Hội thảo “Chuyển đổi số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 và Xây dựng đô thị thông minh hướng tới người dân”

Ngày 14/12/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 và Xây dựng đô thị thông minh hướng tới người dân”. Tham dự có đại diện các đơn vị chức năng liên quan của Bộ TT&TT, đại diện Tập đoàn VNPT, Viettel, VNPost, Học viện công nghệ BCVT….

Tại Hội nghị, đại diện đến từ Tập đoàn VNPT đã có bài tham luận với tựa đề “Chuyển đổi số và góc nhìn VNPT”. Theo đó, chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nói chung là áp dụng số hóa vào tất cả tài sản và hoạt động của doanh nghiệp. Riêng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông (CSP) phải thực hiện “chuyển đổi số kép” do vừa phải chuyển đổi số cho chính hoạt động sản xuất kinh doanh của mình vừa phải cung cấp hạ tầng giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp khác thực hiện chuyển đổi số.

20171214-pg1-tc.JPG

Toàn cảnh Hội nghị

Từ góc độ của VNPT, VNPT hiện đang thực hiện các hoạt động sau để hỗ trợ các doanh nghiệp khác cũng như nhà nước chuyển đổi số. Cụ thể, VNPT đã xây dựng và bắt đầu triển khai chiến lược VNPT 3.0 với định hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang lĩnh vực AI, Cloud, Big Data, IoT. VNPT cũng đang xây dựng và triển khai nền tảng IoT Smart Connected Platform, từ đó phát triển giải pháp về quan trắc môi trường, nông nghiệp thông minh. VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng đô thị thông minh với khoảng 10 tỉnh trong đó có TPHCM, Đà Lạt, Phú Quốc...
 
Liên quan đến chuyển đổi số, Hội thảo còn được nghe một số bài tham luận đáng chú ý như: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành TT&TT ở Việt Nam (Viện Chiến lược TT&TT), Kinh tế số: Hiện trạng và một số đề xuất phát triển cho Việt Nam (Học viện Công nghệ BCVT).
 
Về chủ đề “Xây dựng đô thị thông minh hướng tới người dân”, đại diện Viện chiến lược TT&TT nhận định, việc xây dựng đô thị thông minh phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân. Phải đảm bảo năng lực về cơ sở hạ tầng thông tin tạo ra hệ sinh thái số để triển khai các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh theo thời gian thực. Việc triển khai xây dựng đô thị thông minh phải cơ bản dựa trên các nguồn lực xã hội, cân đối hài hòa lợi ích các bên liên quan như: chính quyền, người dân, nhà phát triển ứng dụng đô thị thông minh, doanh nghiệp. Đặc biệt phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin riêng tư của người dân.
 
Cũng tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Viettel đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng ICT cho đô thị thông minh phát triển bền vững. Hiện nay, có 6 địa phương sau khi ký kết hợp tác chiến lược với Viettel có nhu cầu xây dựng ngay Khung kiến trúc tổng thể gồm: Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Phước, Tây Ninh. Khung Kiến trúc tổng thể của mỗi địa phương cần đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp với Quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, quy hoạch của các lĩnh vực chuyên ngành của địa phương; Đảm bảo khả năng tích hợp chặt chẽ với Hệ thống chính quyền điện tử của địa phương; Tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia đã và sẽ được ban hành về smart city, về CNTT, về các lĩnh vực thông minh chuyên ngành, đảm bảo tích hợp, tương tác với các hệ thống thông tin khác…