Tự hào với truyền thống đi đầu, táo bạo của ngành TT&TT

VietNamNet trò chuyện với nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp nhân 72 năm truyền thống ngành TT&TT. Cổng TTĐT của Bộ xin giới thiệu toàn văn nội dung này với bạn đọc:

Ngành TT&TT trong 10 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực quản lý, đóng góp xứng đáng và luôn đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Là người từng đứng đầu Bộ TT&TT, ông có cảm tưởng như thế nào vào ngày này?
 
Những người công tác trong ngành TT&TT tự hào được kế thừa sự nghiệp 72 năm của ngành Bưu chính Viễn thông, gồm 5 truyền thống:
 
Thứ nhất là truyền thống đi đầu - tiên phong. Đó là truyền thống giá trị nhất.
 
Thứ 2 là truyền thống sáng tạo và táo bạo. Sáng tạo trong lao động sản xuất, táo bạo trong chiến tranh. Trong thời kỳ bị cấm vận, ngành TT&TT đã biết tận dụng những mối quan hệ với các nước lớn, tiên tiến, thiện chí với VN để có những đổi mới về thiết bị ban đầu, tạo những bài học kinh nghiệm. Bởi vậy, khi xóa cấm vận ta vùng lên bằng tất cả kinh nghiệm đã có đưa ngành đổi mới toàn diện và nhanh chóng.
 
Thứ 3, đoàn kết và tình nghĩa, vẫn duy trì phát triển. Là một ngành rất ít khi mất đoàn kết, nếu có thì chỉ sóng sánh và có thể khắc phục được ngay.
 
Thứ 4, luôn luôn chăm lo, đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Ngành TT&TT là ngành đào tạo quản lý, đào tạo mũi nhọn, đào tạo CNTT, công nhân kỹ thuật lành nghề. Đây là ngành có tính chuyên nghiệp hóa tương đối cao, kể cả trẻ hóa và tri thức hóa.
 
Thứ 5, liên kết trong nước sâu và hợp tác quốc tế rộng. Ngành TT&TT là một ngành đi theo kịp với tiến bộ văn minh thời đại. Nước ta có 3 ngành lao động quốc tế, thì chúng ta có 2 ngành đó là Viễn thông và CNTT.
 
Trong những năm qua, ngành TT&TT đã giữ vững được 5 truyền thống đó trong thời đại đổi mới và hội nhập quốc tế.
 
20170829-m040.jpg
Nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp
 
Trong 8 tháng đầu năm nay, công tác quản lý các cơ quan báo chí và chỉ đạo tuyên truyền tại các điểm nóng ở một số địa phương trên cả nước, các thông tin, diễn biến phức tạp liên quan đến các mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị,... đã được Bộ TT&TT thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Nhiều cơ quan báo chí, PV sai phạm ở cả T.Ư và địa phương đã được xử lý nghiêm, thể hiện phần nào sự cố gắng của Bộ TT&TT trong việc làm lành mạnh hóa lĩnh vực báo chí, được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận rất tích cực trong thời gian vừa qua. Ý kiến của ông?
 
Ưu điểm của ngành TT&TT trong mấy tháng đầu năm, thứ nhất, làm chủ thông tin, định hướng thông tin thông qua dư luận xã hội có tiến bộ hơn.
 
Thứ 2, quản lý báo chí và xử lý những sai sót, sai phạm nhanh hơn, kịp thời hơn.
 
Thứ 3, quản lý các mặt trái của viễn thông, những vấn đề sim rác, tin nhắn rác có những bước tiến tích cực.
 
Thứ 4, đã hợp tác với các hãng truyền thông quốc tế như Google, Facebook, cùng nhau quản lý đảm bảo trung thực trong thông tin truyền thông.
 
Xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam cường thịnh, trong đó lấy CNTT-TT làm nền tảng để phát triển đất nước, sớm đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT-TT, đó là một nhiệm vụ nặng nề của ngành. Ông có chia sẻ điều gì với các cán bộ ngành TT&TT?
 
Sự nghiệp lớn nhất của ngành TT&TT hiện nay là đoàn kết, phấn đấu để sớm đưa VN thành quốc gia mạnh về CNTT-TT. Để làm được điều đó cần quyết liệt 3 việc:
 
Một, định hướng TT&TT nhanh hơn, kịp thời hơn so với thông tin xã hội mạng, không để chậm hơn so với mạng. Muốn định hướng phải làm chủ, phải đưa thông tin nhanh, bám sát, kịp thời như là diễn biến của cuộc sống.
 
Hai, ứng dụng CNTT phải đi nhanh hơn, từ khi triển 3G, 4G đến 5G mình có bước đi nhanh hơn, theo kịp tiến bộ của văn minh loài người.
 
Ba, trong ứng dụng CNTT để xây dựng Chính phủ điện tử thì đã rất cố gắng nhưng so với yêu cầu của quản lý, so với văn minh tiến bộ của loài người vẫn rất chậm. Đó là nội dung quản lý tối ưu, vì trong quản lý hiện nay phải kết hợp 3 cái: luật lệ, đạo đức, công cụ kỹ thuật hỗ trợ. Muốn có công cụ kỹ thuật hỗ trợ thì phải ứng dụng CNTT con người mới tự giác một cách tuyệt đối, còn nếu chỉ bằng đạo đức với luật pháp thì vẫn chưa phải là tối ưu.
 
Chúng ta phát huy truyền thống, cùng với các ưu điểm vẫn rất cần tích cực học hỏi quốc tế, để tiến kịp, tiến cùng thậm chí tiến vượt thời đại.
 
Với sự ra đời của Thông tư 38 về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như Google, Facebook đã rất chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Điều này được phản ánh rất rõ nét thông qua việc các doanh nghiệp này đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện xử lý hàng nghìn nội dung thông tin vi phạm pháp luật. Ý kiến của ông về việc này?
 
Phối hợp với thế giới, với các hãng truyền thông lớn trên thế giới và gắn kết với nhau vì lợi ích, vì sự trung thực, đó là một việc rất tốt.
 
Sự trung thực, chính xác là tiêu chuẩn văn minh cao nhất của loài người. Chúng ta cần phối hợp, hội ý, trao đổi với nhau nhiều hơn để mọi thông tin của quốc tế đến Việt Nam cũng được sàng lọc một cách tốt nhất, thông tin của Việt Nam ra thế giới cũng được chuyển hóa nhanh, làm thế giới hiểu Việt Nam tốt hơn, Việt Nam học thế giới để đi lên tốt hơn./.