tồn tại của Đề án 112 trong năm 2018...
 
Trước đó, báo cáo về kết quả công tác năm 2017, Lãnh đạo Cục Tin học hóa cho biết, trong năm 2017, công tác xây dựng các đề án, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Cục đã có nhiều nét nổi bật. Công tác chỉ đạo điều hành và thực thi quản lý nhà nước của Cục cũng có nhiều chuyển biến. Trong năm 2017, Cục Tin học hóa đã cho ý kiến về kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 đối với hầu hết Bộ, ngành, địa phương, thẩm định kiến trúc Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử cho 40 Bộ, ngành, tỉnh/thành phố; tổ chức kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa; tham gia xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.v.v..
 
Trong năm 2018, Cục Tin học hóa sẽ tiếp tục thực hiện công tác trọng tâm là xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật như: Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư, mua sắm, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT sử dụng vốn nhà nước (thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP) và Xây dựng các văn bản hướng dẫn Nghị định (nếu Nghị định mới được ban hành; Xây dựng các thông tư sửa đổi, thay thế Thông tư 06/2013/TT-BTTTT, Thông tư 25/2010/TT-BTTTT và xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…/.