Nhu cầu sử dụng chứng thư số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2017

Ngày 26/10/2017, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội giai đoạn 2012-2017. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã đến tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

20171026-pg01.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị
 
Đánh giá về tình hình cung cấp, triển khai chứng thư số, đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ - đơn vị được giao nhiệm vụ duy trì hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, cho hay, nhu cầu sử dụng chứng thư số của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã gia tăng rất mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2013-2017, tăng gấp 7 lần so với giai đoạn trước.
 
Tính đến hết tháng 9/2017, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp trên 85 nghìn chứng thư số cho 35 đầu mối Bộ, ngành trung ương và 63 địa phương. 28/30 Bộ, ngành (chiếm 93%) đã triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Đặc biệt, việc áp dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được các Bộ, ngành triển khai hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí. Điển hình có Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…
 
Tại các địa phương trong cả nước, tính đến hết tháng 9/2017, đã có 56/63 địa phương (88,8%) đã xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh. Trong đó, tỉ lệ văn bản điện tử áp dụng chữ ký số trên tổng số văn bản điện tử trao đổi trên môi trường mạng đạt rất cao với các điển hình là Thái Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Hà Giang, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ… Việc ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai mạnh và phát huy hiệu quả tại các địa phương. Bắc Giang, Lào Cai, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế … là những tỉnh có số lượng hồ sơ trực tuyến cao trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định, việc sử dụng chứng thư số trong cơ quan nhà nước đã “góp phần bảo đảm an toàn cho các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính, hình thành Chính phủ điện tử”. Việc ứng dụng và triển khai chữ ký số đã nhận được sự đồng thuận cả về nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Hầu hết các địa phương trên cả nước đã thể chế hóa việc ứng dụng chữ ký số thông qua việc ban hành các quy chế, quy định về việc sử dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước nhằm tạo động lực thúc đẩy triển khai chữ ký số.
 
Thứ trưởng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng của Bộ TT&T và các đơn vị chức năng thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2017 trong công tác xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước cũng đã được hai bên phối hợp thực hiện tốt. Tổ công tác liên ngành giữa Bộ  TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ về dịch vụ chứng thực chữ ký số cũng đã được thành lập để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hai cơ quan.
 
Thứ trưởng cũng khẳng định, trong  thời gian tới, Bộ  TT&TT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ để tổ chức kiểm tra, đánh giá về tình hình phát triển và ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các chính sách, biện pháp xử lý phù hợp.
 
Cũng tại Hội nghị, ông Đặng Vũ Sơn, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong 5 năm qua, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, tồn tại, hạn chế trong việc triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Từ đó tìm ra nguyên nhân, đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng trong thời gian tới, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ bảo mật, xác thực và an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội./.