Cao Bằng: Tăng cường quản lý nhà nước về TT&TT trên địa bàn

Trong năm 2017, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Cao Bằng luôn phấn đấu làm tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và thông tin, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở tiếp tục phát triển theo định hướng; Bưu chính - Viễn thông đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu về thông tin liên lạc của nhân dân; ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã có nhiều biến chuyển và được quan tâm đầu tư nhằm tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành....

20171213-l7.jpg

Đông đảo người dân đến truy cập Internet

Công tác QLNN về TT&TT trên địa bàn có nhiều chuyển biến
 
Trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trên địa bàn trong thời gian qua đều hoạt động đúng định hướng, duy trì hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục, đảm bảo thông tin, tuyên truyền thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương cũng như trong nước và trên thế giới, các sự kiện quan trọng của đất nước và địa phương...
 
Đối với các hoạt động thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh và các hoạt động của địa phương về tình hình phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó, chú trọng đưa tin về kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV và hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Cao Bằng sau kỳ họp; tuyên truyền về kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVI (nhiệm kỳ 2016-2021); Đại hội công đoàn cấp cơ sở tiến tới Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 - 2023; Tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm vừa qua. Đồng thời, công bố thông tin chi tiết về Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc... 
 
Về lĩnh vực xuất bản, in, phát hành sách tuân thủ đúng định hướng, đi vào nề nếp, không có tình trạng in lậu, in trái phép. Công tác quản lý cấp giấy phép các bản tin tài liệu không kinh doanh đúng quy định. Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch Ngày sách lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh, theo đó, các sở, ngành, đơn vị đã tổ chức Ngày hội sách ý nghĩa, hiệu quả.
 
Trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, internet và tần số vô tuyến điện có nhiều chuyển biến rõ nét. Hiện 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có sóng thông tin di động, truy cập được Internet; toàn tỉnh có trên 730 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS). Mạng lưới Bưu chính, bưu cục được duy trì và tương đối hoàn chỉnh, ngoài Bưu điện tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn có Bưu chính Viettel chi nhánh Cao Bằng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chuyển phát, bán kính phục vụ bình quân là 3.26 km/điểm, số người phục vụ trên 2.769 người/điểm, số xã có báo đến trong ngày là 146/199 xã. Thuê bao Internet và truyền hình Internet tiếp tục tăng, tính đến tháng 11/2017, tổng số thuê bao điện thoại toàn mạng là 490.756 thuê bao; mật độ điện thoại cố định và di động ước đạt 97 thuê bao/100 dân; Số thuê bao Internet 34.953 thuê bao, toàn tỉnh có 158/199 xã/phường, thị trấn được kết nối Internet băng rộng cố định, các xã còn lại đều có thể truy cập thông qua mạng di động băng rộng 3G. 100% số xã trong tỉnh đã được phủ sóng điện thoại di động...
 
Các doanh nghiệp bưu chính viễn thông thực hiện tốt các quy định của pháp luật, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, nhất là tại các khu vực biên giới, cửa khẩu và tại các thời điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước và của địa phương, hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường, cạnh tranh lành mạnh tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
 
Đối với lĩnh vực CNTT, tỉnh đã xác định kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT của tỉnh, hướng tới hình thành mô hình Chính quyền điện tử tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, tỉnh đã tăng cường đảm bảo an toàn thông tin sau một số cuộc tấn công, hướng dẫn cảnh báo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh về mã độc có tên WannaCry; ngăn chặn khẩn cấp hệ thống máy chủ điều khiển mã độc tấn công có chủ đích ATP, đảm bảo an toàn dữ liệu bảo mật thông tin trên các Cổng/trang thông tin điện tử các sở ngành, địa phương....
 
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, ngành TT&TT tỉnh Cao Bằng tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn, thách thức như: Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý về TT&TT từ cấp huyện, cấp xã còn thiếu hoặc chưa có, chưa đồng đều, kinh nghiệm công tác còn thiếu, chưa đồng bộ; Đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn thiếu  nên rất khó khăn trong việc tiếp cận, vận hành hệ thống CNTT cũng như hỗ trợ việc ứng dụng CNTT tại cơ quan; Các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa có cơ chế phối hợp tốt trong việc dùng chung hạ tầng mạng viễn thông. Việc phát triển hạ tầng, việc cấp phép xây dựng các trạm BTS còn gặp khó khăn....
 
Để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh Cao Bằng xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2018 của tỉnh. Phấn đấu đưa tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính đạt 70 - 80%, hiện tại còn một số công chức ở cấp huyện, đặc biệt ở cấp xã chưa được trang bị máy tính phục vụ công việc; 100% cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND các huyện, thành phố đều có mạng nội bộ hoạt động ổn định, hiện đã được trang bị, triển khai Hệ thống thống một cửa điện tử. Mạng Internet đã được triển khai kết nối đến hầu hết UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hoạt động ổn định, năm 2017 phục vụ được 07 cuộc họp trực tuyến của Lãnh đạo tỉnh với các huyện, thành phố.
 
20171213-l6.jpg
 
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa tại TP.Cao Bằng
 
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nội bộ của các cơ quan nhà nước, hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc đã triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến đến cấp xã, tuy nhiên tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử (hoàn toàn không dùng văn bản giấy) vẫn còn thấp chỉ đạt 23%. Bên cạnh đó mức độ ứng dụng phần mềm để luân chuyển văn bản, xử lý công việc trong nội bộ ở một số cơ quan, đặc biệt là cơ quan cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử, hiện đã có 13/20 cơ quan chuyên môn của tỉnh và 1/13 UBND huyện thành phố công bố sử dụng chữ ký số, tuy nhiên mức độ sử dụng chữ ký số, thư điện tử công vụ trong trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước chưa cao. Trong năm 2018, Cao Bằng đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, tích hợp chữ ký số chuyên dùng vào các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh…
 
Thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tham mưu tỉnh ban hành đề án tổng thể thành phố thông minh tỉnh Cao Bằng. Thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc lĩnh vực của ngành được được giao. Bên cạnh đó, trong năm 2017 tỉnh Cao Bằng triển khai đưa vào ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố nhằm tin học hóa quy trình thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Về mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hiện tại tất cả các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đều đã được cung cấp ở mức độ 2; theo thống kê trên trên Hệ thống thống một cửa điện tử của tỉnh, hiện tại có 850 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được cung cấp, tuy nhiên các dịch vụ này đều chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến. Tổng số trường học (trừ cấp mầm non) có Internet băng rộng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin là 340/465 trường (khoảng 73%). 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, đảm bảo thực hiện gửi dữ liệu điện tử thường xuyên, liên tục phục vụ giám định dữ liệu.