Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2017

Sáng 30/8/2017, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2017.

20170830-l40.jpg
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị
 
Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW, Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam, các Bộ, ngành TW, Giám đốc và Tổng biên tập của 60 nhà xuất bản (NXB) trên cả nước.
 
Theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2017, các NXB đã xuất bản 38.568 tên sách (tăng 6,5% về số lượng so với cùng kỳ năm 2016), và nộp lưu chiểu 214,179 triệu bản (tăng 10% về bản so với cùng kỳ năm 2016).
 
Về nội dung xuất bản phẩm, các NXB đã thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Nhiều xuất bản phẩm có nội dung tốt, có giá trị nhân văn, mang tính thời sự, hấp dẫn về hình thức, phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc ở tất cả loại sách, từ sách lý luận chính trị, văn hoá - văn học, giáo dục - dạy nghề, khoa học - công nghệ, đến các loại sách tri thức phổ thông - hướng nghiệp, sách thiếu nhi...
 
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2017, các NXB đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, lựa chọn đề tài, tổ chức xuất bản nhiều đầu sách, tài liệu phục vụ việc nghiên cứu, học tập, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành TW lần thứ 4, TW lần thứ 5 (khoá XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm chính trị cho cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
 
Một điểm đáng chú ý khác trong 6 tháng đầu năm nay là dòng sách văn học chiến tranh cách mạng cũng có nhiều khởi sắc. Nhiều tác phẩm mới với điểm nhìn, cách phản ánh chân thực và sinh động, nhân văn đã tiếp tục khẳng định ý nghĩa thiêng liêng, không gì có thể phủ nhận của cuộc chiến tranh chính nghĩa vì độc lập và tự do dân tộc, tô đẹp hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ của toàn Ngành, trong 6 tháng qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Sách sai phạm tuy có giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn còn gần 100 đầu sách bị xử lý dưới các hình thức khác nhau. Vẫn xuất hiện sách có nội dung chính trị, tư tưởng không phù hợp, vi phạm quy định về thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền. Bên cạnh đó, một số hiện tượng mới đã xuất hiện trong thời gian gần đây, tiềm ẩn không ít vấn đề đáng lo ngại như việc phát triển mạnh loại hình tiểu thuyết ngôn tình, các loại sách sử, văn học sử đi theo lối xét lại lịch sử.
 
Thời gian tới, một số nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành Xuất bản cần quan tâm triển khai gồm: Bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, phải quản lý chặt chẽ hơn nữa quy trình liên kết; Kiên quyết nói không với tình trạng bán giấy phép; Chú ý hơn vào các dòng sách, mảng sách quan trọng, đặc biệt là sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế biển, đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; Tiếp tục quán triệt, triển khai Kết luận số 19 ngày 29/12/2016 thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khoá IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản...
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động xuất bản đối với sự nghiệp cách mạng và đời sống văn hóa - xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo hoạt động xuất bản. Gần đây nhất, Ban Bí thư đã có Thông báo kết luận số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Bộ TT&TT đã có Kế hoạch số 2486/KH-BTTT ngày 17/7/2017 về việc triển khai Thông báo kết luận trên, nhằm đẩy mạnh truyên truyền thực hiện Chỉ thị số 42 và Thông báo kết luận số 19 đến toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Xuất bản, In, Phát hành, các cơ quan liên quan và tổ chức thực hiện Thông báo gắn liền với triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
 
Cùng với các văn bản của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ TT&TT là Bộ quản lý Ngành cũng đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh toàn diện hoạt động xuất bản.
 
Thứ trưởng nhấn mạnh: Qua công tác quản lý cho thấy, những năm gần đây số lượng xuất bản phẩm và số bản in tăng theo từng năm. Trong khi đó, số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung lại giảm đáng kể. Trong 06 tháng đầu năm 2017, số lượng xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý tiếp tục giảm, điều đó thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của các nhà xuất bản trong việc khắc phục yếu kém và tồn tại. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng biên tập viên các nhà xuất bản. Cho đến nay, hầu hết các biên tập viên đã được cấp Chứng chỉ hành nghề biên tập, có ý thức nghề nghiệp, chuyên môn vững vàng cũng như bản lĩnh chính trị đã được nâng lên rõ rệt.
 
Ngoài những chuyển biến tích cực về nội dung xuất bản phẩm, các NXB, các công ty sách đã luôn đổi mới công tác xuất bản và tham gia các hoạt động ưởng ứng đẩy mạnh việc phát hành thật nhiều sách đến với từng đối tượng bạn đọc. Điều này được thấy rõ khi mà hiệu ứng của Ngày Sách Việt Nam ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, tạo chuyển biến trong nhận thức của mỗi người dân. Bên cạnh các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và các địa phương đã triển khai tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn còn có một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các khu vực, vùng miền trên cả nước.
 
Tuy nhiên Thứ trưởng đã chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, hoạt động của toàn Ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để. Đó là: Vẫn có hiện tượng lãnh đạo NXB buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm túc quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung dẫn đến nội dung xuất bản phẩm vi phạm vẫn tập trung vào những vấn đề đã mắc phải từ nhiều năm nay; Quy trình liên kết ở một số NXB và đối tác liên kết không được thực hiện chặt chẽ, thể hiện số vụ việc sai phạm thường xảy ra ở xuất bản phẩm liên kết; Tình trạng vi phạm bản quyền dưới nhiều hình thức khác nhau, làm triệt tiêu động lực sáng tạo, kìm hãm sự phát triển và ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của ngành Xuất bản Việt Nam. Điều này cần được các NXB nhìn nhận và chấn chỉnh trong thời gian tới.
 
Để hoạt động xuất bản ổn định, vượt qua những khó khăn, thách thức vụ trong 06 tháng cuối năm, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị toàn Ngành cần phát huy tinh thần sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xuất bản, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 và triển khai Thông báo kết luận số 19 của Ban Bí thư.
 
Tiếp tục nâng cao chất lượng xuất bản phẩm bằng cách tăng cường công tác quản lý các khâu trọng yếu trong quy trình xuất bản như biên tập và đọc duyệt nội dung nhằm khắc phục triệt để sai phạm trong hoạt động xuất bản; Thực hiện nghiêm túc các quy định về liên kết xuất bản; Chấp hành các quy định về bản quyền, tránh để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động xuất bản nói chung và hình ảnh của NXB nói riêng; Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của NXB.
 
Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ, đảm bảo điều kiện để việc xuất bản phẩm điện tử phát triển, bắt kịp xu hướng phát triển của hoạt động xuất bản trong khu vực và trên thế giới. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định, đồng thời đẩy mạnh việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước để định hướng cho các NXB.