Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 thì vai trò của truyền thông và giảm nghèo về thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về ý nghĩa, vai trò của truyền thông trong việc giảm nghèo bền vững, phóng viên Cổng TTĐT Bộ TT&TT đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng xoay quanh vai trò của truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

20171002-l0.jpg
       Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng

*PV: Xin đồng chí Thứ trưởng cho biết quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác tuyên truyền giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020?

*Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng: Công tác giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo; thể hiện qua hệ thống các văn bản chỉ đạo và các chính sách cụ thể hướng tới người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội tiến tới giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.
 
Theo đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giao cho các Bộ, ngành có liên quan phối hợp, chỉ đạo thực hiện, ngay sau khi Chính phủ ban hành quyết định 1722/QĐ-TTg, Bộ TT&TT đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội nghị tập huấn tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 cho cán bộ Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh việc tuyên truyền giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không đơn thuần chỉ giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn là việc phải đảm bảo để mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo tinh thần Nghị quyết Quốc hội đề ra.
 
*PV: Theo Quyết định 1722/QĐ-TTg được Thủ tướng phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 thì vai trò của truyền thông và giảm nghèo về thông tin được Bộ TT&TT chú trọng thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
 
*Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng: Theo tinh thần Quyết định 1722/QĐ-TTg giao các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2020 thì 100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động; 50% các xã nghèo có điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời; có 100% huyện và khoảng 600 xã được trang bị bộ phương tiện tác nghiệp tuyên truyền cổ động; thiết lập ít nhất 20 cụm thông tin cơ sở tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trung tâm giao thương.
 
20171002-l2.jpg
 
Phát huy vai trò các cụm thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu - Ảnh Cụm thông tin đối ngoại cửa khẩu quốc tế Lào Cai
 
Cũng theo mục tiêu của chương trình, 90% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác; hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho khoảng 10.000 hộ nghèo sống tại các đảo xa bờ; hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người; hộ nghèo sống tại các xã đặc biệt khó khăn.
 
Do xác định rõ mục tiêu nêu trên, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị, sở, ban, ngành có liên quan tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; Xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân.
 
Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giảm nghèo về thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ,trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; ưu tiên cho cán bộ cấp xã và cấp thôn, bản nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác thông tin, truyền truyền nhằm hiện thực hóa Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đi vào cuộc sống.
 
20171117-m13.jpg
 
Song song với đó là việc hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải, lưu trữ, quảng bá, phục vụ người đọc các sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phổ biến kinh nghiệm, giới thiệu về các gương điển hình, sáng kiến, mô hình giảm nghèo mới, cách làm mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo; Trao đổi, thảo luận về công tác thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo; Hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ nghèo sống tại các đảo xa bờ; hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người; hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn...
 
*PV: Theo Thứ trưởng, để nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Bộ TT&TT đã triển khai những giải pháp cụ thể nào?
 
*Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng: Hưởng ứng và tích cực thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong việc giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trong giai đoạn phát triển mới. 
 
20171002-l1.jpg
 
Cán bộ, chiến sĩ khu vực cửa khẩu quốc tế tra cứu thông tin tại
Cụm thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai
 
Cụ thể, đối với các Sở TT&TT, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các cấp các ngành, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội và các cá nhân tại địa phương nhận thức đúng đắn về chương trình giảm nghèo bền vững để từ đó mọi người cùng tham gia, bản thân các hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo.Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo phù hợp với mỗi địa phương và vùng miền.Đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở về thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo tại địa phương.
 
Đối với các cơ quan báo chí, thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cơ hội để đối tượng nghèo ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho đối tượng nghèo.
 
Đồng thời, phát động các cuộc sáng tác những tác phẩm hay, có chất lượng, đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi tác phẩm về Văn phòng Quốc gia Giảm nghèo để Ban Tổ chức cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo chấm, lựa chọn và trao giải, các tác phẩm có giá trị sẽ tiếp tục tuyên truyền.
 
*PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng về cuộc phỏng vấn này.
 

Trong giai đoạn 2011 - 2015, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Quốc hội, Chính phủ, với sự nỗ lực liên tục, không ngừng của các cấp, các ngành và toàn xã hội, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hội nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010), xuống còn 4,25% (năm 2015).
 
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam có hơn 2,33 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,88% so với tổng số hộ dân cư toàn quốc) và hơn 1,23 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,22%). Đời sống của một bộ phận dân cư có thu nhập sát ngưỡng nghèo cũng rất bấp bênh, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh là có nguy cơ quay trở lại cảnh nghèo đói bất cứ lúc nào.