Truyền thông là kênh thông tin quan trọng tạo chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo

Xóa đói, giảm nghèo luôn là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép, thông qua các chương trình, dự án, chính sách cho giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Để tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 xoay quanh vấn đề truyền thông và giảm nghèo thông tin.

 

20171017-l10.jpg
       Ông Ngô Trường Thi
*PV: Xin ông cho biết khái quát những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin)?
 
*Ông Ngô Trường Thi: Phát huy các kết quả đạt được trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện lại hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng: gọn đầu mối văn bản, hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở thực hiện Luật Đầu tư công theo hướng giao vốn trung hạn 5 năm, tăng cường phân cấp cho địa phương, cơ sở, mở rộng sự tham gia của cộng đồng, lấy người nghèo làm trung tâm theo nguyên tắc: Nhà nước không làm thay những gì người nghèo làm được, Nhà nước chỉ ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra giám sát. Sự thay đổi trong quan điểm chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 của Chính phủ đòi hỏi phải có sự đồng thuận chung của cả hệ thống chính trị, trong đó không thể thiếu được vai trò của công tác thông tin - truyền thông về giảm nghèo.
 
*PV: Xin ông cho biết đánh giá của mình về những thành tựu nổi bật và những hạn chế cần khắc phục của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của giai đoạn vừa qua để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020?
 
*Ông Ngô Trường Thi: Mặc dù giai đoạn (2011 - 2015) vừa qua, kinh tế đất nước đứng trước những khó khăn, thách thức, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo; hệ thống chính sách giảm nghèo từng bước được hoàn thiện theo hướng gọn đầu mối, hiệu quả hơn. Trong quá trình thực hiện, nhiều mô hình, điển hình của các địa phương, nhóm cộng đồng và người nghèo được phát huy; tỷ lệ hộ nghèo cả nước (theo chuẩn cũ) đã giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn 4,25% cuối năm 2015, đời sống người nghèo được cải thiện, bộ mặt các xã nghèo có sự khởi sắc, thành tựu giảm nghèo đã góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
 
20171017-l2.JPG
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn tại Nghệ An và Hà Tĩnh ngày 11 và 12/10/2017
 
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, nhất là đứng trước hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu; chính sách chưa tạo được sự khuyến khích, chủ động vươn lên của người nghèo, hiệu quả chưa cao. Theo chuẩn nghèo đa chiều, đầu năm 2016, cả nước vẫn còn khoảng 3 triệu hộ nghèo, cận nghèo; còn hàng nghìn thôn bản, xã đặc biệt khó khăn và nhiều huyện nghèo cần được quan tâm, hỗ trợ.
 
*PV: Xin ông cho biết vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020?
 
*Ông Ngô Trường Thi: Trong Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, giải pháp được đặt lên hàng đầu là công tác tuyên truyền, theo đó Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; phát động phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo”; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.
 
Với ý nghĩa đó, lần đầu tiên, thông tin và truyền thông về giảm nghèo đã trở thành một dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, thực sự là giải pháp không thể thiếu được, cùng với nguồn lực đầu tư và hệ thống chính sách, sẽ là đòn bẩy hiệu quả để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
 
*PV: Với vai trò là cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo Trung ương đề xuất, ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn và định hướng công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, vậy Thường trực Ban chỉ đạo đã đề xuất những giải pháp gì nhằm thúc đẩy công tác thông tin tuyên truyền đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, thưa ông?
 
*Ông Ngô Trường Thi: Thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền Thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về giảm nghèo đến năm 2020, cụ thể: Phối hợp hoàn thiện các văn bản thể chế về truyền thông - thông tin giảm nghèo hướng dẫn các địa phương thực hiện; Phối hợp tổ chức các hội nghị, Hội thảo với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, các cơ quan truyền thông trung ương, địa phương về nội dung, quan điểm chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, các hình thức tuyên truyền…
 
20171117-m14.jpg
 
Mặt khác, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liện quan tổ chức phát động Cuộc thi các tác phẩm báo chỉ về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đã tổ chức chấm và trao giải đợt I năm 2017 vào ngày 12/10/2017 vừa qua; Phối hợp kiểm tra tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình ở địa phương, cơ sở, trong đó có hoạt động truyền thông - thông tin về giảm nghèo…
 
*PV: Xin ông cho biết những định hướng lớn của Ban chỉ đạo Trung ương trong chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền nhằm phát huy sức mạnh của báo chí, truyền thông tạo sự đồng thuận trong xã hội, đảm bảo an sinh xã hội theo mục tiêu của chương trình đã đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020?
 
*Ông Ngô Trường Thi: Để phát huy sức mạnh của truyền thông, báo chí, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động, tích cực tuyên truyền, phản ánh kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật về giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, tiến độ thực hiện đến các cơ quan truyền thông, báo chí; Tạo điều kiện để phóng viên tham gia tìm hiểu, phản ảnh thực tiễn quá trình triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo; Khuyến khích các tác phẩm báo chí phản ảnh về sự chuyển động trong thực hiện chính sách giảm nghèo ở địa phương, cơ sở, những mô hình, điển hình của các nhóm hộ, cộng đồng giúp nhau giảm nghèo, nghị lực vươn lên của chính người nghèo, sự chung tay của xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện cho giảm nghèo; đồng thời phát hiện, phê phán các biểu hiện tiêu cực, thất thoát, lợi dụng chính sách giảm nghèo để trục lợi… Các tác phẩm báo chí làm sao thực sự trở thành một giải pháp không thể thiếu được trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới, hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả kế hoạch tổ chức phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phia sau”.
 
*PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
 
 
Phát biểu kêu gọi cả nước hưởng ứng “Chung tay vì người nghèo” tối ngày 15/10/2017 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, giảm nghèo là một chính sách lớn, luôn được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016, hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về giảm nghèo, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, cả nước 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo cần được giúp đỡ về nhà ở, giáo dục, dạy nghề, sinh kế, hàng nghìn thôn bản, xã đặc biệt khó khăn và nhiều huyện nghèo cần được quan tâm, hỗ trợ. Việt Nam phấn đấu mỗi năm giảm 1% - 1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo đến năm 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.
 
Hưởng ứng “Ngày Quốc tế chống đói nghèo” và cũng là “Ngày Vì người nghèo ở Việt Nam” 15/10, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức đợt vận động nhắn tin ủng hộ vì người nghèo trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400): “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bắt đầu từ 00h00 ngày 15/10/2017 đến hết 24h00 ngày 31/12/2017, Cổng 1400 mở hệ thống để đón nhận đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo theo cú pháp: VNN gửi 1408. Với mỗi tin nhắn, người ủng hộ sẽ đóng góp 20.000 đồng vì người nghèo.