Myanmar cam kết tiến độ cấp phép cho doanh nghiệp Việt Nam

Tại buổi gặp Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar Thant Sin Maung sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đi thẳng vào giải pháp cho các vấn đề đang tồn tại trong hoạt động thông tin truyền thông giữa hai nước.

Cụ thể hoá thoả thuận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Myanmar, Bộ Thông tin Truyền thông mong muốn hợp tác toàn diện với ngành Thông tin truyền thông Myanmar.
 
20171031-m4.JPG
Hội đàm giữa đoàn công tác Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar.
 
Việt Nam đang ứng dụng và phát triển công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, giáo dục, y tế thông minh và đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ 5G. Việt Nam cũng là nước mạnh về sản xuất vi mạch, chip và đào tạo nhân lực về an toàn thông tin.
 
"Những thế mạnh này chúng tôi muốn chia sẻ với Myanmar và đề nghị Chính phủ Myanmar tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả tại nước bạn", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
 
Việt Nam hiểu được thủ tục cấp phép ở Myanmar cần qua nhiều lớp, nên hy vọng thoả thuận đang được soạn thảo giữa hai Bộ sớm được ký kết để có khung pháp lý hoạt động.
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm chia tách bưu chính với viễn thông và phát triển bưu chính ở Việt Nam, đồng thời đề xuất hợp tác đào tạo nguồn nhân lực thông qua Học viện Bưu chính viễn thông Việt Nam.
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nêu các vấn đề của từng doanh nghiệp viễn thông Việt Nam gặp phải tại Myanmar: "4 doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam đang có mặt ở Myanmar. Đây là những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và có kinh nghiệm đầu tư nước ngoài cả Châu Á, châu Âu, châu Phi..."
 
Mytel đã được cấp phép 11.000 km cáp quang nhưng còn cần giấy phép cho 22.000 km tiếp theo để kịp khai trương mạng cáp quang đầu tháng 3/2018. Mọi thủ tục đã hoàn thành, và có mong muốn được cấp phép trong tháng 11.
 
Các trạm BTS của Mytel nằm tại các cơ quan thuộc Chính phủ và nhà dân cư chưa có sổ đỏ, Mytel mong được tạo điều kiện xây dựng, cải tạo nâng cấp, đồng thời đề nghị phía bạn phân chia băng tần 900 Mhz cho các doanh nghiệp ít tần số hơn để phủ sóng đến nông thôn.
 
VNPT là doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có truyền thống, tiềm lực, mong sớm được cấp phép để chính thức hoạt động tại Myanmar.
 
FPT và MobiFone đang hoạt động tốt, mong được Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar tạo cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam được bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài khác, ví dụ trong hoạt động hoà mạng, treo cáp, dịch vụ ví điện tử....
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng hứa tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Myanmar đầu tư tại Việt Nam. Bộ TT&TT Việt Nam tư vấn Myanmar sớm đưa hệ thống chuyển mạch quốc gia vào hoạt động và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quản lý hệ chuyển mạch, giá cước.
 
Đáp từ Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar Thant Sin Maung cũng bày tỏ mong muốn ký kết thoả thuận giữa hai Bộ làm cơ sở cho quan hệ hợp tác lâu dài.
 
"Chính phủ Myanmar chào đón các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có 4 doanh nghiệp lớn. Chúng tôi đồng thuận và hỗ trợ hết mình. Có bất kỳ khó khăn gì cứ báo cáo lên Bộ để được hỗ trợ", ông Thant Sin Maung cam kết.
 
"FPT đang hỗ trợ Myanmar xây dựng cổng thông tin quốc gia, chúng tôi rất cảm ơn. Phía Myanmar cũng sẽ hỗ trợ tối đa Mytel, và coi đó là trách nhiệm."
 
Bộ trưởng Thant Sin Maung cũng cho biết vấn đề trạm BTS đang làm việc với bộ ngành để giải quyết. Vấn đề tần số và cáp sẽ được giao cho Cục Viễn thông giải quyết ngay. Ông cũng cảm ơn FPT giúp xây dựng cổng thông tin quốc gia. Giấy phép VNPT đang ở nội các và dự kiến sẽ được cấp phép trong 15 ngày tới.
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cảm ơn Bộ trưởng Thant Sin Maung vì sự đón tiếp trọng thị và giải quyết các vấn đề rất cụ thể cho hợp tác Thông tin và Truyền thông giữa hai nước, đồng thời có lời mời trân trọng Lãnh đạo Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar thăm Việt Nam. Bộ trưởng Thant Sin Maung vui vẻ nhận lời và hứa sẽ sắp xếp thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất./.
Nguồn: Phạm Tuấn/VietNamNet