Chuyển đổi số: Tương lai hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản

Sáng ngày 26/10/2017, tại TP.HCM, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) đã tổ chức Ngày CNTT Nhật Bản 2017 (Japan ICT Day 2017) với chủ đề: “Chuyển đổi số: Kỷ nguyên mới cho hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản”. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã đến dự và phát biểu tại chương trình.

20171026-pg10-TTTam.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc Japan ICT Day 2017
 
Tham dự chương trình có ông Kazunori Hosoya, Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, nhiều diễn giả có uy tín lớn của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA), Hiệp hội Phần mềm nhúng Nhật Bản (JASA), Hiệp hội Hệ thống thông tin và điện tử Kansai (KEIS), Hiệp hội Các đối tác Tích hợp hệ thống Nhật Bản (JASIPA), Hiệp hội Phần mềm Máy tính Nhật Bản (CSAJ)  và đông đảo các doanh nghiệp, tổ chức CNTT hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản.
 
Chương trình đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như: Tổng quan về thị trường CNTT Việt Nam và Nhật Bản; báo cáo của các doanh nghiệp đang có sự hợp tác rất tốt với các doanh nghiệp Nhật Bản như FPT, Nashtech, JAMS… Đặc biệt, chương trình đi sâu thảo luận về 2 chủ đề: Phát triển nguồn nhân lực chất lương cao cho hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong xu hướng công nghệ mới và Chuyển đổi số: Kỷ nguyên mới cho hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản. Doanh nghiệp hai nước đều cho rằng, chuyển đổi số với những xu hướng công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, IoT… sẽ là tương lai của mối quan hệ hợp tác lâu dài này.
 
Thời gian qua, Việt Nam luôn khẳng định chủ trương đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, coi đây vừa là một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, vừa là hạ tầng và động lực tạo ra phương thức mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo Sách trắng về CNTT-TT, doanh thu phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam năm 2016 đã cao gấp 12 lần so với năm 2008, ước đạt trên 8,1 tỷ USD. Cả nước hiện có trên 7.400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp phần mềm, trong đó khoảng 200 công ty phần mềm có quy mô từ 150 đến 200 lao động, khoảng 10 doanh nghiệp có quy mô xấp xỉ hoặc hơn 1000 người. Nhiều doanh nghiệp đạt chứng chỉ về quy trình quản lý chất lượng sản xuất phần mềm quốc tế như CMMI, ISO 27001, một số doanh nghiệp có chứng chỉ cao nhất, mức CMMI-5. Hiện tại, ngành CNTT Việt Nam đang được hưởng chính sách ưu đãi về thuế và đầu tư hấp dẫn trong khu vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất phần mềm.
 
Nhờ những nỗ lực này, Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm trên thế giới. Các thị trường lớn của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hiện nay là Bắc Mỹ và Nhật Bản, trong đó thị trường Nhật Bản đang được đặt biệt quan tâm do tương đồng về văn hóa, địa lý của hai quốc gia.
 
20171026-pg11-tc.jpg
 
Các đại biểu tham dự chương trình Japan ICT Day 2017
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh: “Bộ TT&TT luôn xác định, hợp tác với các đối tác Nhật Bản là yếu tố quan trọng cho sự phát triển ngành CNTT Việt Nam. Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực CNTT-TT, theo đó hai Bộ cam kết ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp CNTT hai nước hợp tác, hiện thực hóa các tiềm năng cơ hội đầu tư kinh doanh rất lớn đang mở ra khi Việt Nam bắt đầu tiến trình chuyển đổi số”.
 
Thứ trưởng Phan Tâm cũng kêu gọi các trường đại học và doanh nghiệp hai nước tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về trình độ chuyên môn cũng như trình độ tiếng Nhật; hợp tác trong nghiên cứu - phát triển và thương mại hóa sản phẩm, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành CNTT ở cả hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới./.