Vĩnh Phúc nỗ lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Dưới sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo và giải quyết việc làm 3 cấp, đảm bảo chế độ thông tin, chỉ đạo điều hành giữa các ngành chức năng; đôn đốc cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cuộc tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
 
Tỉnh chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tăng cường hỗ trợ người nghèo toàn diện; tập trung giảm nghèo khu vực nông thôn, các xã có đồng bào dân tộc, vùng miền núi khó khăn của tỉnh; bổ sung chính sách đối với hộ cận nghèo, hạn chế tái nghèo; rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong việc hỗ trợ cho người lao động nói chung, lao động thuộc diện hộ nghèo nói riêng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc triển khai thực hiện các chế độ hỗ trợ về giáo dục, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh; hỗ trợ về nhà ở, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, ... cho hộ nghèo được thực hiện công khai, minh bạch.
 
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hiệu quả chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong năm, các chương trình tín dụng đã cho 185 hộ vay xuất khẩu lao động với số tiền 9,92 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm gần 2 nghìn hộ với số tiền 44,7 tỷ đồng. Trong đó có 945 hộ được vay vốn thoát nghèo;19 hộ nghèo vay làm nhà ở; 424 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất. Vốn tín dụng chính sách phát huy tác dụng góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa giàu - nghèo, giữa nông thôn - thành thị; tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội.
 
20170829-m7.jpg
 
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cùng các đại biểu động thổ khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ bà Trần Thị Sổ, thôn Thiều Xuân, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô
 
Cùng với đó, để giúp hộ mới thoát nghèo cũng như hộ có điều kiện khó khăn được hỗ trợ chăm sóc y tế, từ đó hạn chế phát sinh nghèo, tái nghèo, ngay từ đầu năm 2016, tỉnh đã cấp 45.916 thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, với kinh phí 28,5 tỷ đồng; cấp 51.168 thẻ BHYT cho người cận nghèo với kinh phí 31,78 tỷ đồng; Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo đã hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo khoảng 1,8 tỷ đồng ….  Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành: Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội,  phối hợp đồng bộ, tạo mọi điều kiện để người nghèo được tiếp cận chính sách khám chữa bệnh và các dịch vụ y tế cơ bản ngay tại cơ sở, nâng tỷ lệ người nghèo, cận nghèo đến khám chữa bệnh ở các trạm y tế xã, phường. 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người cận nghèo đều được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ y tế từ tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh theo đúng quy định. Tỉnh đã cấp xong 32.183 đầu thu truyền hình số mặt đất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ được thụ hưởng thông tin trên truyền hình một cách kịp thời, nâng cao dân trí thông qua việc được tiếp cận với các kênh thông tin thời sự, khoa học, kỹ thuật, mô hình sản xuất kinh doanh.
 
Quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất cũng như động viên tinh thần kịp thời đối với các hộ nghèo, nhất là dịp lễ tết, năm 2016, ngân sách tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ hỗ trợ tết cho 1.959 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí 612 triệu đồng. Các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ tết cho người nghèo 1.088 suất quà  tương đương 435 triệu đồng. Cũng trong năm này, tỉnh đã giải ngân 290 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
 
Với những nỗ lực trong công tác giảm nghèo bền vững, hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 3,8%, giảm 1,07% so với năm 2015, hộ cận nghèo còn 4%, tỷ lệ hộ tái nghèo gần như không có.
 
Kiên trì thực hiện công tác giảm nghèo, năm 2017, dự kiến tỉnh sẽ dành nguồn kinh phí gần 500 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tiếp tục xét duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; triển khai đồng bộ có hiệu quả công tác quản lý dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo; đa dạng hoá nguồn lực để hộ nghèo, người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, tiếp cận các nguồn vốn vay đặc biệt là nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm 1% so với năm 2016, còn khoảng 2,89% theo chuẩn giai đoạn 2016 – 2020.
 
Nguồn: Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội