Bắc Giang: Hướng tới trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao trọng điểm

Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản nên huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã tập trung cao chỉ đạo, hỗ trợ nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

20171005-l5.jpg

Nhân viên HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 thụ phấn cho dưa

Khi chúng tôi tỏ ý muốn tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ngô Đình Long nói ngay: Nhà báo muốn “mục sở thị” mô hình đã có sản phẩm hay đang đầu tư cơ sở hạ tầng chuẩn bị sản xuất? Sau khi nghe giới thiệu qua một số mô hình điểm trên địa bàn, chúng tôi quyết định tới thăm mô hình trồng dưa lưới của HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng.
 
Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi tới đây là khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của HTX khá hoành tráng với nhà màng xây dựng khung thép kiên cố, diện tích lên tới 2.100m2. Bên trong là những luống dưa thẳng tắp đang lên xanh tốt. Chị Nguyễn Thị Tâm, cán bộ phụ trách kỹ thuật của HTX cho biết, mô hình này được xây dựng hạ tầng cuối năm 2016 và triển khai sản xuất từ đầu năm nay. Mới đây, HTX thu hoạch được vụ dưa đầu, vụ này là vụ thứ hai. Rút kinh nghiệm từ vụ trước, HTX không xuống giống cùng một thời điểm mà trồng theo phương pháp gối vụ để tránh bị ép giá khi thu hoạch. Được biết mô hình sản xuất dưa này ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tưới, bón phân tự động, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khắc phục cơ bản tác động của thời tiết, côn trùng gây hại. Vụ đầu tiên trồng 5 nghìn cây dưa lưới (dưa vàng) cho sản lượng đạt 6 tấn, bán giá theo hợp đồng ký kết 30 nghìn đồng/kg.
 
Thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 13 tháng 8 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, huyện Hiệp Hòa có thuận lợi cơ bản là gần các thị trường tiêu thụ nông sản lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Địa phương có những hộ dân có điều kiện, đam mê sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi người sản xuất chuyển mạnh về tư duy, có vốn lớn, kiến thức về khoa học, công nghệ và hạch toán kinh tế. Trên địa bàn lại chưa có các mô hình nào tiêu biểu để các hộ sản xuất tham quan, học hỏi trực tiếp. 
 
20171005-l4.jpg
 
Anh Văn Hữu Vượng (bên trái) tiêm vắc xin phòng bệnh cho lứa gà mới nở
 
Xuất phát từ thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Hòa đã ban hành Kế hoạch 33-KH/HU ngày 24 tháng 11 năm 2016 thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời có Nghị quyết về việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, mục đích, biện pháp và các cơ chế chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Huyện lựa chọn các cá nhân, HTX có điều kiện tài chính, am hiểu, đam mê sản xuất nông nghiệp, có khả năng tổ chức sản xuất đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến ứng dụng công nghệ cao tại 14 địa phương trong và ngoài tỉnh, vùng chuyên canh rau tại Đà Lạt; thành lập các đoàn đi học tập tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Trung Quốc. Từ đó khích lệ lòng đam mê làm giàu từ sản xuất nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân. Huyện cũng bố trí hơn 100 triệu đồng hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thường xuyên chủ động mời gọi doanh nghiệp, cơ quan trung ương, tỉnh khảo sát, tìm hiểu giới thiệu đầu tư, kiểm tra tình hình sản xuất, động viên, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt và các biện pháp đồng bộ, đến nay, huyện Hiệp Hòa đã có không ít tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3, trên địa bàn huyện còn có HTX Trường Thành (xã Danh Thắng) chăn nuôi lợn hữu cơ theo chuỗi khép kín của với tổng đàn 1.800 con, sản lượng xuất chuồng khoảng 20 tấn/tháng. Sản phẩm thịt lợn hữu cơ của HTX được bán tại 7 siêu thị địa bàn Hà Nội và các trường mầm non trên địa bàn với giá trung bình 200 nghìn đồng/kg. HTX còn có sản phẩm thịt hun khói, giò, nem phục vụ nhu cầu của nhân dân. Hay hộ anh Văn Hữu Vượng, thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng nuôi gà sinh sản (gà đẻ và ấp trứng) với tổng đàn 20 nghìn con gà bố mẹ ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý thức ăn, môi trường, tự động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng chuồng nuôi và lò ấp trứng. Mỗi ngày anh Vượng xuất bán khoảng 8 nghìn con gà con, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm…Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác trên địa bàn huyện cũng đang được quan tâm đầu tư như sản xuất một số loại rau ăn lá (cải raubina, rau cần VietGAP), nuôi gà, cá theo hướng hữu cơ, sản xuất nấm (nấm sò, mỡ, linh chi, mộc nhĩ, nấm đùi gà)...
 
Trên cơ sở kết quả bước đầu đó, huyện Hiệp Hòa đặt mục tiêu trước mắt là xây dựng các mô hình tiêu biểu của từng lĩnh vực, tuyên truyền rộng rãi về hiệu quả kinh tế của các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu lâu dài phấn đấu trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao trọng điểm của tỉnh với các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý chất lượng, sản phẩm có chất lượng cao, có nhãn hiệu, thương hiệu hàng hoá và sản xuất – tiêu thụ được liên kết chặt chẽ bằng các hợp đồng kinh tế, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (thực phẩm) sản xuất theo hướng hữu cơ.
 
Ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết để đạt được các mục tiêu trên huyện sẽ tập trung cao hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, quy trình giám sát chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, động viên, trao đổi giữa lãnh đạo huyện và chủ mô hình để cùng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tháo gỡ vướng mắc. Cùng đó, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tích cực phối hợp chuyển giao kỹ thuật sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tư vấn quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng.
 

Huyện Hiệp Hòa xác định tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào 5 nhóm sản phẩm gồm: Rau củ quả thực phẩm sạch, chất lượng cao (dưa lưới giống Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số loại rau ăn lá như cải raubina, rau cần VietGAP); sản phẩm chăn nuôi (lợn, gà, cá thịt sạch theo hướng hữu cơ); giống gia cầm; nấm các loại và hoa (hoa lan trang trí và hoa lan làm thuốc).

"Một trong những thành công trong chỉ đạo ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hiệp Hòa là thông qua tuyên truyền và tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước đã khích lệ lòng đam mê làm giàu từ sản xuất nông nghiệp của nhiều tổ chức, cá nhân".

Ông Ngô Đình Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa