Giảm nghèo ở Nậm Manh

Nhờ sự lãnh, chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực vươn lên của Nhân dân các dân tộc, kinh tế của xã Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) có những khởi sắc đáng mừng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 11 triệu đồng/năm (tính đến tháng 6/2017).

Đến xã Nậm Manh những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay hiện hữu ngay trước mắt. Từ con đường nội bản được bêtông hóa đến nhà cửa, trường học được xây dựng khang trang, đất trống, đồi trọc được phủ một màu xanh của cây rừng và các loại hoa màu. Đồng chí Lý Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Nậm Manh cho biết: “Đê có được điều đó, những năm qua, UBND xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi sản xuất, tăng cường khai hoang ruộng nước. Chủ động phối hợp với các ban, ngành của huyện triển khai mô hình kinh tế, mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, biểu dương, đề xuất cấp trên khen thưởng những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.
 
20171009-m3.jpg
 
Người dân bản Nậm Manh chăm sóc bưởi da xanh.
 
Xã Nậm Manh có 5 bản, 446 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Vào thời điểm năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới 47%. Nguyên nhân do trình độ dân trí còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu và thiếu đất sản xuất. Để cuộc sống người dân từng bước đi lên, công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức luôn được xã đặt lên hàng đầu. Hàng tháng, xã cử cán bộ xuống các bản, nhất là bản khó khăn như: Nậm Pồ, Nậm Nàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động bà con thay đổi cách sản xuất, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Thông qua các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức, Nhân dân trong xã dần biết áp dụng cách làm mới đối với sản xuất nông nghiệp.
 
Gặp anh Sùng A Chính - bản Huổi Chát đang lái máy xúc mở đường vào bản, anh tâm sự với chúng tôi: “Trước đây cuộc sống bà con trong bản còn khó khăn, công việc hàng ngày chỉ lên nương rồi xuống ruộng, chuyện làm giàu còn khá xa vời. Vài năm trở lại đây, khi được xã, huyện định hướng, chúng tôi nhận thấy quê mình có nhiều lợi thế nêntôi cùng bà con tích cực chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng ngành nghề kinh doanh... Đến nay gia đình tôi đã mua được máy xúc và ôtô tải để làm dịch vụ, phục vụ bà con trong xã, bản”.
 
  Tận dụng lợi thế của địa phương là địa hình đồi núi, bà con trong xã tập trung chăn nuôi đại gia súc thông qua quy hoạch bãi chăn thả, cắt cử người trông nom; trồng thêm cỏ làm thức ăn cho vật nuôi. Hiện, xã có 4.047 con gia súc và gần 18.000 con gia cầm; 45ha lúa nước, 50ha lúa nương và 410ha cây lương thực khác. Nhiều giống mới chất lượng được gieo trồng đã đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao cho người dân.
 
 Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai giúp bà con có thêm nguồn thu, tạo động lực chăm sóc, bảo vệ để rừng thêm xanh. Bên cạnh đó, Nhân dân trong xã còn mở rộng diện tích trồng xen canh cây ăn quả như: chuối, dứa, bưởi. Giúp Nhân dân có thêm vốn đầu tư quy mô các mô hình kinh tế này, các tổ chức đoàn thể của xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thành lập 6 tổ vay vốn tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi. Kinh tế phát triển, thu nhập tăng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống 35,02%. Nhờ đó, Nhân dân chú trọng đến việc học của con em, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...
 
Dù đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, nhưng Nậm Manh vẫn còn những trở ngại. Bởi vậy, cần nhiều hơn nữa những quyết sách, hướng đi đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương để xã biên giới có thể giảm nhanh hơn nữa tỷ lệ hộ nghèo.
 
Nguồn: (Theo Báo Lai Châu)