Bắc Giang: Xây dựng nông thôn mới tập trung nâng cao tiêu chí thu nhập

Xác định thu nhập là tiêu chí cốt lõi trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nên những năm qua, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí này. Nhờ vậy đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở tất cả các xã đều vượt so với mốc chuẩn.

20171004-l2.jpg

Nhiều hộ dân xã Ngọc Châu nuôi thủy sản cho thu nhập cao

100% xã vượt “sàn” thu nhập
 
Xã Phúc Sơn có hơn 6 nghìn nhân khẩu, những năm qua, người dân đã nỗ lực vượt khó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng thu nhập. Từ chỗ mỗi năm chỉ canh tác hai vụ lúa bằng giống cũ, được UBND huyện, xã hỗ trợ về cây trồng giống mới, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mấy năm trở lại đây, nhiều hộ mạnh dạn dồn điền đổi thửa, sản xuất các loại cây hàng hóa như: Khoai tây chế biến, ngô, ớt ngọt, dưa chuột chế biến... vụ đông. Các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao như: TBR225, Hương Thơm số 1... cũng được đưa vào thay thế giống cũ.
 
Đặc biệt, để thuận lợi cho canh tác, từ năm 2013 đến nay, xã Phúc Sơn quy hoạch, xây dựng 4 cánh đồng mẫu và cánh đồng thu nhập cao ở các thôn Trám, Lý Cốt, Yên Lý, Tiền Sơn, Luông với diện tích gần 120 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích toàn xã. Ông Diêm Đăng Dục, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tại các cánh đồng trên, người dân luân canh 3-4 vụ/năm với công thức hai vụ chất lượng và một hoặc hai vụ màu. Thực tế, mỗi cánh đồng này đều đạt 170-200 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm ngoái lên 39 triệu đồng/năm, dự kiến năm nay đạt 43 triệu đồng”. Được biết, hiện xã hoàn thành 17 tiêu chí, phấn đấu về đích NTM trong năm nay.
 
Tương tự, xã Việt Lập cũng tích cực khuyến khích người dân khai thác lợi thế diện tích ao hồ, ruộng trũng đầu tư nuôi thủy sản theo hướng thâm canh. Hiện 13 thôn trong xã đều có diện tích ao nuôi cá, điển hình như: Đồng Sen, Nguyễn, Đông Am Vàng, Đông Khoát. Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Đông Khoát cho biết, cách đây khoảng chục năm, ông nhận thầu và dồn đổi ruộng cho các hộ được 2,5 ha nuôi cá. Ông đã tích cực áp dụng phương pháp thâm canh, nuôi cá chất lượng cao nên mỗi năm thu 25-30 tấn cá, lãi 300- 400 triệu đồng. 
 
Được biết, ở Việt Lập hiện có hơn 150 ha mặt nước nuôi cá, doanh thu đạt khoảng 25-30 tỷ đồng/năm. Nhờ vậy đời sống người dân nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm. Các xã: Cao Thượng, Ngọc Lý, Phúc Hòa, Quang Tiến, Ngọc Lý... cũng khai thác thế mạnh, liên kết với doanh nghiệp (DN) để phát triển các loại rau màu hàng hóa, đa dạng cây ăn quả, nuôi thủy sản.
 
Chia sẻ về kết quả nổi bật sau gần 6 năm xây dựng NTM, ông Dương Ngô Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay tất cả 22 xã trên địa bàn đều vượt chuẩn về tiêu chí thu nhập, tăng khoảng 50% số xã so với năm 2011. Hết năm ngoái, bình quân thu nhập đầu người của các xã trong toàn huyện đạt 26 triệu đồng/năm, tăng khoảng 4 triệu đồng so với chuẩn quốc gia, có xã vượt 15-18 triệu đồng/năm.
 
Động lực thúc đẩy phong trào
 
Để tất cả xã đều có tiêu chí thu nhập vượt “sàn” so với quy định như ở Tân Yên không phải địa phương nào cũng đạt được. Kinh nghiệm cho thấy, ngay khi bắt tay xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền nơi đây đã quán triệt tầm quan trọng của tiêu chí này tới tất cả các xã và xác định đây là tiêu chí cốt lõi cần tập trung cao thực hiện. Huyện tăng cường tuyên truyền ý nghĩa của việc tăng thu nhập chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân để mọi người cùng đồng thuận. 
 
Theo đó, ngoài khuyến khích phát triển công nghiệp, ngành nghề phụ, huyện quan tâm quy hoạch đồng ruộng, vận động người dân dồn điền đổi thửa, phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng cánh đồng mẫu. Đồng thời quy hoạch hàng chục vùng thủy sản ở những xã có diện tích ao hồ rộng và hỗ trợ cá giống, xây dựng hạ tầng. Đối với các xã có vườn bãi rộng, huyện khuyến khích đa dạng cây ăn quả chất lượng như: Nhãn, bưởi Diễn, vú sữa...
 
Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm huyện dành từ 800 triệu đến hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ cho các tổ chức, gia đình, cá nhân trồng rau quả chế biến; thuê đất trồng cây hàng hóa tập trung. Đồng thời hỗ trợ hàng chục triệu đồng/vụ cho các ban điều hành có khu sản xuất rau quả chế biến. UBND huyện thưởng 3-5 triệu đồng cho các đơn vị liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản có giá trị hợp đồng trên 3 tỷ đồng/ năm đối với sản phẩm trồng trọt. Riêng giai đoạn 2017-2020, huyện bố trí hơn 6 tỷ đồng hỗ trợ các DN, hợp tác xã, chủ trang trại, gia đình ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
 
Thu nhập tăng cao, người dân có điều kiện đóng góp trở lại xây dựng NTM. Theo bà Đào Thị Thu Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, gần 6 năm qua, toàn huyện huy động sức dân được hơn 120 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí NTM. Nhờ vậy, nhiều tiêu chí khó cần đầu tư kinh phí lớn như: Giao thông, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa... được thực hiện hiệu quả. Toàn huyện hiện có 6 xã đạt chuẩn là xã Quang Tiến, xã Liên Sơn, xã Cao Thượng, xã Ngọc Lý, xã  Phúc Hòa, xã Quế Nham, dự kiến năm nay có thêm hai xã Việt Lập và xã Phúc Sơn. Các xã còn lại đều đạt 12-15 tiêu chí/xã. Từ nay đến năm 2020, UBND huyện tập trung hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau màu và thủy sản, phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người ở các xã trong toàn huyện lên 35 triệu đồng/năm.
 
Huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) hiện có 22/22 xã trên địa bàn huyện đều vượt chuẩn về tiêu chí thu nhập, tăng khoảng 50% số xã so với năm 2011. Hết năm 2016, bình quân thu nhập đầu người của các xã đạt 26 triệu đồng/năm, tăng khoảng 4 triệu đồng so với chuẩn quốc gia, chưa kể có xã vượt 15-18 triệu đồng/năm.